Bóng Đá Plus trên MXH

Tây Ban Nha và Anh chết vì ảo tưởng sức mạnh
đỗ tuấn - khắc sơn • 09:05 ngày 29/06/2016
EURO 2016 đã chia tay 2 ứng viên vô địch là TBN và Anh. Nhiều người tiếc cho hành trình ngắn ngủi của họ, và báo Bóng đá đã có cuộc đối thoại bàn tròn với nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, tiền vệ Phạm Thành Lương, Lê Tấn Tài về sự sụp đổ của hai đội bóng vốn nhận được nhiều sự kỳ vọng này.
    - PV: Dư luận đang nói về “cái chết tức tưởi” của TBN và Anh tại vòng 1/8. Các vị có bất ngờ về việc này?

    - Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu: Tôi không bất ngờ. Đó là cái chết tất yếu không thể khác. Tôi bắt đầu từ ĐT Anh. Họ vẫn vậy. Bao năm qua vẫn không thay đổi. Họ lãng mạn đến giản đơn. Họ cũ kỹ một cách bảo thủ. Người Anh luôn hăm hở đến giải với tinh thần hiệp sĩ, nhưng vào cuộc thì lại chóng nản và chưa bao giờ có khát vọng chiến thắng. Họ muốn vô địch châu Âu và cả thế giới, nhưng lại không chịu làm gì cho ước muốn đó. 

    Họ giống như những người chỉ mua vài tấm vé số, nhưng luôn muốn trúng độc đắc. Người Anh tự tin đến ảo tưởng. Họ khác hẳn với một đội bóng nhỏ như Iceland luôn đặt mục tiêu vừa phải, hướng đến từng trận đấu và tìm mọi cách để hoàn thành mục tiêu của mình. Giá như người Anh đặt mục tiêu vừa tầm như vậy và đầu tư cho mục tiêu đó thì mọi chuyện đã khác, nhất là khi họ không có được những cá nhân xuất chúng.

    - Tiền vệ Lê Tấn Tài: Tôi rất thích Italia và TBN, nên việc 2 đội này đụng nhau sớm và TBN bị loại khiến tôi rất tiếc. Riêng việc Anh bị loại, tôi hoàn toàn không bất ngờ và đồng quan điểm với chị Đoàn Ngọc Thu. Lâu nay, bóng đá Anh luôn rầm rộ ở các giải đấu quốc nội, nhưng khi bước ra quốc tế, Tam sư chỉ như những chú mèo khiến những ai yêu mến họ phải thất vọng.


    - Tiền vệ Phạm Thành Lương: Tôi bắt đầu yêu mến ĐT Anh từ năm 2002 và không thể ngờ họ lại có thể thua theo cách rất sốc trước đội bóng bị đánh giá yếu hơn rất nhiều là ĐT Iceland. Trước đây tôi đã từng tin ĐT Anh sau đợt trẻ hóa với nhiều gương mặt tài năng như Ali, Kane, Vardy thì sẽ giàu sức sống hơn nhưng không thể ngờ được rằng họ lại dừng bước ngay từ vòng 1/8. 

    Trong khi đó, thất bại của Tây Ban Nha chỉ là kết cục tất yếu bởi họ đá không có sự sáng tạo, máu lửa như Italia. Chiến thắng của Italia đã chứng minh yếu tố tập thể và chặt chẽ trong lối chơi nguy hiểm như thế nào.

    - Người Anh chết vì ảo tưởng, nhưng TBN đã thống trị thế giới bởi thứ bóng đá lãng mạn? Chúng ta lý giải thế nào về “cái chết” của đội bóng này?

    - Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu: Tôi cho rằng, TBN “đã chết” từ lâu rồi. Họ chỉ thăng hoa được đến năm 2010 mà thôi. Đến EURO 2012 thì họ vượt qua Italia nhờ danh dự và sự trỗi dậy cuối cùng. Đến 2014 thì họ đã đuối. Tất cả những đánh giá về đội bóng này chỉ dựa trên hào quang đã có và không xét về thực lực. 

