Bóng Đá Plus trên MXH

Anh vs Pháp: Giao thoa thời đại mới
• 14:13 ngày 17/11/2015
Anh và Pháp là 2 nền bóng đá lớn ở châu Âu cũng như trên thế giới. Khi hai đội tuyển này chuẩn bị gặp nhau ở trận giao hữu tại Wembley để chuẩn bị cho VCK EURO 2016, chúng ta cùng nhận ra một điều: bóng đá hiện đại đã không còn biên giới, tất cả gần như hội tụ lại một mẫu số chung và các đội tuyển lớn đều có phong cách chơi na ná nhau.
    Anh không còn là đội bóng chỉ chạy và sút, lật cánh đánh đầu. Với những cầu thủ như Ross Barkley hay Raheem Sterling, Tam sư đang đậm chất Latin hơn bao giờ hết. Ngược lại, khi xem Pháp thi đấu ở trận giao hữu gần nhất (thắng ĐKVĐ thế giới Đức 2-0), chúng ta thấy một pha bóng bổng kiểu Anh với đoạn kết là cú đánh đầu như quả đại bác của Andre- Pierre Gignac - một tiền đạo cao kều đang chơi bóng ở… Mexico - làm tung lưới thủ môn số 1 thế giới Manuel Neuer. 

    Pháp chơi bóng giống Anh và ngược lại, dù đặc thù hai giải VĐQG của hai quốc gia này khác nhau. Một bên chuyên xuất khẩu cầu thủ giỏi, bên kia chuyên thu nhận. Cầu thủ Pháp ngày càng có ảnh hưởng lớn ở Premier League, chứ không lác đác như khi giải Ngoại hạng Anh bắt đầu xuất hiện, khi đó những cái tên như Eric Cantona hay David Ginola dần khẳng định thương hiệu Pháp ở một nền bóng đá vốn nổi tiếng bảo thủ, ít chịu thay đổi. 

    Người Pháp đã giúp người Anh thay đổi, ngược lại Premier League là môi trường giúp nhiều tài năng Pháp trui rèn, phát triển, thành danh. Tất nhiên, không chỉ Premier League học tập các cầu thủ Pháp, mà ngược lại Ligue 1 cũng học tập bóng đá Anh. Khi xem những đội như AS Monaco hay Bordeaux thi đấu, chúng ta thấy những pha bóng tốc độ và những bàn thắng bằng đầu xuất hiện với tần suất cao hơn trước đây. Ngược lại, Premier League đã chiêu mộ thành công ngôi sao trẻ sáng nhất của Ligue 1, với cái tên Anthony Martial, người vừa có pha trình diễn siêu hạng kiến tạo cho Olivier Giroud ghi bàn vào lưới Đức.


    Cả Martial lẫn Giroud đều chơi cho các CLB hàng đầu của Anh. Ngay cả Lass Diarra, một gã du mục bóng đá bất ngờ trở lại đội tuyển Pháp, cũng từng chơi cho Arsenal, Chelsea, Portsmouth trước khi khoác áo Real Madrid, sang Nga với Anzhi và Lokomotiv rồi trở lại Pháp với Marseille. Ngày nay, cầu thủ Pháp đánh thuê khắp thế giới, với nước Anh có Premier League là địa chỉ yêu thích hàng đầu. 

    Chất Pháp thấm đẫm nhiều CLB Anh chứ không chỉ các đội bóng lớn, trong đó nổi bật là Arsenal với HLV và một dàn cầu thủ Pháp. Một đội trung bình như Crystal Palace cũng có một trụ cột của Les Bleus, là tiền vệ gốc Việt Yohan Cabaye. Tiếng Pháp trở thành thứ ngôn ngữ phổ biến thứ nhì ở các CLB Anh, ngược lại tiếng Anh trở thành thứ ngôn ngữ phổ biến chỉ sau tiếng Pháp trong các buổi tập của Les Bleus.

    HLV Pháp hiện tại là Didier Deschamps cũng từng chơi bóng ở Anh cho Chelsea. Ông đánh giá cao cuộc cách mạng của bóng đá Anh, ví dụ tiêu biểu là Stoke City đã “mềm mại” hơn rất nhiều, còn Leicester City của Jamie Vardy khiến Deschamps nhớ tới Marseille khi ông làm thủ quân vô địch Champions League 1993. Bóng đá là ngôn ngữ toàn cầu, là công cụ để con người và các nền bóng đá xích lại gần nhau, cùng giúp nhau tiến bộ và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách, kể cả mối đe dọa khủng bố. Wembley vẫn sẽ là nơi Pháp và Anh so tài, còn nhà báo nổi tiếng Henry Winter có lý khi  cho rằng “Thế giới bóng đá sẽ đánh bại Nhà nước Hồi giáo”.   
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội