Bóng Đá Plus trên MXH

Mối quan hệ kỳ lạ giữa Arsenal vs Barca: Rốt cuộc, ai bóc lột ai?
Vịnh San • 10:14 ngày 23/02/2016
Hơn một thập kỷ qua, những dòng chảy tài năng từ Arsenal đổ về Barcelona là một hiện tượng phổ biến. Người ta nói rằng Bắc London đã trở thành “lò đào tạo” của đội bóng xứ Catalan. Tuy nhiên, đó là quan niệm rất sai lầm. Thực sự thì, đừng ngạc nhiên, ở đây Pháo thủ mới là những kẻ bóc lột.
    Bắt đầu từ những năm 2000, Arsenal được coi là nguồn cung cấp cầu thủ cho Barcelona. Có cảm giác rằng, cứ mỗi khi có nhu cầu tăng cường quân số, Blaugrana lập tức lục soát Bắc London và cướp đi một vài cầu thủ nào đó. Dĩ nhiên đó thường là những ngôi sao lớn nhất.

    Đầu tiên là năm 2000. Sau khi bán Luis Figo, Barcelona mang về bộ đôi Emmanuel Petit và Marc Overmars. 3 năm sau, họ trở lại London để tìm quân tiếp viện là Giovanni van Bronckhorst. Rồi năm 2007, những nỗ lực gạ gẫm Thierry Henry đã có kết quả. Rồi tiếp đến là Aleksandr Hleb, Cesc Fabregas, Alex Song và gần nhất là Thomas Vermaelen. 

    Gần như là một quy luật, Arsenal cứ việc phát hiện, đánh bóng các viên kim cương. Cho đến khi ánh sáng lấp lánh của chúng bắt đầu gây chú ý, Barcelona sẽ đến và mang về gắn lên vương miện của mình. Đội bóng của Wenger bị gọi là Arsenalona như một sự chế giễu, rằng họ là nguồn cung cấp tài năng cho CLB hùng mạnh ở Tây Ban Nha.

    CƯỚP, HAY BỊ LỪA?

    Nhìn vào vẻ bề ngoài, Arsenal trông giống như đang bị bóc lột. Tuy nhiên, nếu thực sự như thế, tại sao họ lại... thích bị bóc lột? Trong cuộc nói chuyện vào năm 2012, Wenger cho rằng “nếu Barcelona đến xem và mua những cầu thủ của tôi, đó giống như lời khen ngợi bởi nó chứng tỏ, các cầu thủ Arsenal được giáo dục tốt và phù hợp để chơi cho đội bóng tốt nhất thế giới”. Nghe như một lời mời chào vậy.

    Wenger rất tinh quái trong mua bán cầu thủ
    Wenger rất tinh quái trong mua bán cầu thủ

    Quả thực là vào thời điểm các thương vụ được xúc tiến, Giáo sư đã không gây khó dễ và vui lòng cho phép ngôi sao của mình rời đi. Ví dụ như Henry. Anh đến văn phòng của Wenger và nói rằng đã đến lúc đi tìm vinh quang mới, ông đã nói: “Đó là ý muốn của cậu ta và tôi dễ dàng đồng ý”.

    Không quá khó để nhận ra, hầu hết những người khởi hành từ Emirates (trước đó là Highbury) đến Nou Camp đều không thể chơi như khi còn là một Pháo thủ. Liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào khi rất nhiều người bị hành hạ bởi chấn thương và không thể hòa nhập trong môi trường mới? 

    Overmars ra sân 97 lần trong 4 mùa và không tìm thấy cơ hội đá chính trong khi Petit trụ lại 1 mùa trước khi gia nhập Chelsea. Hleb chỉ cần 8 tháng để nhận ra anh không bao giờ thuộc về Barcelona và trong 7 năm kể từ đó, anh lang thang ở 7 CLB khác nhau và đóng vai trò rất phụ.

    Chuyện tương tự cũng xảy ra với Song và thậm chí cả Fabregas cũng như Henry. Tiền vệ người Cameroon sau 2 mùa vật vờ tại Nou Camp đã được gửi đến West Ham theo dạng cho mượn. Fabregas bị điều chuyển ở vô số các vị trí khác nhau, lập kỷ lục bị thay ra tới 74 lần trong 3 mùa và được nhượng lại cho Chelsea.

    Fabregas chưa bao giờ ổn định kể từ khi rời Emirates
    Fabregas chưa bao giờ ổn định kể từ khi rời Emirates

    Henry mất một năm đầu vì các chấn thương liên tục, bất lực để tái hiện phong độ như ở Arsenal và trong cuộc phỏng vấn với BBC Football Focus năm 2008 đã manh nha về một cuộc trở lại. Trường hợp tồi tệ nhất thuộc về Vermaelen. Hậu vệ người Bỉ là nạn nhân của chấn thương gân kheo, ra sân vỏn vẹn 63 phút ở trận cuối cùng mùa giải 2014/15 và mới đá 6 trận ở La Liga mùa này.

    Dường như Wenger đã dự đoán trước về tình trạng của họ, về các chấn thương và sự sa sút phong độ. Ở những thương vụ này, ông không hề cảm thấy mất mát. Ngược lại, vui mừng khi nhận được số tiền lớn để tái đầu tư vào công việc ưa thích: phát hiện tài năng trẻ. 

    NHỮNG HÀNH VI “VÔ ĐẠO ĐỨC”

    Như đã biết, Wenger nổi tiếng với hệ thống trinh sát và sẽ không tha thứ cho mình nếu để sổng một cầu thủ tiềm năng nào đó. Theo thời gian, những mảnh đất màu mỡ như Pháp hay châu Phi không còn là độc quyền, ông chuyển hướng sang Tây Ban Nha. Cụ thể ở đây là Barcelona, nơi phát triển triết lý chơi bóng tương tự Arsenal và có những kẽ hở để dễ dàng cướp đi những sao mai mới nhú. Tại Tây Ban Nha, luật lao động không cho phép các cầu thủ ký hợp đồng chuyên nghiệp trước sinh nhật lần thứ 16. 

    Năm 2003, Arsenal lẻn vào La Masia và đoạt lấy Fabregas, khi ấy vẫn đang ở tuổi 15. Vào thời điểm 16 tuổi 177 ngày, tiền vệ người Tây Ban Nha chính thức được giới thiệu trong màu áo Pháo thủ, trở thành cầu thủ trẻ nhất của Arsenal. 

    Hè 2011, Wenger trở lại Catalan và lấy đi bộ đôi Jon Toral, Hector Bellerin chỉ với 750.000 bảng. Chủ tịch Sandro Rosell mô tả hành động này là vô đạo đức: “Chúng tôi đầu tư cho La Masia và Arsenal chỉ việc đến, lựa chọn, tán tỉnh và mang họ đi”. Còn HLV người Pháp thì nói: “Tôi yêu Barca. T​ôi yêu Catalonia. Tôi không chống lại họ. Nhưng tạo điều kiện cho những cầu thủ chơi bóng và giúp họ phát triển giấc mơ thì có gì sai?”. 

    Ở Barca, Bellerin không có cơ hội ra sân thi đấu
    Ở Barca, Bellerin không có cơ hội ra sân thi đấu

    Không chỉ vậy, Wenger còn thực hiện những phí vụ táo bạo hơn. Sắp tới đây, có thể cả đội trưởng Barcelona B, Alex Grimaldo và Sergi Samper - đối tác trong 8 năm của Toral - cũng sẽ bị cám dỗ bởi Arsenal. Cả hai đều đã ký hợp đồng chuyên nghiệp nhưng không thể lọt vào đội hình chính.

    Arsenal lại sẵn lòng trao đáp ứng mong muốn đó, như với Fabregas và Bellerin. Thành công của một cựu Barca khác - Alexis Sanchez - cũng khuyến khích họ di chuyển đến Emirates. Trái ngược với tình trạng của các Pháo thủ ở Nou Camp, những cựu Barca lại tỏa sáng rực rỡ ở đất lành Emirates. 

    Bóc lột được định nghĩa là chiếm đoạt thành quả lao động của người khác để làm lợi cho mình. Barcelona không nhận được lợi ích đầy đủ từ các món hàng (đều phải mua) từ London trong khi Arsenal lại cảm nhận đầy đủ điều đó, và phần lớn là nẫng tay trên. Vậy, ai mới là kẻ bóc lột ở đây?

    Cách thức cướp người của Arsenal
    Khi Fabregas còn chơi ở đội trẻ, các tuyển trạch viên của Arsenal đã xem anh chơi bóng ít nhất 48 lần. Trước khi bước vào tuổi 16, Wenger và Phó Chủ tịch David Dein gửi lời mời đến gia đình Cesc, muốn họ tới du lịch ở London. 


    Sau đó, họ hứa hẹn rằng cầu thủ này sẽ được đào tạo cùng đội ngũ cao cấp và sớm được đưa vào đội một. Cesc đã rất sửng sốt: “Tôi chẳng hiểu gì. Họ muốn gì với một đứa trẻ như tôi? Đang là mùa Hè, tại sao không phải là họ đang đi nghỉ? Tôi thực sự choáng váng khi nghĩ rằng họ dừng tất cả mọi thứ chỉ để gặp một cậu học sinh như tôi”. 

    Gia đình Fabregas lập tức đồng ý. Con trai họ đã sắp 16 tuổi và không biết có làm nên chuyện hay không, trong khi đường lên đội chính Barca mù mịt thì Arsenal lại mở ra hướng đi mới, kèm theo một khoản chi phí không nhỏ. Thỏa thuận nhanh chóng được ký kết và khi Barcelona phát hiện thì đã quá muộn. 8 năm sau, để mua lại cầu thủ do chính mình đào tạo nên, đội bóng xứ Catalan phải bỏ ra 35 triệu bảng - một thương vụ quá đắt đỏ.
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội