3 trận nắm quyền, 3 đội hình, 3 danh sách thi đấu khác nhau. Amorim đang vừa đá vừa sửa, vừa thi đấu vừa thử nghiệm, chắt lọc và rút kinh nghiệm liên tục.
Trước Everton, một Garnacho chơi cá nhân và không hiệu quả ở cúp châu Âu đã phải trả giá bằng suất đá chính cho Zirkzee. MU xuất phát với hệ thống 3-4-2-1. Nhưng khi có bóng, là 4-4-2 với Rashford và Zirkzee đá cao nhất hàng công, Bruno Fernandes được kéo sang cánh trái, còn Amad Diallo bên cánh phải.
Cần phải thừa nhận với nhau rằng những sắp xếp này Erik ten Hag cũng từng làm, nhưng nó chẳng đi đến đâu. Trong khi đó, với một chút tinh chỉnh của Amorim, MU đã pressing tốt hơn, khi khoảng cách giữa các tuyến không bị kéo quá xa.
Những cầu thủ bị chỉ trích vì lười di chuyển như Zirkzee và Rashford dường như trở thành con người khác. Cả hai, cùng với Diallo, di chuyển không biết mệt mỏi và lần hiếm hoi trong mùa này, cùng nhau hoàn thành trận đấu.
Mỗi tiền đạo lập một cú đúp, đúng như nguyện vọng của Amorim khi ông yêu cầu các chân sút phải tận dụng tối đa số cơ hội tạo ra. Combo pressing hiệu quả + dứt điểm chính xác đã mang về 2 bàn thắng của Zirkzee. Song song với đó, sự tự tin của Rashford đã trở lại qua từng bước chạy.
Vậy MU hiện tại khác biệt cơ bản so với thời Ten Hag là gì? Rõ ràng là sự linh hoạt trong đội hình, thể hiện qua vị trí cầu thủ. Không có bất cứ khu vực cố định nào cho những mũi chủ công như Rashford và Bruno Fernandes. Họ được chơi tự do hơn, qua đó khiến đối thủ khó lường hơn.
Tiếp theo, Amorim yêu cầu sự liền mạch trong kết nối. Ông thầy người Bồ Đào Nha không muốn những pha bóng kết thúc lãng nhách, chí ít phải tìm ra giải pháp chuyền bóng cho đồng đội khi vào thế khó. Từ đó, tỷ lệ mất bóng của MU giảm đi đáng kể so với đầu mùa.
Và cuối cùng, như đã nêu qua ở trên, MU bây giờ không có khái niệm suất thi đấu mặc định cho bất cứ ai. Amorim không biết quá nhiều về MU, đó vừa là bất lợi, vừa là ưu điểm khi ông sẵn sàng thử nghiệm, thay vì dùng cầu thủ theo đường ray có sẵn.
Tất cả đều có cơ hội thể hiện. Hồi giữa tuần là Hojlund, Garnacho, Antony thì tới cuối tuần là Zirkzee, Rashford, chưa kể Shaw, Maguire và Mount. Amorim rõ ràng đã tạo ra một động lực mới cho các cầu thủ, đẩy họ tiến về phía trước nhiệt huyết hơn.
Đây là hiệu ứng phổ biến khi thay HLV, thường được đúc kết qua câu nói "thay tướng đổi vận". Fan MU vui thì vui thật, nhưng họ đã trải qua điều này nhiều lần rồi. Cái quan trọng họ muốn kiểm chứng rằng liệu sự hưng phấn này có phải chỉ là hiệu ứng nhất thời, hay một chuỗi cộng hưởng đến từ sự quyết tâm hệ thống và có thể duy trì lâu dài?
Amorim vẫn giống như 2 trận trước, giữ vẻ mặt bình tĩnh, cố gắng để đôi chân ở sát mặt đất nhất có thể. Hơn ai hết, ông biết mình vẫn chưa tạo được một thành tựu đủ lớn để có thể cười hả hê ở Old Trafford. Như chính ông đã nói, mục tiêu là chiến thắng từng trận một, chỉ quan tâm tới trận đấu tiếp theo, đừng nghĩ xa quá!