Bóng Đá Plus trên MXH

MU vật vã trong vòng kim cô không hồi kết của nhà Glazer

    Quốc Thịnh CĐV Man United
    15:32 ngày 20/02/2025
    "Xem các trận đấu của Manchester United ở thời điểm hiện tại là một công việc nặng nhọc" là cảm giác chung của những người yêu mến Quỷ đỏ. Nhưng khi nó thốt ra từ miệng một người dành cả thanh xuân, sự nghiệp cầu thủ trong màu áo MU như Gary Neville, mọi thứ thậm chí còn tệ hơn. 

    Nhưng đó là sự thật, như anh chia sẻ trong bài phỏng vấn gần nhất với tờ Daily Mail: “Tôi chỉ ước người ta đừng giao việc bình luận các trận của United. Khi nhìn mọi thứ từ góc độ kinh doanh (bản thân Neville là một nhà đầu tư), những gì diễn ra sau thời của Sir Alex và Davil Gill thực sự là thảm họa. 10 năm qua đội bóng hoạt động mà chẳng có một bộ phận bóng đá là sự thật quái gở. Làm sao mà gia đình Glazer hay giám đốc điều hành lại không nhận ra điều điên rồ này cơ chứ? Khi tôi rời đi, nhân sự đội bóng có khoảng 500-600 người. Và con số này tăng vọt lên tận 1.200! Một trăm phần trăm trách nhiệm thuộc về gia đình Glazer”.

    Lại là nhà Glazer! Gần như mỗi khi MU rơi vào khủng hoảng hơn một thập niên qua, giới chủ người Mỹ của đội bóng lại trở thành tâm điểm chỉ trích về cách điều hành đội. Liệu có bất công không khi trước khi INEOS và Sir Jim Ratcliffe tới tháng 2/2024, MU nằm trong số những đội bạo chi nhất châu Âu?

    Theo thống kê của Transfermarkt, Quỷ đỏ là đội chi tiêu mua cầu thủ nhiều thứ ba trong giai đoạn từ 2014 tới 2024 với 1,73 tỷ euro, chỉ xếp sau Chelsea và Manchester City. Nhưng cùng thời gian đó, cả hai đội bóng vung tiền nhiều hơn MU đều đã vô địch Champions League và Premier League. Trái lại, các danh hiệu đáng kể nhất của Manchester United lại chỉ là Europa League và cúp FA.

    Nếu so với những đội bóng chi tiêu ít hơn trong cùng kỳ như Real Madrid, Bayern Munich hay Liverpool, mọi thứ càng trở nên khập khiễng. Nhưng đọc đến đây, chắc hẳn có người sẽ đặt câu hỏi: “Ít ra nhà Glazer còn chịu chi tiền, sao lại trách họ?”. Thực tế chua chát hơn nhiều, bởi gia đình Glazer vốn đã sử dụng chiêu “Tay không bắt giặc” từ khi mới sở hữu Manchester United.

    Từ năm 2003 đến 2005, nhà Glazer từng bước thâu tóm Manchester United thông qua việc gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần. Ban đầu, họ chỉ nắm giữ 3,17% cổ phần.

    Bước ngoặt lớn diễn ra vào tháng 5/2005, khi Glazer mua lại 28,7% cổ phần từ hai cổ đông lớn là John Magnier và J.P. McManus, đưa tổng tỷ lệ sở hữu lên 57% – vượt qua mức 30% buộc họ phải chào mua toàn bộ CLB. Chỉ trong vài ngày, Glazer tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%, đủ điều kiện để hủy niêm yết Manchester United khỏi Sàn chứng khoán London. 

    Một tháng sau, thông qua công ty mẹ Red Football, họ nắm giữ 98% cổ phần, ép những cổ đông còn lại phải bán nốt, chính thức kiểm soát hoàn toàn CLB. Điều đáng nói là phần lớn số tiền để mua lại Manchester United đến từ các khoản vay, chủ yếu được thế chấp bằng tài sản của chính CLB, khiến Manchester United phải gánh khoản lãi suất lên tới hơn 60 triệu bảng mỗi năm.

    Như vậy, từ một đội bóng thành công, nhiều năm không biết đến nợ nần, Manchester United bỗng phải gánh khoản nợ gốc hơn 500 triệu bảng của giới chủ Mỹ, đồng thời phải trả lãi suất cho chủ nợ và cả … tiền cổ tức cho nhà Glazer. Trong mắt giới chủ Mỹ, Manchester United chẳng khác gì con bò sữa để vắt kiệt, dẫu cho bề ngoài của nó đã tàn tạ bội phần sau hai thập niên bị khai thác không ngừng nghỉ.

    Khi Sir Jim Ratcliffe mua lại 25% cổ phần Manchester United tháng 2/2025 với giá 1,25 tỷ bảng Anh, nhiều người đã kỳ vọng về một làn gió mới. Nhưng thay đổi mạnh theo cách nào khi nhà Glazer vẫn kiên quyết bám trụ với vai trò cổ đông lớn? Một ví dụ về sự vắt sữa của họ là báo cáo tài chính năm 2024 của Manchester United, với khoản phí 34,6 triệu bảng cho "Quá trình đánh giá chiến lược và thỏa thuận bán cổ phần với Trawlers Limited" – công ty thông qua đó Ratcliffe mua cổ phiếu. Như vậy, nhà Glazer vừa thu tiền tấn vào túi riêng từ việc bán cổ phần cho Ratcliffe, vừa bắt Manchester United … chịu chi phí giao dịch.

    Nếu đến một khoản phí giao dịch tài chính nhà Glazer còn bắt Manchester United trả hộ, đừng hòng mơ tới việc họ móc hầu bao ra đầu tư cho đội bóng. Tiền chuyển nhượng của đội trong nhiều năm qua được cấu thành từ lợi nhuận, tiền tài trợ, tiền bán cầu thủ.Vài năm trở lại đây, Manchester Unitedcòn  mua cầu thủ theo hình thức trả góp, thanh toán theo từng đợt, và điều này khiến câu lạc bộ đang nợ 414 triệu bảng phí chuyển nhượng theo báo cáo tài chính gần nhất – chỉ xếp sau Chelsea. Điều này tạo ra sức ép tài chính lớn khi các khoản trả góp cho những thương vụ cũ luôn phải được ưu tiên trước khi có thể ký hợp đồng với cầu thủ mới.

    Cơ sở vật chất của Manchester United xuống cấp đến thế nào, tất cả đều đã thấy qua cảnh mái sân Old Trafford dột nước mưa trên sóng truyền hình hay nghe tin nhà bếp không đạt chuẩn an toàn thực phẩm. 

    Khu vực tập luyện cũng chẳng khá hơn, khi Cristiano Ronaldo rời đội từ năm 2009 và trở lại năm 2022 phải bàng hoàng thốt lên “mọi thứ chẳng khác gì năm xưa”. Trong thời điểm nhà nhà người người đều áp dụng công nghệ khoa học vào thể thao và tập luyện, các tổ hợp tập luyện trị giá hàng trăm triệu euro được khánh thành…, Manchester United vẫn mắc kẹt ở hai thập niên trước.

    May mắn cho họ là đội vẫn là một trong những thương hiệu thể thao lớn nhất hành tinh, dù thành tích thể thao không hề tương xứng. Nhưng dần dà, ngay cả doanh thu trung bình mỗi năm khoảng hơn 600 triệu bảng cũng không thể cân đối được bảng lương khổng lồ cùng những chi phí hoạt động, duy trì đội bóng khác. Nếu kết quả trên sân không được cải thiện và đội bóng tiếp tục vắng mặt ở Champions League, ai dám chắc các nhà tài trợ và người hâm mộ quốc tế sẽ đồng hành cùng Manchester United?

    Báo cáo tài chính được công bố ngày 19/2 cho biết doanh thu quý 4/2024 của đội đạt 198,7 triệu bảng – giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là hồi chuông báo động, và lý giải vì sao Sir Ratcliffe phải liên tục tìm cách tinh gọn bộ máy, cắt đi những khoản chi hay nhân sự mà ông cho rằng không cần thiết để cứu vãn tình hình tài chính ngày càng ảm đạm.

    Những giải pháp này – ngay cả trong trường hợp thành công – cũng không phải lối thoát lâu dài mà chỉ là biện pháp vá víu tạm thời. Manchester United cần sự khởi sắc cả trên sân cỏ lẫn hội đồng quản trị. Nhưng cả hai đều từ mức khó đến … cực kỳ khó. Manchester United có thể tìm lại phong độ, giành chiến thắng hay thậm chí vô địch Europa League để có suất dự Champions League.

    Song yêu cầu nhà Glazer buông tha con bò sữa họ đã và đang khai thác ngon lành trong hơn hai thập niên ư? Để giải thích việc này, xin mạn phép trích ý nhà kinh tế học Brett Christophers đăng trên The Guardian. Ông lập luận rằng nền kinh tế phương Tây hiện nay đang chuyển từ mô hình tạo ra giá trị sang mô hình "chủ sở hữu khai thác lợi nhuận" (rentier capitalism), nơi giá trị đến từ quyền kiểm soát tài sản thay vì từ sự sáng tạo hay phát triển.

    Bóng đá là một thị trường lý tưởng cho chủ nghĩa tư bản kiểu này, bởi không giống như các thị trường khác (như nhà ở hay tiện ích nơi khách hàng có thể thay đổi nhà cung cấp), người hâm mộ bóng đá bị ràng buộc với đội bóng của họ.Mỗi CLB bóng đá là một tài sản độc nhất, không thể sao chép. Nếu một CĐV Everton không hài lòng, họ không thể “đổi đội” dễ dàng như khi đổi nhà mạng hay ngân hàng. Điều này giúp chủ sở hữu tận dụng lòng trung thành của người hâm mộ mà không lo lắng về sự cạnh tranh.

    Dưới thời nhà Glazer, Manchester United đã trở thành một ví dụ điển hình cho mô hình này:Dù đội bóng sa sút thảm hại trên sân cỏ, doanh thu vẫn tăng trưởng nhờ lượng CĐV trung thành và các nguồn thu thương mại.Nhà Glazer từ chối bán CLB ngay cả khi có lời đề nghị mua lại toàn bộ bằng tiền mặt từ Sheikh Jassim, bởi vì Man Utd vẫn là một "cỗ máy in tiền" quá hoàn hảo để từ bỏ.

    Giống như nhiều nhà đầu tư Mỹ khác, mục tiêu tối thượng của họ không phải phát triển CLB, mà là tối đa hóa doanh thu với chi phí tối thiểu, cắt giảm đầu tư vào đội bóng trong khi vẫn tăng giá vé, mở rộng hoạt động thương mại và duy trì quyền kiểm soát lâu dài.

    Chừng nào nhà Glazer còn nắm quyền, Manchester United sẽ tiếp tục mắc kẹt trong vòng kim cô của lợi nhuận ngắn hạn, nợ nần và sự suy thoái trên sân cỏ – một câu chuyện bi kịch của bóng đá hiện đại, nơi tình yêu và niềm đam mê bị đánh đổi để phục vụ những kẻ chỉ coi CLB như một cỗ máy in tiền.

    Trong tựa game đình đám "Black Myth: Wukong", Tôn Ngộ Không phải đạt một thỏa thuận ngầm để “bị” đánh bại, từ đó phá vỡ vòng kim cô vốn vẫn luôn nằm trên người. Với Manchester United, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ là người đủ sức tháo bỏ vòng kim cô này? Và khi điều đó xảy ra, liệu mọi thứ đã quá muộn?

    Tags: MU Fan Writes

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    • ThanhLocSon_TungBi BT 15:55 ngày 20/02/2025

      "Xem các trận đấu của Manchester United ở thời điểm hiện tại là một công việc nặng nhọc" - Gary Neville cảm thấy vậy thôi, chớ CĐV đội khác vui lắm mà :)

    • Yêu Bóng Đá 16:57 ngày 20/02/2025

      ???? Có phải là Glazer nó không cho tiền đâu, từ sau Sir Alex tới giờ biết bao nhiêu là tiền của rót vào rồi, Nhưng toàn mua hàng hớ với không tin tưởng HLV được 2 mùa nữa, đòi ăn sổi có cúp liền thì giờ xác định rồi đó. Xưa hay khịa MU lắm mà riết chán không thèm khịa luôn. Bực giùm, mệt : ))

    • Lợi Trầm 15:45 ngày 20/02/2025

      Nhưng mà ông chủ MU chi tiền, thậm chí nhiều tiền, còn việc chi cho ai, chi như thế nào, kết quả trên sân ra sao thì phụ thuộc vào giám đốc thể thao, Ban huấn luyện rồi các tuyển trạch viên, bộ phận đàm phán hợp đồng và cả cầu thủ. Thà như Arsenal thời hậu Wenger còn đổ lỗi giới chủ keo kiệt nhưng còn đổ lỗi giới chủ thì quả thực chả biết nói sao. 20 năm qua giới chủ cầm quyền, chia làm 2 giai đoạn, GĐ1: thời FGS, GDD2: hậu FGS. 1. Giai đoạn 1: đổ ít tiền vẫn vô địch C1, ngoại hạng anh, FA thì

    • fan MU 123 15:42 ngày 20/02/2025

      MU còn lâu mới khá được, nhà Glazer còn bám dài

    • Minh 7x Minh 7x 15:44 ngày 20/02/2025

      Muốn thoát vòng kim cô, "quỷ sứ" này chắc còn mỗi cách... triệu hồi Sư phụ xuyên không

    • Công Tâm 16:39 ngày 20/02/2025

      MU xưa khét không chỉ nhờ Sir Alex, mà công của Peter Kenyon và David Gill cũng rất lớn. Sau đến nhà Glazer và Ed Gỗ thì chỉ kinh doanh thôi, đá bóng mấy đâu :))

    • Sơn Tùng Sơn Tùng 16:54 ngày 20/02/2025

      Cuối cùng chỉ là con bò cho nhà Glazer vắt sữa.

    • Văn Thúc 15:53 ngày 20/02/2025

      MU nên xuống hạng để làm lại từ đầu

    • NQ Huy NQ Huy 18:26 ngày 20/02/2025

      còn Glazer thì không còn MU, nói nhanh cho nó vuông, bọn Mỹ hút máu khốn kiếp

    • Sen Mùa Hạ 17:02 ngày 20/02/2025

      Bình mới thì rượu phải mới, chứ bình mới rượu cũ thì mãi vẫn thế thôi.

    • Mạnh Dũng Vũ 19:01 ngày 20/02/2025

      haizz cheated

    • Shark Huy 22:17 ngày 20/02/2025

      Xuống hạng thì bọn Glazer mới và chủ mới có hi vọng mua lại để MU làm lại từ đầu

    • Vương Kiệt Vương Kiệt 17:39 ngày 20/02/2025

      Phá sản trong tầm mắt

    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay