3 giờ chiều, 6 giờ chiều, 9 giờ tối là lịch thi đấu của EURO 2024 theo giờ Đức và khá nhiều nước châu Âu. Tức là hai trong số khung giờ này rơi vào giờ làm việc của nhiều ngành nghề khác nhau. Trận Đức - Hungary bắt đầu vào 6 giờ, cũng là thời điểm còn khá nhiều người vẫn ở nơi làm việc: những người làm ở siêu thị, nhà hàng, khách sạn... các địa điểm cung cấp dịch vụ, du lịch.
Không người quản lý nào muốn thấy nhân viên nhìn vào màn hình liên tục trong 90 phút thi đấu. Michael Fuhlrott, chuyên gia luật lao động của Hamburg cho biết: “Nhân viên không được phép gián đoạn công việc của mình để xem các trận đấu, bất kể là EURO hay các sự kiện thể thao khác”. Họ có thể bị cảnh cáo, phạt dù rằng trong nhiều hợp đồng lao động không chỉ rõ cụ thể điều khoản này.
Nếu người lao động thay vì nhìn vào TV mà vào... màn hình để xem trực tuyến qua internet, mọi chuyện cũng vẫn phức tạp như vậy. Theo luật, các công ty cấm nhân viên sử dụng internet công vào mục đích cá nhân, nếu vi phạm có thể bị chấm dứt hợp đồng. Ngay cả khi không có lệnh cấm nào được ban hành, nhân viên cũng nên cẩn thận: Tòa án Lao động Liên bang trước đây đã ra phán quyết rằng, lệnh cấm vẫn có thể được đưa ra khi các ông chủ không đưa ra thông báo rõ ràng.
Và ngay cả khi việc sử dụng internet cá nhân được cho phép, người lao động vẫn có thể mất việc nếu lướt web quá mức. Nếu họ chỉ thỉnh thoảng kiểm tra tỉ số thì vẫn chấp nhận được, khi sự phân tâm vẫn có thể được kiểm soát và việc lướt web riêng tư không bị cấm.
Thậm chí nếu người lao động nghe đài phát thanh tường thuật trận đấu vẫn có thể bị phạt. Tất nhiên, nó phụ thuộc vào độ chính xác mà công việc yêu cầu, nếu việc lắng nghe các thông tin ngoài luồng gây cản trở hiệu suất. Ví dụ, một người bảo vệ, gác cửa, nhân viên quầy bar... thì có thể nghe đài, nhưng một bác sĩ, giáo viên, cảnh sát thì phải tập trung hoàn toàn vào việc họ đang làm.
Về việc mặc áo đấu đi làm, Fuhlrott cho biết việc mặc áo đấu có thể gây nhiễu loạn nơi làm việc nếu trong cùng công ty có những cổ động viên hâm mộ hai đội bóng khác nhau. Hay ở những nơi làm việc phải mặc quần áo bảo hộ, đồng phục, mặc áo đấu đi làm sẽ bị cấm.
Các quy tắc ở văn phòng cũng nghiêm ngặt tương tự như khi nhân viên làm việc ở nhà. Nếu bạn bấm giờ từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều nhưng lại xem một trận EURO lúc 3 giờ thì đó là hành vi gian lận, công ty có đủ lý do và quyền hạ để sa thải mà không báo trước. Tuy nhiên, phía sử dụng lao động cần có bằng chứng cụ thể cho việc này: chỉ nghi ngờ thôi là chưa đủ. Nếu có những dấu hiệu rõ ràng, chẳng hạn như thông qua một bài đăng trên mạng xã hội, người sử dụng lao động có thể ra lệnh sa thải vì nghi ngờ.
Khó mà thư giãn
Kể ra cũng khó. Giải bóng đá lớn 2 năm mới có một lần, và đa số các trận vòng bảng đều diễn ra vào giờ hành chính. Một người làm việc có thể lấy phép từ 28-32 ngày có lương tùy vào công ty, nhưng thường họ phải sắp xếp trước cả một vài tháng với đồng nghiệp và có sự thông qua của lãnh đạo. Vì thế, việc xin nghỉ phép ngắn ngày trong thời gian EURO diễn ra không khả thi đối với số đông. Tất nhiên có nhiều nơi cũng tổ chức xem cho nhân viên, nhưng thường không phải các ngành nghề làm giờ hành chính ở văn phòng.
Là một quốc gia yêu bóng đá nhưng cũng nổi tiếng về sự chăm chỉ, chính xác, kỷ luật trong công việc, đây quả là nghịch lý của người hâm mộ bóng đá ở Đức. Trong hành trình chu du ở nhiều đất nước, tôi thấy người ta sảng khoái, “dễ thở” với nhau và với chính mình hơn ở những đất nước khác, dù là Nam hay Bắc Âu.
Người Đức thậm chí nổi tiếng sợ ốm, rất sợ lây từ người khác hay lây cho người khác. Không phải vì họ là những cá nhân yếu đuối, nhát gan trước mệt mỏi, bệnh tật. Họ sợ ốm thì sẽ phải... nghỉ làm, không tạo ra hiệu quả và giá trị nào. Đa số người Đức thấy cuộc sống có ý nghĩa nhất là khi họ hoàn thành tròn vai nhiệm vụ của mình, dù sau đó họ có thể về nhà than mệt mỏi, căng thẳng, chán ghét chính công việc đó.