Bóng Đá Plus trên MXH

TTCN ở Ngoại hạng Anh: Chữa sai bằng cho mượn
Đức Châu • 06:17 ngày 03/09/2016
Đẩy đi khỏi CLB một số lượng lớn cầu thủ theo dạng cho mượn đang trở thành xu hướng mới tại Premier League. Cách làm đó được mô tả bằng cụm từ mỹ miều “tăng cơ hội cọ xát” cho những gương mặt tiềm năng. Nhưng thực tế, đây lại là cách sửa chữa sai lầm từ quá trình mua sắm sai lầm trước đó.

    KHÔNG DÙNG ĐƯỢC THÌ CHO MƯỢN

    Patrick Bamford có thể xem là một trường hợp phổ biến cho số phận các cầu thủ trẻ của Chelsea. Năm 2012, Bamford được đội chủ sân Stamford Bridge mua về từ Nottingham Forest, khi anh còn là gương mặt tiềm năng hàng đầu của bóng đá xứ sương mù. Hiện nay, Bamford đã 22 tuổi và chưa có trận đấu nào cho đội 1 Chelsea. Trong 4 năm qua, tiền đạo này di chuyển qua 6 CLB theo hợp đồng cho mượn.

    Ở Chelsea hiện nay có rất nhiều cầu thủ có số phận như Bamford. Họ liên tục được ném từ CLB này sang CLB khác dưới dạng cho mượn. Giải thích về điều đó, những người nắm quyền điều hành sân Stamford Bridge cho biết việc cho mượn nhằm giúp các cầu thủ “tăng cơ hội cọ xát và hoàn thiện khả năng chơi bóng”, trước khi quay về phục vụ Chelsea. Thế nhưng, hiệu quả của chính sách này là rất thấp. Trong số hàng trăm cầu thủ được The Blues đẩy đi dưới dạng cho mượn vài năm qua, chỉ một trường hợp quay về và thành danh dưới màu áo xanh. Đó là Thibaut Courtois, thủ môn được Chelsea mua từ Genk với giá 5 triệu bảng năm 2011. Sau thời gian khoác áo Atletico Madrid dưới dạng cho mượn, anh đã trở lại và trở thành “người gác đền” số một của Chelsea. Song những trường hợp như Courtois là rất hiếm, không chỉ với riêng Chelsea mà chung cho cả Premier League.

    Christian Atsu
    Christian Atsu

    Christian Atsu dù đã 24 tuổi và có 42 lần khoác áo ĐT Ghana vẫn chưa thi đấu trận nào dưới màu áo đội 1 Chelsea. Kể từ khi được mua về với giá 3,5 triệu bảng vào năm 2013, anh liên tục bị cho mượn. Bao giờ Chelsea sẽ sử dụng Atsu? Năm anh 27 tuổi, hay đợi tới lúc 30 tuổi?

    CHE GIẤU SỰ LÃNG PHÍ

    Rõ ràng cách giải thích “tăng cơ hội cọ xát” chỉ là sự ngụy biện. Chelsea đã không dùng nổi những cầu thủ mà họ cho là tiềm năng và đành phải cho mượn hết năm này đến năm khác. Trên thực tế, đây là cách mà các đội bóng tại Premier League sửa chữa sai lầm cho quá trình mua sắm vô tội vạ. Họ không đánh giá đúng tiềm năng của từng cầu thủ mà mình mua về, để rồi sau đó phải cho mượn như một biện pháp khắc phục hậu quả.

    Thống kê từ tờ Guardian cho biết, có rất ít trường hợp đội bóng mượn cầu thủ trả đến 50% tiền lương. Phần lớn các CLB chủ quản vẫn phải trả lương cho cầu thủ này, dù họ phục vụ một đội bóng khác. Nói cách khác, một doanh nghiệp trả lương cho nhân viên để anh ta đi làm cho một doanh nghiệp khác. Điều tưởng như phi lý đó đang diễn ra phổ biến tại Premier League.

    Rõ ràng các cầu thủ được đẩy đi dưới dạng cho mượn tiêu tốn khoản tài chính không nhỏ của CLB chủ quản. Đó là chưa kể tới số tiền mà họ dùng để chiêu mộ những gương mặt tiềm năng này lúc ban đầu. Trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng Hè 2016, Man City đã cho mượn hàng loạt gương mặt tên tuổi như Samir Nasri, Wilfried Bony, Eliaquim Mangala. Tổng số tiền mà trước đó Man xanh dùng để chiêu mộ các cầu thủ này lên đến gần 100 triệu bảng. Qua đó có thể thấy Premier League đang lãng phí như thế nào.
    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội