Bóng đá hay quỷ dữ về nhà?
Trong những ngày diễn ra EURO 2024, khẩu hiệu "bóng đá trở về nhà" liên tục được các CĐV ĐT Anh hô vang. Họ hy vọng đội bóng con cưng của mình sẽ chấm dứt được cơn khát danh hiệu, nhưng cuối cùng Tây Ban Nha lại không cho người Anh được hài lòng.
Theo tờ Independent, thay vì "đưa bóng đá về nhà", ĐT Anh sau trận thua Tây Ban Nha có thể đã mở toang cánh cửa địa ngục để quỷ dữ tác oai tác quái. Đây là cách nói ví von, ám chỉ việc các CĐV quá khích của ĐT Anh vì quá thất vọng sẵn sàng "giận cá chém thớt" khi trở lại nhà. Họ chẳng ngại trút cơn thịnh nộ lên chính người thân của mình, khiến cho tình hình an ninh trật tự không được đảm bảo.
Thực tế đã chứng minh, rất nhiều vụ cãi vã, bạo hành, thậm chí tan vỡ cả mối quan hệ cũng chỉ vì ĐT Anh không chiều lòng được các fan ẩm ương. Những người này rơi vào trạng thái phấn khích hay cuồng nộ phụ thuộc vào việc ĐT Anh thắng hay thua. Về cơ bản thì họ không kiểm soát được hành vi của mình, còn những người phải chịu hậu quả thì đa phần lại chẳng đam mê, thậm chí còn ghê sợ bóng đá.
Đơn cử như Emma Armstrong - giám đốc điều hành tổ chức từ thiện có tên I Choose Freedom. Trước đây, Armstrong cũng từng là tín đồ của túc cầu giáo. Tuy nhiên, sau đó cô chuyển trạng thái từ fan mua vé cả mùa ở giải Ngoại hạng Anh sang người chủ động tránh xa tất cả những gì liên quan tới trái bóng tròn. Lý do là bởi bóng đá đã khiến cho cô phải chịu đựng trải nghiệm quá khủng khiếp.
Những cơn ác mộng
Thực tế thì bóng đá không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bạo lực gia đình, nhưng với Armstrong và rất nhiều người, đây đích thị là chất xúc tác khiến họ phải hứng chịu tai họa. Chia sẻ với phóng viên Independent, Armstrong đã kể về trải nghiệm đáng quên của mình như sau: "Bạn trai cũ của tôi là fan cuồng nhiệt của Fulham và ĐT Anh. Mỗi khi có các trận đấu bóng đá, hắn ta lại có lý do để mò tới quán rượu và uống ở đó cho tới lúc say mèm".
"Không chỉ mê rượu mà bạn trai cũ của tôi còn nghiện cả ma túy nặng nữa. Với anh chàng này, bóng đá chỉ là cái cớ để gã tìm cách thỏa mãn cơn nghiện trước khi gây chuyện mà thôi. Khi có người bạn trai như vậy, tôi sinh ra chán ghét bóng đá. Cứ mỗi khi hắn ta về nhà là tôi lại phải cảnh giác và sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ".
"Người ta đang nói về câu chuyện "bóng đá trở về nhà", nhưng tâm trí tôi lúc nào cũng xuất hiện cảnh báo: "Anh ấy đang trở về nhà". Tôi thường xuyên giật mình thon thót khi nghe thấy tiếng chìa khóa xoay trong ổ. Ngay cả khi đã chia tay bạn trai, bây giờ tôi vẫn căng thẳng tới nổi da gà khi nghĩ đến chuyện đó", Armstrong thừa nhận.
Điều đáng buồn là Armstrong không phải là người duy nhất rơi vào hoàn cảnh đáng thương như trên. Dù không có con số chính thức, nhưng tờ Independent khẳng định các phụ nữ trở thành nạn nhân của fan vũ phu tại Anh rất nhiều. Theo một nạn nhân khác có tên Emily, việc các đấng mày râu bỗng dưng "hóa thú" có mối quan hệ mật thiết tới cá cược. "Tôi biết rất nhiều người mê cá cược các trận đấu bóng đá và bạn trai tôi là một trong số đó. Bạn trai tôi chẳng hâm mộ đội nào, nhưng anh ta vẫn dán mắt vào các trận đấu vì mình đã đặt cược".
"Đôi khi, bạn trai tôi muốn tôi ở cạnh chỉ vì gã cần có ai đó kế bên để làm "vật tế thần". Bởi thế nên tôi chẳng bao giờ ở trong phòng nếu hắn ta đang xem bóng đá. Thú thực thì tôi cũng yêu bóng đá, nhưng bạn trai lại khiến tôi ám ảnh vì anh ta có thể mất bình tĩnh vào bất cứ lúc nào", Emily tiết lộ.
Những con số đáng lo ngại
Theo một tài liệu được công bố vào năm 2013, các vụ bạo lực gia đình ở Anh tăng tới 38% mỗi khi Tam sư thất bại ở các giải đấu lớn. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại trường kinh doanh Warwich phát hiện ra rằng, vào năm 2022 tình trạng bạo lực ở xứ sở sương mù tăng tận 47% trong ngày ĐT Anh thắng các trận đấu ở World Cup hoặc EURO.