Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Thảm hoạ bốc hơi 1,8 tỷ bảng của Premier League
Kỳ Lâm • 13:49 ngày 16/04/2020
Giá trị của giải đấu này vừa mất 1,8 tỷ bảng bởi các lệnh tịch thu tài sản, trát đòi nợ của các ngân hàng và sự mất giá của cầu thủ. Một cuộc khủng hoảng tài chính diện rộng kéo theo sự sụp đổ đầu tiên của thị trường chuyển nhượng khiến những mục tiêu như Jadon Sancho, Harry Kane và Kylian Mbappe thành lố bịch.

    Các CLB Premier League hiện đang nợ 1,6 tỷ bảng, tương đương với giá trị tài sản vừa bay hơi của họ. Thảm hoạ Covid-19 chưa biết đến bao giờ mới kết thúc nhưng đã có thể nhìn thấy sự sụp đổ của TTCN. Một kế hoạch bấp bênh mới chỉ bắt đầu rung chuyển.

    Trong khi bóng đá đã bị đình chỉ ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, các thỏa thuận nhằm duy trì sự tồn tại của các CLB và mang lại hy vọng cho những người khác cũng đã sụp đổ. Một thế giới hậu virus corona sẽ không bình thường như những gì chúng ta đã thấy.

    Ngay lúc này đây, các CLB phải đối mặt với những điều tồi tệ sau: Thứ nhất, các CLB Premier League đang nợ 1,6 tỷ bảng phí chuyển nhượng, với khoảng 900 triệu bảng nợ các CLB nước ngoài.

    Một số CLB - bao gồm các đại gia ở La Liga - đã chuyển những khoản tiền đặt cọc cho các thương vụ đàm phán trong tương lai. Nhưng ở thời điểm này, khi mọi thứ mất kiểm soát, đấy chính là những khoản nợ.

    Thứ hai, người đứng đầu các cơ quan quản lý và những giám đốc điều hành các CLB đã cảnh báo rằng TTCN sẽ sụp đổ vào mùa Hè này. Và thứ ba, các nhà phân tích cho rằng giá trị của các cầu thủ Premier League vừa mất khoảng 1,8 tỷ bảng trên thị trường trong bối cảnh khủng hoảng virus corona.

    Khi phí chuyển nhượng đã tăng lên trong vài năm qua, ngoại trừ trường hợp chơi trội của Aston Villa khi vung 25 triệu bảng cho một cầu thủ khi họ trở lại Premier League vào Hè 2019, các CLB đã phải áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” khi mua tân binh.

    Cho dù họ nhận được khoản tiền BQTH khổng lồ - tối thiểu 93 triệu bảng trong 3 năm qua - nhưng rất ít đội bóng ở Premier League vẫn có tiền mặt để giao dịch. Kết quả là, gần như mọi CLB trong giải đấu đều nợ tiền mua cầu thủ. Chỉ có một số trường hợp hãn hữu như Chelsea và Newcastle là không nợ, còn Burnley chỉ nợ khoảng 5,3 triệu bảng. Các CLB còn lại đều nợ ít nhất 15 triệu bảng.

    Man United, theo số liệu được biên soạn bởi Kieran Maguire, một giảng viên tài chính bóng đá tại Đại học Liverpool, đã nợ một khoản tiền đáng kinh ngạc 169,3 triệu bảng. Man City đứng sau với 83,7 triệu bảng, còn Spurs đứng thứ ba với khoảng 83,4 triệu bảng. Bộ ba West Ham, Watford và Bournemouth ngoài khả năng xuống hạng còn ôm khoản nợ 170 triệu bảng.

    Mặc dù có ý kiến cho rằng, ngay cả khi tiền BQTH không bị ảnh hưởng thì các kiểu thu nhập khác cũng đã biến mất. Không có doanh thu từ ngày thi đấu, trong khi các giao dịch thương mại cũng chỉ đem lại sự ngờ vực, dễ hiểu tại sao các CLB đang lao theo xu hướng cố gắng giảm quỹ lương.

    Maguire bày tỏ mối quan tâm của mình với báo chí: “Vấn đề sẽ là nếu một CLB mất thanh khoản, điều đó có thể gây ra hiệu ứng domino. Chúng ta không thể xem xét các giao dịch tách rời khỏi mọi yếu tố khác. Điều này có thể khiến một CLB hạng trung bị mất khả năng thanh toán những khoản nợ đáo hạn”.

    Một vấn đề khác là trong khi có thể đạt được thỏa thuận tạm hoãn truy thu nợ giữa các CLB Premier League thì vẫn còn 900 triệu bảng trong số 1,6 tỉ bảng là thuộc về các CLB nước ngoài. Những kẻ “khác máu tanh lòng” khó lòng ban ân sủng đợi thu hồi nợ chậm bởi họ cũng đang khó khăn vì Covid-19.

     John Purcell của hãng Vysyble cảnh báo: “Bạn nghĩ, chà, bạn có tài sản là cầu thủ ư,? OK hãy bán cầu thủ để trả nợ. Nhưng các CLB không nghĩ thế. Họ sẽ nghĩ rằng, OK, bán cầu thủ đi mà trả nợ thì chẳng khác gì uống nước biển cho đỡ khát. Không thể bán cầu thủ để giải quyết triệt để vấn đề và vào bờ an toàn”.

    Những ảnh hưởng bên ngoài khác cũng có thể có tác động. Khi Crystal Palace bán Aaron Wan-Bissaka cho Man United vào mùa Hè 2019, họ đã nhận được một khoản phí trả trước và khoảng 22,5 triệu bảng ở mùa Hè này. Thay vì chờ đợi, Palace đã bán khoản trả góp này cho ngân hàng Macquarie (Úc) và từ giờ, ngân hàng này sẽ nhận tiền của Man United trả.

    Họ không phải là CLB duy nhất thực hiện điều đó. Bournemouth đã nhận 16 triệu bảng cho 2 thương vụ trả góp với ngân hàng Macquarie, trong khi Watford cũng làm thế khi bán Richarlison với giá 50 triệu bảng cho Everton; còn Leicester cũng thực hiện đúng vậy khi bán Riyad Mahrez cho Man City.

    Không có dấu hiệu nào cho thấy Macquarie sẽ dễ dàng thu lại số tiền đó, nhưng chuyện mua lại một bản hợp đồng trả góp là điều bình thường của giới buôn tiền. Ngay cả những CLB lớn cũng đã thực hiện các giao dịch với các tổ chức tài chính. Barcelona và Atletico là khách ruột của tổ chức tín dụng XXIII Capital khi mua Antoine Griezmann và Joao Felix. Các ngân hàng sẽ lại nhìn vào TTCN để tìm cách thu hồi nợ và kiếm lời.

    Chính điều này khiến Christian Seifert, lãnh đạo của giải đấu Bundesliga nhận định: “Trong ngắn hạn, TTCN mùa Hè này sẽ không tồn tại, nó sẽ sụp đổ. Tôi không thể tưởng tượng được sẽ có các vụ chuyển nhượng trị giá 100 triệu euro trong tương lai gần. Phí chuyển nhượng sẽ giảm, số tiền sẽ không như trước đó trong 2 hoặc 3 năm tới. Rất có thể sẽ có một thế giới bóng đá mới”.

    Các khoản phí gồm 9 chữ số cho những mục tiêu như Jadon Sancho và Harry Kane chắc chắn sẽ biến mất. Ngay cả Real Madrid cũng sẽ chẳng mua một Kylian Mbappe vào mùa Hè này với giá đó. Giám đốc Richard Bevan của BTC các giải đấu chuyên nghiệp Anh nói thêm: “Giá trị của các cầu thủ vừa bay hơi 1 tỷ bảng. TTCN giờ là của người mua và nạn nhân xấu số nhất chính là các CLB nhỏ”.

    Trang Transfermarkt đã phân tích các giá trị trên toàn cầu và đưa ra tuyên bố về tác động của virus corona. “Giá trị đội hình của các CLB Premier League đang giảm hơn 1,8 tỷ bảng bởi Covid-19. Cầu thủ sinh năm 1998 trở lên mất 10% giá trị, tất cả cầu thủ khác mất giá tối thiểu 300.000 bảng, tương đương 20%.

    Trong 4 giải đấu cao nhất của Anh, tổng thiệt hại là 2,01 tỷ bảng. Riêng 20 CLB Premier League mất 1,84 tỷ bảng. Điều này tương đương với mức âm 18,94% so với sự mất giá trị kỷ lục trước đó là 9,71 tỷ bảng”.

    Theo Transfermarkt, 4 giải đấu hàng đầu nước Anh đã mất hơn 2 tỉ bảng giá trị cầu thủ

    Ngoài ra còn có câu hỏi thuộc phạm trù đạo đức. Vào thứ Hai vừa qua, cựu danh thủ Gary Neville nói: “Nếu CLB đang cố gắng giảm 30% mức lương của các cầu thủ và nhân viên thì làm sao họ vẫn có thể chi cả tỷ bảng cho chuyển nhượng. Cần phải cấm ngay.

    Rất khó chấp nhận một CLB vừa cắt giảm tiền lương của nhân viên lại sẵn sàng chi 200 triệu bảng cho một tân binh một vài tuần sau đó. Điều này là vô lương tâm. Không có lửa làm sao có khỏi.

    Tôi sẽ đề nghị áp dụng lệnh cấm vận chuyển nhượng đối với tất cả các CLB đang cố gắng giảm tiền lương của nhân viên. Họ sẽ biện minh thế nào cho các việc tung gần 80 triệu bảng cho những Virgil van Dijk, Kepa và Nicolas Pepe… trong một thế giới hậu coronavirus”.

    Mùa Hè tới sẽ là sân chơi của những CLB cá mập cho dù họ có thể không vung tay. Nếu bạn có một thương hiệu thương mại giỏi kiếm tiền hoặc chủ sở hữu giàu có, bạn sẽ ổn. Những đội dựa vào phí chuyển nhượng để chi tiêu sẽ phải vật lộn.

    Một tay cò nói: “Tới đây, Man United, Chelsea và Man City sẽ mua cầu thủ như mua đồ thanh lý vỡ nợ. Họ sẽ xem đây là cách duy trì vị trí của mình ở vị trí đầu bảng trong 5 năm tới mà không cần mất nhiều tiền”.

    Một luật sư thể thao đã khẳng định: “Chúng ta sẽ thấy việc mua được 2 cầu thủ có giá 60 triệu bảng với chỉ 30 triệu bảng ở mùa Hè này. Họ sẽ kênh kiệu nói với các CLB ở Ý, TBN, Anh, Pháp rằng một là lấy tiền, hai là giữ cầu thủ lại mà chết chùm. Lyon, Lille, Marseille, Ajax sẽ là nạn nhân”.

    HLV Ole Gunnar Solskjaer của Man United đã bóng gió về điều đó hồi tuần trước. “Ai biết thị trường sẽ phản ứng thế nào với điều này? Ai biết CLB nào cần bán cầu thủ? Có thể đây là tình huống tốt cho chúng tôi vì Man United là CLB lớn và làm ăn tốt. Khi có cơ hội thì chúng tôi sẽ tận dụng thôi”.

    XEM THÊM

    Ngoại hạng Anh ra hạn chót kết thúc mùa giải

    CLB Premier League lên ý tưởng không mua người của nhau

    Các CLB Ngoại hạng Anh lo nơm nớp về tương lai cúp châu Âu

    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội