Bóng Đá Plus trên MXH

Kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo 2020 của Nhật Bản: Chống dịch kiểu 4.0
06:19 ngày 16/05/2021
Bất chấp làn sóng phản đối của người dân và tình hình Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, chính phủ Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn quyết định bằng mọi giá phải tổ chức thành công Olympic Tokyo 2020. Đâu là cơ sở để Nhật Bản tin rằng, Tokyo 2020 vẫn “vượt khó” ngoạn mục giữa muôn vàn khó khăn?

    Tokyo vẫn chưa lên tới đỉnh dịch của làn sóng Covid-19 thứ ba. Tình trạng khẩn cấp tại thủ đô và các tỉnh lân cận được duy trì tới hết tháng 5 và thậm chí kéo dài sang tháng 6 nếu tình hình không được cải thiện. Tuần trước, Nhật Bản ghi nhận hơn 45.000 ca nhiễm mới. 

    Nhưng IOC và chính phủ Nhật Bản không muốn tiến trình tổ chức Thế vận hội mùa Hè 2020 bị ảnh hưởng hay chậm trễ thêm giây phút nào. Lễ rước đuốc dù bị trì hoãn vài lần nhưng đang trong quá trình tiếp diễn. 4 sự kiện thử nghiệm các công trình thi đấu mới ở những nội dung marathon, bóng chuyền, lặn và điền kinh vừa mới diễn ra hồi đầu tháng. Cho tới lúc này, hơn 7.800 VĐV đã giành vé tới Tokyo 2020 và chắc chắn, con số này sẽ không dừng lại. 

    Tất nhiên, một đại hội thể thao thành công là đại hội quy tụ được nhiều ngôi sao tầm cỡ. Đấy là câu hỏi lớn nhất mà những nhà chức trách cần giải đáp và có vẻ sau cuộc họp hội đồng ban tổ chức hôm 9/5, các bên đã tìm thấy phương án an toàn, đảm bảo các tiêu chí thể thao thuần túy và an toàn dịch tễ. 

    Mỗi VĐV có vé tới Tokyo sẽ nhận một cuốn sách trực tuyến dạng e-book qua hòm thư điện tử với tiêu đề “Giao thức phòng tránh Covid-19”, hướng dẫn từng bước và các quy trình bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Một số điểm đáng lưu ý có thể kể tới như quy định bắt buộc từng VĐV trước khi nhập cảnh Nhật Bản phải có hai lần xét nghiệm Covid-19. Sau khi tới làng Olympic, các VĐV và những chuyên gia đi theo họ đều sẽ được lấy mẫu thử Covid-19 hàng ngày. 

    Trong trường hợp một VĐV có kết quả dương tính lần 1 với  Covid-19, họ sẽ bị cách ly và không được phép tham dự nội dung thi đấu. Tuy nhiên nhằm tránh sai số và hiểu lầm không đáng có, kết quả xét nghiệm đó sẽ được kiểm tra độc lập một lần nữa. 

    Ở Tokyo 2020, công nghệ sẽ được đưa vào nhằm giúp BTC kiểm soát lịch trình di chuyển và khai báo y tế của các VĐV. Một chiếc điện thoại đặc biệt do Samsung tài trợ sẽ được phát cho mỗi người, đi kèm là hai ứng dụng truy vết và giám sát sức khỏe do BTC phát triển. 

    Thay vì sử dụng xe buýt hoặc phương tiện công cộng để vận chuyển VĐV tới địa điểm thi đấu, Nhật Bản - cường quốc trong ngành công nghiệp xe hơi - sẽ điều động các dòng xe du lịch cỡ nhỏ tài trợ bởi các hãng xe lớn như Toyota, Honda hay Nissan để phục vụ VĐV trong quá trình thi đấu. Trong suốt thời gian lưu trú tại Nhật, họ không được tới nhà hàng, điểm du lịch hay bất kỳ đâu ngoài khuôn viên “doanh trại Olympic”. 100% các bữa ăn của VĐV và chuyên gia được phục vụ trong các khu vực quy định. Với những VĐV kết thúc phần thi của mình, họ sẽ được yêu cầu lên máy bay rời Tokyo trong vòng 48 tiếng. Và tất nhiên, khẩu trang phải được sử dụng mọi lúc mọi nơi, trừ lúc ăn, ngủ và thi đấu. 

    Đây là những nỗ lực của BTC nhằm đảm bảo Tokyo 2020 được diễn ra theo đúng kế hoạch, từ ngày 23/7 tới 8/8 khi làn sóng biểu tình, yêu cầu hoãn Olympic bùng nổ khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, đã có tới 350.000 chữ ký thu thập từ 133 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi IOC đề nghị hoãn Olympic Tokyo. 

    Tuy nhiên, cái giá phải trả cho một năm trì hoãn là vô cùng khủng khiếp. Chưa nói tới thất thoát và thiệt hại kinh tế nước chủ nhà phải chịu, IOC cũng hứng chịu những hệ lụy khôn lường. Là một tổ chức phi lợi nhuận nhưng mỗi ngày, IOC đang hỗ trợ 3,4 triệu USD cho các VĐV thể thao đỉnh cao và các tổ chức, liên đoàn thành viên trên toàn thế giới. Và một điều quan trọng khác: Sự diễn ra của một kỳ Olympic có ý nghĩa quyết định tới nguồn thu của IOC. Tại Sochi 2014 và Rio 2016, IOC đã thu về tổng cộng 5,6 tỷ USD. Tokyo 2020, vì thế, không thể không diễn ra!

    IOC “học” FIFA

    Trước làn sóng tẩy chay Tokyo 2020 của một số VĐV và đoàn thể thao của các cường quốc thể thao, IOC đang cân nhắc áp dụng các quy định pháp lý và tư cách thi đấu mà FIFA áp dụng cho bóng đá. Theo đó, bất kỳ VĐV nào đã giành vé tới Tokyo nhưng từ chối tham dự Thế vận hội mùa Hè sẽ đứng trước nguy cơ bị cấm thi đấu tại kỳ Olympic tiếp theo. Nikkei đưa tin, quy định này sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp đại hội đồng Olympic vào đầu tháng 6 tới. 

    Truyền hình, cứu cánh của IOC 

    Olympic kỳ này sẽ không đón khán giả từ các quốc gia bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Nhiều khả năng, khán giả nội địa cũng không được tới nhà thi đấu/SVĐ để theo dõi các VĐV tranh tài. Tuy nhiên, IOC tiết lộ 75% doanh thu của họ tới từ tiền bản quyền truyền hình. Chỉ cần Olympic diễn ra là nguồn tài chính của IOC sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Trong 76 ngày đếm ngược còn lại, IOC kỳ vọng sẽ bán thêm bản quyền truyền hình cho 12 đài truyền hình cấp quốc gia khác.  

     

    Cẩm Chi • 06:19 ngày 16/05/2021

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay