Bóng Đá Plus trên MXH

Ngoại hạng Anh nói không với TTCN mùa Đông là xu hướng mới hay sai lầm?
05:59 ngày 26/01/2016
Nếu có 1 đồng mỗi khi đọc một tin đồn về khả năng chuyển nhượng trên mặt báo trong những ngày này, bạn sẽ giàu to khi tháng 1 khép lại. Nhưng trên thực tế, sự xuất hiện của Mohamed Elneny ở Arsenal gần như là cú chuyển nhượng đáng chú ý duy nhất ở Premier League, khi “Cửa sổ mùa Đông” đã qua 2/3 chặng đường. Các giải lớn khác cũng không khác mấy.

    THỊ TRƯỜNG GẦN NHƯ ĐÓNG BĂNG

    Từ Harry Kane, Jamie Vardy, Karim Benzema, Andros Townsend, Antoine Griezmann cho đến những siêu sao cỡ Zlatan Ibrahimovic, Gonzalo Higuain, Neymar... Báo chí gần như chẳng chừa ra cái tên nào trong bóng đá đỉnh cao mỗi khi viết tin hoặc bài về khả năng chuyển nhượng

    Ai dám nói tờ báo Anh Telegraph là lá cải, không nghiêm túc hoặc có tính chuyên môn thấp? Nhưng, ai có thể hình dung (chứ khoan nói chuyện tin hay không tin) khả năng Neymar chuyển từ Barcelona sang M.U, như Telegraph từng đăng trong bài “50 cầu thủ đáng chú ý nhất trong cửa sổ chuyển nhượng tháng Giêng”?

    Đề nghị gia hạn hợp đồng của Barcelona chưa được Neymar chấp nhận. Thế là coi như xuất hiện khả năng Neymar “chuyển sang M.U với giá 150 triệu bảng”! Bóng đá hiện đại đầy sự dối trá. Thị trường chuyển nhượng lại là nơi người ta tha hồ nói dối mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Đã vậy, có ai nói dối đâu nào. “Có khả năng” thôi mà. Neymar quả chưa đồng ý gia hạn hợp đồng, còn đấy thật ra là chuyện của năm 2018, thì ai thèm lưu ý!

    Ngoài thương vụ Mohamed Elneny của Arsenal, các đại gia Premier League vẫn án binh bất động trong TTCN tháng 1

    Cứ thế, khó mà liệt kê cho xuể những “Top 20”, “Top 50”, thậm chí là “Top 100” những bản hợp đồng hấp dẫn có thể xuất hiện trong “Cửa sổ mùa Đông” năm nay. Thực tế khác hẳn? Đã đành là vậy, nhưng cần lưu ý: thị trường chuyển nhượng giữa mùa năm nay thầm lặng hơn hẳn so với những mùa bóng trước. 

    Đợt này năm ngoái, thiên hạ mặc sức bàn luận về sự chuyển đổi màu áo của Juan Cuadrado, Wilfried Bony, Lukas Podolski, Fernando Torres, Samuel Eto’o, Gabriel Paulista, Lee Chung-young, Andre Schuerrle, Mohamed Salah... Nhìn xa hơn: các ngôi sao lừng danh như Kevin De Bruyne, Luis Suarez, Edin Dzeko, Andrei Arshavin, Javier Mascherano, Nemanja Vidic... đều đã từng chuyển đổi màu áo trong “Cửa sổ mùa Đông”.

    VÌ SAO KHÔNG MUA?

    Người ta thường nói: nhìn cuộc chuyển nhượng, luận ra đẳng cấp. Cầu thủ lớn, hoặc ngôi sao đang có phong độ ổn định, dứt khoát không chuyển nhượng vào giữa mùa. Đội bóng lớn, hoặc đội đang thành công, dĩ nhiên không bán ngôi sao. Nhưng cái tạm gọi là quy luật vừa nêu không giải thích được vì sao thị trường chuyển nhượng mùa đông này quá thầm lặng. Tất nhiên, đội đang thất bại hoặc cầu thủ đang có “trục trặc” với CLB chủ quản thì đâu bao giờ thiếu!

    Về mặt nguyên tắc, chuyển nhượng mùa Hè là để nhắm đến các kế hoạch dài hơi và nó nói lên sức mạnh tài chính của các đội bóng. Trong khi đó, chuyển nhượng mùa Đông là để “chữa cháy” và nó nói lên phản ứng của các đội bóng đang gặp vấn đề.

    Rõ ràng, đây không phải là chuyện tiền bạc, cho dù nói đến chuyển nhượng - bất kể mùa Đông hay mùa Hè - là nói đến tiền. Khi “Cửa sổ mùa Đông” đã trải qua 2/3 chặng đường gần như “chẳng có gì để nói”, thì phải chăng các đội lớn, nhỏ trong làng bóng đỉnh cao đều đang hài lòng với hiện trạng của họ?

    Pato đang ở rất gần Chelsea

    Không có lý nào! Ngược lại là đằng khác. Chưa hết lượt đi, người ta đã có thể vẽ một vòng tròn khép kín để thể hiện câu chuyện kỳ lạ: toàn bộ 20 đội ở Premier League lần lượt thắng thua lẫn nhau, nói lên một mùa bóng “bất ngờ chưa từng thấy”. 

    Làm sao mà các “ông lớn” có thể gọi là hài lòng khi Chelsea đứng ở nửa dưới, Liverpool giữa bảng trong khi M.U nằm ngoài “Top 4”? Ngôi đầu Premier League đang được chia sẻ giữa “ứng viên rớt hạng” Leicester và Arsenal - đội chưa từng đăng quang trong hơn một thập kỷ qua. 

    Chắc chắn phải có vấn đề, nơi rất nhiều đội mạnh. Vậy nên, có thể suy luận: các đội mạnh ở Premier League hình như đang theo xu hướng chung là giải quyết vấn đề của họ bằng những cách khác, thay vì chỉ đơn giản chi tiền để tăng cường lực lượng.

    MUA NGƯỜI CHỈ ĐỂ... THÊM VIỆC

    Không nên bỏ qua thực tế: nhân vật đầu tiên quyết định việc tuyển mộ cầu thủ cho M.U dĩ nhiên là HLV Louis Van Gaal. Một mặt, bản thân Van Gaal đã “gây sóng gió” qua rất nhiều bản hợp đồng đình đám kể từ khi ông đến M.U trong mùa Hè 2014. 

    Nhưng biện pháp “rải tiền” vẫn chưa đem lại thành quả đáng kể nào. Mặt khác, không ai - kể cả Van Gaal - biết chắc trước khi “Cửa sổ mùa Đông” năm nay mở ra: ông có còn tiếp tục công việc tại Old Trafford hay không. Chẳng có gì lạ khi M.U im hơi lặng tiếng trong hoàn cảnh như vậy.

    Trong khi đó, dẫn dắt Liverpool và Chelsea hiện nay đều là HLV mới, bắt tay vào việc trong hoàn cảnh mùa bóng coi như đã thất bại rồi. Họ sốt sắng “chữa cháy” làm gì, khi đấy là lỗi của người tiền nhiệm!

    VIDEO: 10 vụ chuyển nhượng thành công nhất tháng 1 trong lịch sử

    NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY
    Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản

    Với các đội này, chấn chỉnh các vấn đề trong nội bộ và ổn định nội tình xem ra lại quan trọng hơn. Mua thêm người có khi còn “rách việc”. Chi tiết cụ thể có khác, nhưng điểm chung xuyên suốt giữa M.U, Chelsea, Liverpool là họ đều không nhất thiết phải lấy việc tăng cường cầu thủ làm ưu tiên 1.

    Arsenal, tuy “chỉ” có thêm Elmeny, hóa ra lại là đội đang dẫn đầu trên thị trường chuyển nhượng ở Premier League. Đằng nào, với Petr Cech, Arsene Wenger cũng đã tự hào về cú chuyển nhượng xuất sắc nhất mùa này rồi. Việc của ông là giữ vững thành công hiện nay, chứ đâu phải mua thêm người và thay đổi một công thức đang thành công. 

    Với Leicester City, vấn đề này càng rõ ràng. Alex Ferguson bình luận về HLV Claudio Ranieri: “Nếu mua thêm cầu thủ giỏi thì coi như chính Ranieri tự tăng việc cho mình. Ông ta sẽ phải đối diện với những lựa chọn khó khăn”.

    Không mua cầu thủ vì hoàn cảnh cụ thể không thích hợp là một chuyện. Không mua cầu thủ vì cho rằng đấy là xu hướng mới, đấy lại là câu chuyện khác, và rất có thể là một câu chuyện... sai lầm. Hãy chờ xem! Premier League mà giữ nguyên bảng xếp hạng hiện tại vào cuối mùa bóng, chắc chắn sẽ có phân tích từ giới quan sát, về việc các “đại gia” phản ứng quá chậm trong mùa Đông này, trên thị trường chuyển nhượng.

    Đừng bắt chước Barcelona
    Năm ngoái, đội Barcelona ở TBN bị cấm chuyển nhượng (nếu mua thêm cầu thủ, họ phải đợi đến năm 2016 mới được sử dụng). Rút cuộc, HLV Luis Enrique lại đem về “cú ăn ba” ngoạn mục, chưa kể còn bổ sung thêm Siêu Cúp châu Âu và FIFA Club World Cup sau đó. 

    Tất nhiên, đã có cơ man những phân tích hay về nguyên nhân thành công. Nào là cách chơi mới mẻ, nào là phòng ngự xuất sắc... Nhưng tóm lại, đấy chẳng bao giờ là thành công nhờ ngôi sao mới. Đến tận bây giờ, vẫn phải cho rằng Enrique đang tiếp tục thành công, ít nhất là so với kỳ phùng địch thủ Real Madrid.

    Barcelona vẫn thành công “dù” không mua thêm cầu thủ. Xin lưu ý: đấy chẳng bao giờ là câu chuyện Barcelona thành công “vì” không mua thêm cầu thủ. Nói cách khác, chẳng có cơ sở nào để xem thành công trong hoàn cảnh đặc biệt của Barcelona là kim chỉ nam, là con đường mới mẻ để các đội khác noi theo. 
    Kinh Kha • 05:59 ngày 26/01/2016

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay