Bóng Đá Plus trên MXH

Sức sống kỳ lạ của cúp FA: “Nhà nghèo” ham tiền thưởng, “đại gia” cần danh dự
05:59 ngày 17/03/2015
Khâu tổ chức có thể chưa tốt, nhưng hình ảnh giới hâm mộ Aston Villa tràn xuống sân khi trận gặp West Brom còn chưa kết thúc cho thấy: Cúp FA vẫn là trận địa đầy cảm xúc, tuyệt vời nhất trong các giải cúp quốc gia. Bỏ qua vấn đề truyền thống, còn những nguyên nhân nào khiến Cúp FA luôn được xem trọng như vậy?
    MỘT TRẬN ĐẤU BẰNG CẢ MÙA BÓNG!
    1,8 triệu bảng tiền thưởng cho nhà vô địch Cúp FA có thể chỉ là món “tiền lẻ” đối với các “đại gia” giàu mạnh, nhưng với tuyệt đại đa số các đội dự Cúp FA, đấy luôn là “giải độc đắc” đầy mời gọi. Cần lưu ý: ngoài 20 đội bóng ở Premier League, Cúp FA còn có... hơn 700 đội khác - 90% là các đội bán chuyên hoặc “phong trào”, hầu như không có khả năng làm ra tiền.

    Đội Warrington Town, chơi ở một đẳng cấp được phiên thành hạng Tám trong làng bóng Anh, vượt qua hàng loạt chướng ngại để lọt vào... vòng 1 Cúp FA mùa này. Từ mức thưởng 1.500 bảng cho chiến thắng ở vòng sơ loại đầu tiên, Warrington đã tiến được đến mức thưởng 18.000 bảng cho chiến thắng ở vòng 1. 

    Chỉ với bấy nhiêu, đội bóng hạng Tám này đã coi như kết thúc mùa bóng 2014/15 đầy thắng lợi về mặt tài chính. Tính ra, chỉ riêng trận thắng Exeter City 1-0 ở vòng 1 Cúp FA đã đem về cho Warrington nguồn thu cao hơn 70% so với tổng doanh thu của đội trong toàn bộ mùa bóng trước. Quan trọng như vậy, nên các đội bóng nhỏ tại Anh thi thoảng vẫn hay làm nên những trận “để đời” tại Cúp FA.

    CÓ RẤT NHIỀU “GIẢI ĐỘC ĐẮC”
    Xin nhắc lại, những gì vừa nêu chỉ mới là tiền thưởng từ phía FA. Ngoài ra còn có những nguồn tiền khác, rất hấp dẫn. Chẳng hạn trường hợp Warrington mùa này. Họ được chia 140.000 bảng tiền bản quyền truyền hình cho các trận đấu thuộc 2 vòng đầu tiên của Cúp FA, nhiều gấp 8 lần tiền thưởng từ thành tích thi đấu.


    Đấy là chỉ mới vượt qua vòng 1. Đội hạng Tư Cambridge United năm nay lọt vào vòng 4, cũng là một thành tích quá huy hoàng. Tiền thưởng từ phía FA cho đội lọt vào vòng 4 cao gấp 4 lần tiền thưởng cho đội thắng ở vòng 1. Tất nhiên, tiền chia từ bản quyền truyền hình cũng tăng theo quy luật lũy tiến. Vậy nên, không cần bàn thêm để thấy, đội “nhà nghèo” Cambridge cũng đã có một mùa bóng quá thành công về tài chính. 

    Ở đẳng cấp hạng Tư, kinh phí hoạt động mỗi mùa chỉ là vài ba triệu bảng. Vậy mà chỉ riêng trận gặp M.U (thua 0-3 tại Old Trafford), Cambridge đã được chia đến 1 triệu bảng tiền vé. Hóa ra, với các đội bóng nhỏ thì việc được gặp Chelsea, M.U hoặc Arsenal ở Cúp FA cũng là “trúng độc đắc”!

    ĐÔI KHI, CHỈ CẦN ĐƯỢC TÁI ĐẤU
    Vậy nên, Cúp FA quả có những cảm xúc riêng, có những chỗ độc đáo riêng mà ở nơi khác, kể cả các nền bóng đá hùng mạnh, người ta cũng không dễ hiểu. Ví dụ, các đội bé xíu ở Anh không ham gặp đội... cũng yếu, mà họ chỉ mong vớ phải lá thăm “siêu nặng”. 

    Hệ quả: với các fan của những đội bóng “địa phương”, chưa bị loại ở Cúp FA, thì lễ bốc thăm vòng đấu tiếp theo là một sự kiện hấp dẫn, cực kỳ hồi hộp. Hãy cứ so sánh: tiền chia cho một trận đấu tại sân Old Trafford mà Cambridge được hưởng đã cao hơn tiền thưởng cho đội lọt vào chung kết Cúp FA (900.000 bảng).

    Có hai điều đáng bàn. Thứ nhất, chúng ta hiểu rõ vì sao các cầu thủ Cambridge đều quyết chiến như đấy thực sự là một trận đấu sống còn, khi được tiếp M.U ở vòng 4 Cúp FA. Trận ấy hòa 0-0, và phần thưởng cho Cambridge là trận tái đấu, tại Old Trafford, như vừa nêu. 


    Điều thứ hai đáng suy nghĩ hơn: giả sử Cambridge được hưởng phạt đền ở phút 90 trong trận hòa 0-0 tại sân nhà? Một cú sút chính xác sẽ đưa họ vào vòng đấu tiếp theo, với 90.000 bảng tiền thưởng từ phía FA, cùng tiền chia bản quyền truyền hình. 

    Nhưng không thể biết “vòng đấu tiếp theo” sẽ như thế nào. Ngược lại, nếu sút hỏng quả phạt đền giả định ấy thì Cambridge đương nhiên “phải” tái đấu tại Old Trafford và được chia 1 triệu bảng tiền bán vé từ trận tái đấu. Bạn sẽ chọn giải pháp nào?

    VỚI “ĐẠI GIA”, ĐẤY LÀ DANH DỰ
    Bóng đá Anh xưa nay vẫn luôn nổi tiếng về tinh thần fair-play, và Cúp FA của Anh luôn có sức sống đặc biệt. Vậy nên, không nhất thiết phải suy nghĩ quá nhiều về câu chuyện giả định vừa nêu, khi mà “hòa có lợi hơn thắng”, xét chuyện tiền bạc thuần túy.

    Mùa trước, tiền thưởng từ FA và tiền chia bản quyền truyền hình cho chức vô địch Cúp FA của Arsenal là 4,2 triệu bảng. Hơn... 1% tổng doanh thu của đội (302 triệu bảng). Nhưng, ai cũng thấy rõ sự phấn khích của giới hâm mộ cũng như các thành viên Arsenal khi đoạt cúp. Với một HLV bị cho là đã “hết thời” và quá khát danh hiệu trong suốt chục năm như Arsene Wenger, không cần nói nhiều về tầm quan trọng của chức địch Cúp FA 2014.

    Cũng vì vấn đề danh dự mà Arsenal đã quyết đánh bại M.U ngay trên sân Old Trafford để giành vé vào vòng tứ kết Cúp FA mùa này? Và vì thế mà Liverpool cũng phải cố đeo bám Cúp FA, dù đang có cuộc đua giành suất dự Champions League rất gay cấn giữa 3 đội mạnh vừa nêu?

    Cái giá cho trận chung kết Cúp FA
    Trong 10 đội bóng dự trận chung kết Cúp FA ở 5 mùa bóng gần đây, chẳng có đội nào cải thiện được vị thứ ở bảng xếp hạng Premier League, tính từ sau vòng 22. Có 3 đội giữ nguyên vị trí và 7 đội thụt lùi.

    Nếu như xét về điểm số cụ thể thì có 2 đội tiến bộ và 8 đội sa sút. Thật ra, 2 trường hợp tiến bộ thì chẳng cải thiện được bao nhiêu (tăng bình quân 0,06 điểm/trận và 0,13 điểm/trận). Còn trong các trường hợp sa sút thì giảm rất nhiều. Điểm số của Liverpool ở mùa bóng 2011/12 giảm đến 33%. Điểm số của Arsenal mùa trước cũng giảm như vậy.


    Trong 10 đội bóng lọt vào chung kết Cúp FA, có đến 2 đội rớt hạng (gồm cả đội đoạt cúp năm 2013 là Wigan), 1 đội rớt từ ngôi đầu bảng xuống vị trí số 4, 1 đội văng ra ngoài “Top 4” và 1 đội rơi từ khu giữa bảng xuống gần lằn ranh rớt hạng!

    Một mặt, bóng đá Anh vốn bảo thủ. Mặt khác, tình trạng phải tái đấu xuất hiện rất nhiều ở Cúp FA, nhưng đây là điều hầu như không thể thay đổi. Trong những cặp đấu có sự chênh lệch lớn về đẳng cấp thì các trận tái đấu chính là cơ hội hốt bạc. Đôi khi các đội yếu hơn chỉ quyết đẩy đội mạnh vào tình trạng phải tái đấu, chứ chuyện thắng/thua lại chẳng quan trọng. Các trận tái đấu như thế luôn bị xem là nguyên nhân quan trọng khiến các đội bóng ở Premier League sa sút trong giai đoạn quyết định của mùa bóng.  
    Kinh Kha • 05:59 ngày 17/03/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay