Rõ ràng, lộ trình đào tẩu của An Dương Vương kín như bưng, bởi ông quyết định đem theo con gái cưng Mỵ Châu chạy trốn mà không hề nói với bất cứ ai, cũng không hề tổ chức họp báo sau trận đánh, chỉ chạy theo đường nhỏ, bỏ đường lớn, đêm đi, ngày nghỉ để tránh cánh Streamer của YouTube hay Tiktok. Ấy thế mà lúc nào cũng nghe thấy tiếng truy binh đằng sau.
Sự phẫn nộ của An Dương Vương đã lên tới cực đỉnh, khi ra đến biển rồi mà vẫn bị bám đuổi theo kiểu pressing tầm cao vô cùng khó chịu. Chỉ đến khi thần Kim Quy hiện lên và nói: “Giặc chính là cái đứa đang ngồi sau ông đó” thì An Dương Vương mới phát hiện ra người con gái mê trai hơn cha đang mải miết vặt lông ngỗng để báo cáo tình hình di chuyển với tình lang.
Rõ ràng, chuyện để lộ thông tin là của muôn đời, và bao giờ chúng cũng bị coi là thứ gây hậu quả nghiêm trọng. Việc để lộ thông tin phải đến 98% là từ người nhà, từ nội bộ, từ những nguồn tin thân cận sát giường, sát gối hay từ đứa con hiếu với tình lang hơn hiếu với phụ thân.
Thật ra, nghệ thuật hay công nghệ tình báo đã cùng lịch sử chiến tranh của loài người. Mỹ nhân kế hay Nam nhân kế (với trường hợp Mỵ Châu - Trọng Thuỷ) cũng là mưu kế tình báo xuất hiện khá sớm nhằm mục đích moi tin mật. Tuy nhiên, với trường hợp của MU, nguồn tin phức tạp hơn nhiều.
Việc MU để lộ đội hình trước trận derby Manchester được đánh giá là rất nghiêm trọng, bởi nếu thế cũng chẳng khác gì bị lộ bài, lộ đấu pháp. Nhưng ai là người làm lộ: cầu thủ - thành viên ban huấn luyện - vợ con, bạn gái của 2 nhóm đối tượng này - hay người đại diện của cầu thủ?
Tất cả đều rất đáng ngờ và khó xác minh, trừ phi xuất hiện một video tóm sống cảnh nhóm đối tượng ba hoa bốc phét ở quán bia hơi trên vỉa hè Manchester rồi vô tình để lộ đội hình hoặc Streamer nào đó tung video bóc phốt màn trao đổi tin tức của nhóm đối tượng với truyền thông.
Ai là thủ phạm, đến giờ vẫn chưa công bố. Chỉ biết có 3 đối tượng chính là Marcus Rashford và Garnacho - đã bị loại khỏi đội hình đến Etihad - và Amad Diallo - người đã bị Amorim chất vấn nhưng vẫn thi đấu và lập công to. Nhưng cả Rashford và Garnacho đều được khẳng định: sở dĩ bị loại là do hiệu suất tập luyện kém hoặc không phù hợp sơ đồ tấn công không cần cầu thủ cánh.
Tuy nhiên, xét cho cùng, có lẽ màn “lộ đội hình” này của MU là một kiểu “tự tung, tự tag”, vừa tung tin, vừa tag đối tượng vào để tăng hiệu ứng lan truyền. Bỏi MU bây giờ có là cái gì đáng sợ nữa đâu để mà phải nhọc lòng moi tin “đội hình trước trận đấu”.
Rõ ràng là MU chỉ có chừng đó cầu thủ, và ai cũng thuộc hạng “đèn nhấp nháy” trận sáng, trận tịt. Nếu không thuộc dạng đèn nhấp nháy thì cũng là phường “giá áo túi cơm” vô hại nhưng vô địch về khoản hưởng lương cao. Ví dụ như Mason Mount, vừa nghỉ 22 ngày để trị chấn thương nay vào đá 13 phút đã chấn thương tiếp thì biết tin có thi đấu để làm gì.
Rõ ràng, trong đội hình 25 người của MU bây giờ, chẳng có cầu thủ nào xứng đáng để bỏ tiền ra điều tra có được đá hay không? Họ đều là những diễn viên hề chính thức hay dự khuyết. Khi được trao đám cầu thủ đấy vào tay, thử hỏi HLV Amorim có thể làm được gì cho dù đang là “anh trai cho Pep Guardiola gặp chông gai”.
Chiến thắng 2-1 ở trận derby Manchester vừa qua thực chất là đầy may măn, hay nói đúng hơn là do chuỗi ngày đen đủi của Man City chưa hết, vía ám còn nặng mà thôi. Nó chả có gì dấu ấn chiến thuật hay nhờ chuỗi phong độ cao của cầu thủ. Nhìn chung, vẫn cứ phải nhờ tổ tiên gách vác hay thần may mắn chống lưng.
Có thể nhận định, màn để lộ thông tin này là một màn kịch do MU dựng lên. Nếu Amorim có hỏi thần Kim Quy xem ai là giặc thì chắc chắn thần cũng lắc đầu ngao ngán: Trình độ như MU thì ai chả là giặc!