Phòng họp báo phát sinh biến cố
Ngày 12/5/2015, HLV Martin O’Neill của ĐT CH Ireland từng tổ chức cuộc họp báo được rất nhiều người trông đợi. Khi ấy, đa phần người dân CH Ireland đều dự đoán HLV O’Neil sẽ điền tên Jack Grealish, tiền vệ trẻ mới 19 tuổi vào danh sách sơ bộ 33 cầu thủ được triệu tập cho 2 trận đấu với Anh (giao hữu) và Scotland (vòng loại EURO 2016).
Tuy nhiên, trong lúc các phóng viên rất háo hức chờ đợi thông tin chính thức, thì cuộc họp báo lại bị trễ một cách đáng ngờ. Mọi người phải đợi lâu hơn bởi ở phòng bên cạnh, HLV O’Neill còn bận nói chuyện qua điện thoại với ai đó trong trạng thái bị kích động.
Không rõ người ở đầu dây bên kia có phải là Grealish hay không, nhưng thực tế là một lúc sau một quan chức LĐBĐ CH Ireland đã phải đứng ra xin lỗi các phóng viên về sự chậm trễ. Tiếp đó, một bản danh sách cầu thủ CH Ireland vừa in mới có chỗ phải chỉnh sửa được trao đến tay từng người. Đến đây, tất cả mới giật mình khi nhận ra cái tên Grealish đã bị xóa khỏi bản gốc.
Sau này, một cựu quan chức giấu tên của ĐT Anh tiết lộ FA chính là “kẻ phá đám”, khiến CH Ireland để tuột mất ngôi sao sau này trở thành cầu thủ đầu tiên được giao dịch với giá 100 triệu bảng ở Premier League. “Chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để ngăn Jack đá cho CH Ireland. Đơn giản là vì Jack mà khoác áo ĐT CH Ireland thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi mất cậu ấy mãi mãi. Jack thực sự quá tài năng để chúng tôi phải từ bỏ cậu ta. Bây giờ chắc mọi người đều có thể hiểu tại sao chúng tôi phải hành động thật nhanh và quyết đoán như vậy”.
Tương tự như Grealish, Rice cũng từng chơi cho các đội U của CH Ireland. Anh thậm chí còn có 3 lần khoác áo ĐTQG nước này trước khi chọn ĐT Anh làm bến đỗ mới. Đáng chú ý, sau trận ra mắt CH Ireland (gặp Thổ Nhĩ Kỳ), Rice từng thừa nhận anh đã khóc vì xúc động khi nghe tiếng nhạc quốc ca vang lên. Tuy nhiên, rút cục cảm xúc ấy cũng chẳng thể níu giữ Rice ở lại với ĐT CH Ireland. Ngay khi được FA “nháy mắt” ve vãn, tiền vệ này ngay lập tức biết rằng chỗ đứng của mình phải là ở trong hàng ngũ Tam Sư.
Những cuộc đàm phán
Do Rice và Grealish đều có ông bà là người CH Ireland, FA hiểu rằng yếu tố gia đình có thể tác động lớn đến quyết định lựa chọn ĐTQG của cặp đôi tài năng này. Tuy vậy, thay vì liên hệ với bố mẹ, FA lại chọn cách đàm phán với đại diện của Rice và Grealish để dụ dỗ cả 2 về với đội của mình.
Theo giới truyền thông Anh, các HLV Roy Hodgson và Gareth Southgate đã lần lượt theo sát Grealish và Rice trong vài năm. Tuy nhiên, không phải họ mà Dan Ashworth mới là người góp công lớn nhất trong việc ĐT Anh đánh bại CH Ireland trong cuộc chiến giành 2 tài năng trẻ.
Với tư cách là giám đốc bộ phận phát triển nguồn lực trẻ của FA, Ashworth đã giao nhiệm vụ cho John Peacock (HLV U17 Anh) và Gareth Southgate (HLV U21 Anh) phải mang Grealish về cho Tam sư. Khi ấy, Southgate đã thực hiện những cuộc gọi bí mật cho Grealish, còn Peacock chủ động liên hệ với gia đình cầu thủ này. Không chỉ riêng HLV Peacock, mà cả trợ lý của ông ở đội U17 Anh khi ấy là Kenny Swain cũng làm công việc tương tự.
Theo HLV Peacock thì vai trò của Swain trong những cuộc đàm phán còn nổi bật hơn cả ông. Lợi thế của Swain là ông từng thi đấu cho Aston Villa, nên cũng dễ tiếp cận với Grealish, vốn là người cũ của đội chủ sân Villa Park.
“Tôi đã trao cho Jack 3 cơ hội, không phải để đá ngay cho ĐT Anh mà chỉ là tham gia vào những giải đấu trẻ. Lúc ấy Jack mới 15 tuổi và có vài lần phải quay về nhà sớm vì những lý do khác nhau. Dù vậy, chúng tôi vẫn kiên nhẫn vì biết rằng gây áp lực cho những cầu thủ ở độ tuổi còn trẻ như cậu ấy là không nên. Bắt Jack phải ký ngay vào những bản cam kết không đơn giản chút nào, vì người CH Ireland khi đó cho cậu ấy nhiều đất diễn hơn”, ông Swain tiết lộ.
Cuối cùng, Peacock và Swain đã thu xếp được cho HLV Hodgson có buổi nói chuyện trực tiếp với Grealish. Khi HLV Hodgson không thể đảm bảo suất đá chính cho Grealish ở ĐT Anh, cầu thủ này có tham khảo lời tư vấn của Tim Sherwood là HLV của Aston Villa năm 2015. Nhờ có HLV Sherwood, Grealish đã vượt qua được sự căng thẳng để nhận lời làm học trò của HLV Hodgson.
Với trường hợp của Rice, FA phải cảm ơn BLĐ West Ham là những người thuyết phục cầu thủ này đầu quân cho ĐT Anh. Tuy HLV Mick McCarthy của CH Ireland đảm bảo Rice sẽ được mang băng đội trưởng, song tiền vệ sinh năm 1999 lại chọn ĐT Anh vì điều đó giúp giá trị của anh tăng lên. BLĐ The Hammers nói với Rice như vậy, và quả thật sau này họ đã bán anh cho Arsenal với mức giá lên tới 100 triệu bảng (chưa kể phát sinh).
Người CH Ireland chế giễu Rice
Trên trên mạng xã hội X, cựu danh thủ bóng đá người CH Ireland là Kevin Kilbane từng gửi tới Rice những lời mỉa mai. Bình luận về chuyện Rice thừa nhận việc chọn ĐT Anh thay vì CH Ireland là "quyết định vô cùng khó khăn", Kilbane cho biết: "Rice tự hào vì được chơi cho ĐT Anh ư? Thế thì tại sao trước đó cậu ta còn khoác áo ĐT CH Ireland nhỉ? Tôi thà là thành viên đội bóng xếp thứ 150 thế giới và không bao giờ vượt qua vòng loại World Cup còn hơn lựa chọn cách làm của Rice. Nói chung tôi chẳng ưa những gã “đứng núi này trông núi nọ””.