Vì nhiều lý do, nói đúng hơn là vì đủ loại lý do, Barca vẫn đang ở trong một tình trạng hết sức bấp bênh về mặt tài chính. Có thể các bạn không tin, nhưng Dani Olmo vẫn chưa thực sự là người của sân Camp Nou. Tuyển thủ Tây Ban Nha sở dĩ có thể đủ tư cách để được đăng ký vào đội hình Barca trong giai đoạn 1 là “nhờ”... chấn thương nặng của trung vệ Andreas Christensen. Vào tháng 1 năm sau, khi Barca phải đăng ký lại đội hình, Olmo hoàn toàn có thể sẽ rơi vào tình trạng “mất tư cách”.
Điều này thực ra không có gì mới. Từ khi Joan Laporta trở lại làm chủ tịch đội bóng, ông đã luôn phải ở trong tình trạng khổ sở, vật vã giải quyết hậu quả của những người đi trước. Đỉnh điểm rõ ràng là vụ phải chia tay Lionel Messi do không đủ tiền để gia hạn hợp đồng với anh. Nhưng không chỉ có thế. Barca mấy mùa gần đây mùa nào cũng rơi vào một vòng lặp đáng xấu hổ: đưa cầu thủ về, nhưng mãi không thể đăng ký cầu thủ do không đáp ứng được các yêu cầu về mặt tài chính.
Barca, mà ở đây là chủ tịch Laporta, đã cố tìm mọi cách để thoát ra khỏi vòng lặp điên rồ ấy. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Trong một thế giới mà ai ai cũng đang phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình, tìm được một Mạnh Thường Quân đủ lực giải quyết những vấn đề của Barca đâu có đơn giản. Mới nhất, dự án Barca Vision mà Laporta đặt rất nhiều kỳ vọng đã sụp đổ bởi lý do đơn giản là đối tác Libero... hết tiền. Mà những đối tác như Libero bây giờ mới là phổ biến.
Khổ thân Laporta! Để lấp đầy tài khoản của đội bóng, vị luật sư đầy quyền lực của xứ Catalunya đang phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, thậm chí nói là ông đang “vơ bèo gạt tép” cũng không quá. Mới nhất, Laporta đã có chuyến “công du” tới ba quốc gia châu Á vốn không mạnh lắm về bóng đá, nhưng có vẻ là có tiềm năng kiếm tiền. Đấy là điều mà Laporta, hay bất kỳ lãnh đạo nào khác của Barca, sẽ không làm, nếu đội bóng xứ Catalunya vẫn đang có được một vị thế tốt về mặt tài chính.
Cụ thể hơn thì chỉ trong 4 ngày vừa qua, Laporta đã đi thăm lần lượt Mông Cổ, Azerbaijan và Uzbekistan. Ở mỗi nơi, ông đều đạt được những thỏa thuận, có thể là sơ bộ, với các đối tác địa phương. Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao của Mông Cổ, bà Nomin Chinbat, đã tự hào thông báo trên trang cá nhân về một “thỏa thuận” với Barca. Ngoài ra, Barca cũng đã đạt được những thỏa thuận “đầy tiềm năng” với Gobi, nhà sản xuất lụa cashmere nổi tiếng, và Azchemco, công ty hóa chất thuộc sở hữu của tỷ phú Adnan Ahmadzada.
Trong những ngày tới, sẽ không có gì bất ngờ nếu Barca tiếp tục ra những thông báo mới mà nội dung là các thỏa thuận hợp tác với các đối tác Trung Á. Tuy nhiên, Có một thực tế mà tất cả các cules, và có lẽ cả Laporta nữa, đều phải thừa nhận, là những bản hợp đồng này không thể lập tức giúp đội bóng giải quyết được những vấn đề lớn về tài chính. Những gì mà Laporta đang làm đơn giản là “năng nhặt, chặt bị”. 100 bản hợp đồng trị giá 1 triệu euro sẽ thành 100 triệu euro, đó chính là kim chỉ nam của Barca vào thời điểm này.
Quan điểm ấy không có gì sai. Chỉ là nó có vẻ không tương xứng lắm với tầm vóc của Barca. À tất nhiên, Barca mà chúng ta đang nói tới là Barca của quá khứ...