“Không phải là bật công tắc đèn. Nó không chỉ là về một HLV mới. Đây không phải là một sửa chữa đơn giản hay một sửa chữa ngắn hạn. Chúng ta phải đi đến giải pháp đúng đắn chứ không phải đi sai hướng”, đây là những lời nói khôn ngoan của Sir Jim Ratcliffe vào tháng 2/2024.
Đó không phải là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm rõ ràng mà Erik ten Hag có thể mong muốn, nhưng đó là sự thừa nhận về quy mô thách thức mà bất kỳ HLV nào sẽ phải đối mặt tại một CLB đã trôi dạt suốt 11 năm qua. Đã đến lúc phải thẩm định và đánh giá mọi thứ. Hãy đi đến giải pháp phù hợp, đừng đi đến giải pháp sai lầm.
Nhưng bóng đá không phải lúc nào cũng cho phép bạn dành thời gian. Đôi khi áp lực phải hành động trở nên áp đảo. Do đó mới nảy sinh câu hỏi: MU có nên sa thải Ten Hag trước trận chung kết cúp FA, hy vọng danh hiệu duy nhất trong một mùa giải kinh hoàng của họ?
Ten Hag giờ trở thành cơn đau đầu, thành miếng gân gà của MU, khiến họ lúng túng không biết nên "trảm" ngay hay giữ? Ban đầu, Ten Hag đem đến sự yên tâm giả tạo với vị trí thứ 3 trên BXH, vô địch Carabao Cup, lọt vào chung kết FA Cup và tứ kết Europa League. Nhưng sau đó là 8 tháng thảm hoạ ở mùa này.
Liệu Ten Hag có đủ nghị lực để tiếp thêm sinh lực cho một nhóm cầu thủ đã biến thành xác sống như đúng cách đây 2 năm không? Liệu Ratcliffe có đủ lạnh lùng “gạt lệ chém Ten Hag” để kích thích sĩ khí, đoạt lấy FA Cup bằng niềm tin mơ hồ “thay tướng đổi vận” không?
Song những lời của Ratcliffe về vấn đề này đã phản ánh sự thừa nhận rằng có nhiều sai lầm ở MU trong thập kỷ qua hơn là ở việc bỏ hay dùng HLV. Giống như David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer và thậm chí cả Ralf Rangnick, Ten Hag tin rằng mình đã bị cản trở bởi nền văn hóa tự mãn và tầm thường của cả CLB này.
Không ai có thể tưởng tượng rằng Ten Hag là nguồn gốc của các vấn đề của MU, nhưng ông ta sẽ rơi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm. Năm thứ hai của Ten Hag thật ảm đạm. Một chiến dịch Champions League đầy hỗn loạn và bị loại từ vòng bảng. MU hiện đứng thứ 8 Ngoại hạng Anh với 54 điểm sau 35 trận.
Họ cần thêm 5 điểm nữa để bằng số điểm thấp nhất của hai mùa giải trước. Thất bại sốc 0-4 trước Crystal Palace hôm thứ Hai đã đưa họ vào vùng có hiệu số bàn thắng bại âm. Kết quả này còn tệ hơn cả mùa giải thứ hai đầy thăng trầm của Van Gaal, việc lọt vào chung kết FA Cup.
Kết quả đáng lo ngại là thế nhưng màn trình diễn thường xuyên tệ hơn. Trước thất bại nhục nhã hồi đầu tuần, trong 5 tuần trước đó, MU đã hòa các trận đấu với Brentford, Liverpool và Bournemouth khi họ bị áp đảo toàn diện.
Họ đã phải đối mặt với 611 cú sút ở Premier League mùa này, trung bình 17,4 cú sút mỗi trận. (chỉ có Sheffield United vừa xuống hạng mới phải đối mặt nhiều hơn trong mỗi 90 phút.) Dữ liệu về số bàn thắng dự kiến (xG) của Opta cho thấy rằng, MU sẽ đứng thứ 15 với 42 điểm và hiệu số bàn thắng bại là -11. MU tự mãn là vô đối, nhưng chính sự vô đối đã giết chết họ. 7 đội đứng trên MU đều ghi ít nhất 69 bàn, còn MU chỉ có 52 bàn.
Cho dù thủ môn Andre Onana đã mắc một số lỗi rõ ràng, nhưng anh ta có thể tuyên bố một cách chính đáng rằng bản thân đã cứu đội của Ten Hag khỏi sự nhục nhã thậm chí còn lớn hơn trong mùa giải này. Thảm hoạ này còn có thể xứng đáng nhận giải “Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải” của MU.
Trong một thế giới lý tưởng, những thay đổi sâu rộng bắt đầu ở Old Trafford sẽ không bao gồm một HLV mới. Việc Ten Hag lọt vào tầm ngắm của Bayern đã phản ánh thực trạng ở MU: “Đúng, anh có thể đã thất bại ở đó, nhưng điều đó không khiến anh trở thành một HLV tồi”.
Nó cho thấy MU là một đống bầy hầy không thể quản lý được hoặc gần như vậy - và nó phản ánh chính xác những gì Ratcliffe, Brailsford, Berrada và Ashworth đều cảm thấy. Ratcliffe và Brailsford đã nói với Ten Hag điều đó khi họ gặp nhau hồi tháng 1 về một “môi trường thể thao ưu tú”.
Nhưng không có gì dễ dàng để thực hiện được điều đó vào cuối mùa giải thứ hai của Ten Hag. Ngay cả khi bằng cách nào đó họ đánh bại Man City trong trận chung kết FA Cup ngày 25/5 tới, thì đó có thể là một kết thúc có hậu hơn là một khởi đầu mới.