    Theo quan niệm của tôi, TBN thời điểm này không có nền tảng. Trong khi đó, Italia dù có khủng hoảng đội hình (chủ quan) lẫn cả những tác động bên ngoài như chính trị, bê bối của các ông trùm bóng đá thì (khách quan) thì họ vẫn giữ được đẳng cấp…

    - Tiền vệ Lê Tấn Tài: Chị Thu có vẻ nói hơi quá về “cái chết” của TBN. Đúng thời kỳ rực rỡ nhất của họ nằm trong quãng thời gian từ năm 2008 và đỉnh điểm là chức vô địch World Cup 2010, nhưng bảo năm 2012 là sự trỗi dậy cuối cùng thì hơi quá đáng. Chức vô địch EURO cách đây 4 năm của họ thực tế vẫn rất ấn tượng từ con người cho đến lối chơi. Giờ đây, lối đá mang tính lãng mạn của TBN thực chất vẫn còn, nhưng con người lại không đủ để đưa sự lãng mạn ấy thăng hoa.

    - Theo các vị, thất bại của 2 đội bóng kể trên xuất phát con người, cách dụng binh hay vấn đề lớn hơn là triết lý bóng đá?

    - Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu: Tôi quan niệm, thất bại của Anh và TBN là do triết lý và chiến lược đầu tư cho bóng đá. Người Anh thì không đầu tư cho mục tiêu của mình. Người TBN thì ngủ quên trên danh vọng. TBN như tôi nói đã “chết” từ năm 2010, nhưng lại được chức vô địch EURO 2012 nên ảo tưởng sức mạnh. 

    Các đội bóng trong nước thì chủ yếu dựa vào bộ khung nước ngoài nên đội tuyển không có người kế cận. Người Anh thì luôn tự hào về giải Ngoại hạng giàu có, bóp chết các giải đấu khác, vì thế mà cầu thủ của họ không ra nước ngoài. Mà trong thế giới phẳng và mở thì “đi một đàng, học một sàng khôn”. 


    - Tiền về Lê Tấn Tài: Ở trận thua Italia mới đây, lối chơi của TBN vẫn không nhiều thay đổi so với thời đỉnh cao của họ ở EURO 2008, 2012 hay vô địch World Cup 2010. Thế nhưng ngần ấy năm trôi qua, những gương mặt đưa bóng đá TBN lên đỉnh vinh quang ngày nào giờ đã qua thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, rất nhiều người đã chia tay đội tuyển, trong lúc những gương mặt còn lại như Iniesta, Silva, Fabregas, Pique, Ramos… đã già nua. 

    Thế nên lối đá tiqui-taca đã thiếu hẳn những nhân tố có thể gây đột biến, nên họ đành chấp nhận thất bại trước một Italia với lối đá phòng ngự phản công rất khoa học, khéo léo và đầy hiệu quả.

    Nếu TBN đã cũ kỹ và già nua, ngược lại đội tuyển Anh dù có rất nhiều nhân tố trẻ vẫn thất bại. Đầu tiên có lẽ do “định mệnh lẫn truyền thống” của họ vốn thế. Kế đến, sự bảo thủ của HLV Roy Hodgson khiến ĐT Anh phải về nước sớm hơn mong đợi.

    - Câu hỏi cuối, vậy các đội bóng này phải làm thế nào để vượt qua thất bại?

    - Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu: Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Anh luôn nghĩ mình sẽ đá ở trận chung kết. Năm nào cũng vậy. Khi thua Đức, Italia thì họ cho là sảy chân. Thua những đội bóng không tên tuổi, họ cho là đen đủi. 

    Vậy nên, muốn chiến thắng, họ phải từ bỏ niềm kiêu hãnh ảo tưởng là mình luôn nhất thế giới. Họ phải quen với quan niệm là mình vẫn kém đối thủ, đầu tư cho con người với một chiến lược tổng thể và dài hạn. Còn với TBN, đã đến lúc họ phải trở lại với mặt đất, bắt tay vào đào tạo những con người mới.

    - Tiền vệ Lê Tấn Tài: Câu này có lẽ nên hỏi LĐBĐ của hai quốc gia kể trên là chuẩn nhất (cười). Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tôi, TBN đang rất cần một làn gió mới bằng một lứa cầu thủ trẻ trung và tài năng hơn để tiếp bước thế hệ đàn anh. 

    Còn bóng đá Anh nên bớt bảo thủ và tập trung chiều sâu ở đội tuyển hơn, thay vì bằng những hình thức màu mè ở cấp CLB, để rồi “chết” cũng vì sự tung hô lên mây của giới truyền thông.
    Bình luận
    Cùng chuyên mục
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội