Tại sao người Pháp thích biểu tình?

Kuang Dy
07:45 ngày 16/06/2016
Những gì diễn ra trên đường phố Paris vào những ngày cao điểm của EURO 2016 có thể xa lạ với nhiều du khách, nhưng lại quá quen thuộc với người Pháp: biểu tình. Bởi, tinh thần phản kháng là một trong những đặc trưng lâu đời của người Pháp qua nhiều thế kỷ.
Những gì diễn ra trên đường phố Paris đúng những ngày cao điểm của EURO 2016 có thể xa lạ với nhiều du khách trên khắp thế giới, nhưng lại quá quen thuộc với người Pháp: biểu tình. Đi kèm là bạo lực.

Năm 2009, tạp chí Time danh tiếng của Mỹ từng dành hẳn một số báo để trả lời câu hỏi: “Tại sao người Pháp lại thích đình công, biểu tình đến thế?’. Muốn tìm câu trả lời, phải ngược dòng thời gian vài thế kỷ trước. Cách mạng Pháp 1789 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử không chỉ của quốc gia này, mà còn mang tầm ảnh hưởng lớn đến nhân loại. Cuộc cách mạng đó là sự nổi dậy của dân Pháp. Họ chặt đầu nhà Vua và dần tạo ra những thể chế mới. Hơn 2,5 thế kỷ trước, người Pháp đã là những người có năng lượng phản kháng dữ dội và chiều dài lịch sử nước Pháp từ đó đến nay chứng kiến nhiều cuộc phản kháng long trời, lở đất, từ Công xã Paris cho đến cuộc tổng đình công đã đi vào lịch sử và có tên riêng  “Mai 68” (tháng 5/1968)... Nói cách khác, dân Pháp đã có truyền thống và một nền văn hóa biểu tình đậm đặc qua nhiều thế hệ.


Nhưng điều khiến biểu tình trở thành một phần của đời sống hàng ngày, khiến người Pháp mang danh “Vua biểu tình” ở châu Âu, xuất phát từ cách thức tổ chức xã hội của đất nước này, trong đó đặc biệt quan trọng là vai trò của các công đoàn (độc lập). Tại Pháp, xã hội vận hành trên 3 trụ cột: Nhà nước-Giới chủ-Công đoàn. Những thay đổi, cải cách, những mâu thuẫn, đối kháng… diễn ra giữa 3 “người chơi” này và mỗi bên nắm trong tay một con bài chủ lực: với nhà nước là quyền, giới chủ là tiền, còn công đoàn là đám đông. Khi cảm thấy quyền lợi không được đảm bảo, các công đoàn không ngần ngại sử dụng vũ khí lớn nhất của mình: kêu gọi người lao động xuống đường biểu tình, đình công. Là một quốc gia pháp quyền và coi trọng tiến bộ xã hội, luật pháp Pháp cho phép mọi hành động đó được diễn ra, miễn là không xâm phạm đến trật tự và an ninh công cộng.

Đó là lí do người Pháp biểu tình liên miên. Phản đối tăng giờ làm việc: biểu tình. Phản đối sa thải lao động: biểu tình. Phản đối hay ủng hộ hôn nhân đồng tính: biểu tình… Biểu tình diễn ra ở mọi cấp độ (từ toàn quốc đến làng nhỏ), quy mô (từ vài chục đến vài trăm ngàn người), không gian (từ Paris đến nông thôn) và thời gian (ban ngày xuống phố, ban đêm lại biểu tình)…. Những cuộc đụng độ đường phố mà thế giới được chứng kiến tại Pháp nhiều tháng qua và đặc biệt lan tỏa trong dịp EURO này xuất phát từ những cuộc biểu tình phản đối một dự thảo luật Lao động mang tên El-Khomri (nữ Bộ trưởng Lao động Pháp). Hàng triệu người biểu tình đã xuống đường từ tháng 3 đến nay và 9 cuộc tổng biểu tình toàn quốc đã diễn ra, mà cuộc mới nhất là 14/6 này với chai lọ, hơi cay tràn ngập quảng trường Invalides, nơi chỉ cách Fanzone tháp Eiffel hơn 1km. Đây chắc chắn chưa phải đợt tổng lực xuống đường cuối cùng.


Vấn đề đặt ra là khi nước Pháp đang căng mình đảm bảo cho EURO 2016 diễn ra trơn tru, những cuộc biểu tình này có thể phiền toái đến mức nào? Với lực lượng an ninh, cảnh sát, đó thực sự là ác mộng. Họ phải căng mình đối phó với cả ba “mũi tấn công”: những kẻ khủng bố trong bóng tối; những hooligan nát rượu của Anh, Nga, Đức… chỉ chờ cơ hội là ra tay phá phách đánh nhau và những người đồng hương đang mang trong mình tâm lý thù ghét cảnh sát cực độ. Nếu những cuộc biểu tình này kéo dài, mà bao giờ cũng đi kèm bạo lực, các lực lượng an ninh Pháp vốn đã quá tải, có thể sẽ gục ngã và khi đó là lúc mối đe dọa lớn nhất là khủng bố có thể sẽ lên tiếng. 

Với những CĐV bóng đá đến Pháp xem EURO, biểu tình cũng chẳng có gì hay ho. Vì cuộc biểu tình 14/6 mà tháp Eiffel bị đóng cửa, hàng loạt bến tàu metro… bị phong tỏa. Đi lại vốn đã khó khăn vì chuỗi ngày đình công của SNCF (tàu hỏa), Air France (máy bay) bắt đầu từ tuần trước… lại càng thêm phiền toái. Trên hết, khi biểu tình biến thành các trận chiến du kích đường phố như hiện nay, ai còn tâm trí mà thưởng thức cảnh đẹp Paris hay các thành phố khác? EURO không chỉ là bóng lăn trên sân, hò hét trên khán đài mà còn cả tận hưởng niềm vui sống ở miền đất lạ. Pháp đang hủy hoại niềm vui đó.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất