Chắc chắn một điều: không có kỳ Olympic mùa hè nào trôi qua mà không đọng lại những tranh cãi lớn – đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt với Olympic mùa đông, hoặc bất kỳ sự kiện thể thao nào khác. Quá đơn giản: vì Olympic mùa hè là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, thu hút sự chú ý đặc biệt của cả thế giới. Một kỳ Olympic mùa hè mà trôi qua trong êm thấm, không có gì để tranh cãi, thì khả năng cao: đấy là một đại hội… thất bại, không có gì để nhớ!
Mặt khác, lễ khai mạc lại là sự kiện nổi bật, tiêu biểu nhất của một kỳ Olympic mùa hè, là tâm điểm để người ta nhớ đến kỳ đại hội thể thao ấy nhiều năm sau này. Nên càng không lạ, nếu như trung tâm của sự tranh cãi chính là lễ khai mạc. Và tất nhiên, người ta không chỉ tranh cãi về lễ khai mạc.
Đếm sơ, đã có đến… gần trăm (vâng, gần 100) “chuyện ồn ào” chỉ sau 3 ngày đầu tiên của Olympic Paris 2024. Từ quyết định của trọng tài trong các môn boxing, judo, đấu kiếm… đến cách xử lý VAR trong trận bóng đá nam Argentina – Morocco; từ cách xác định hạt giống và bốc thăm trong môn cầu lông đến chất lượng đường đua xe đạp đường trường và xe đạp địa hình; từ chuyện thực phẩm, máy lạnh trong làng VĐV cho đến sự tham gia của trí tuệ nhân tạo. Thổi thì đủ mọi chỉ trích.
Olympic bây giờ chẳng còn là thể thao thuần túy nữa. Nên những tranh cãi về chính trị, thương mại, bình đẳng, nhân quyền… là không thể tránh khỏi. Bởi thực chất, Olympic chỉ là dịp để những tranh cãi ấy bùng lên.
Mà đâu chỉ có nhân quyền! Đây là thời buổi mà một tượng đài thể thao như Charlotte Dujardin (môn cưỡi ngựa, BBC cho rằng chị đang trên đường trở thành nữ VĐV Anh xuất sắc nhất trong lịch sử Olympic) đành hy sinh sự nghiệp, tự rút tên ngay trước ngày khai mạc, vì bị tố cáo… ngược đãi ngựa, từ nhiều năm trước!
Bỏ qua vấn đề trọng tài (và cả VAR nữa), vì đấy là chuyện muôn thuở của thể thao đỉnh cao, vẫn còn rất nhiều tranh cãi mà người ta thật ra chỉ nhân dịp khai mạc Olympic để lên tiếng.
Ví dụ các VĐV quần vợt nổi tiếng tuyên bố tẩy chay đại hội vì giải quần vợt được tổ chức trên mặt sân đất nện trong khi đây là thời điểm mà giới quần vợt đã chuyển từ mặt sân đất nện sang mặt sân cỏ.
Hoặc trong môn bóng đá nữ, Vương quốc Anh dự Olympics như một đội thống nhất (thay vì là 4 đội tuyển riêng rẽ gồm Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland như trong bóng đá thông thường). Đội Anh đại diện Vương quốc Anh đá vòng loại và họ gặp… Scotland, với điều kiện phải thắng đậm thì mới có vé đi Paris. Vậy, Scotland phải “buông”? Rút cuộc, chẳng hề có vé.
Vấn đề là ở chỗ: sao lại chỉ trích cách tổ chức các giải quần vợt hoặc bóng đá nữ Olympic bằng những câu chuyện “đã biết từ lâu” trong những ngày này?
Hãy trở lại với lễ khai mạc, với những tranh cãi ầm ĩ. Đây là dịp đúng 100 năm Paris mới lại đăng cai Olympic mùa hè, nên dĩ nhiên các nhà tổ chức đã phải nghiền ngẫm nát nước, về mọi kịch bản độc đáo nhất mà họ có thể nghĩ ra. Paris tráng lệ, kinh đô thời trang, thành phố ánh sáng… đâu thể tổ chức một lễ khai mạc Olympic… bình thường được! Mà đã là chuyện khác thường, thì phản ứng đa chiều từ khắp thế giới lại là điều bình thường. Tùy theo văn hóa, trình độ, góc nhìn, quan điểm… thiên hạ mặc sức phán xét. Cả thế giới đâu thể có cái nhìn chung.
Đây không phải là chuyện “làm dâu trăm họ”. Đây là chuyện “có chơi có chịu”. Dù giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly khẳng định không hề lấy cảm hứng từ bức bích họa “Bữa ăn tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci, hoặc nữ phát ngôn viên Anne Descamps có nhân danh ban tổ chức Olympics “xin lỗi những ai cảm thấy bị xúc phạm”, thì đấy chẳng qua cũng là những câu mà bạn hoặc tôi đều có thể, và đương nhiên, sẽ nói – nếu chúng ta là người trong cuộc như họ. Còn sự thật là rất nhiều người đã nghĩ đấy là hình ảnh “Bữa ăn tối cuối cùng”.
Lễ khai mạc trên sông độc đáo, hoành tráng hay xa hoa, sáo rỗng? Câu trả lời nằm ở người xem, không phải ở ban tổ chức – dù ban tổ chức có quyền thuyết minh, hoặc tự bào chữa! Dù là lễ khai mạc nói riêng hay cả đại hội nói chung, đều là như vậy.
Olympic Paris không bao giờ tự mình hòa nhập với cả thế giới (muốn cũng chẳng được). Thế giới càng không bao giờ hòa nhập với Olympic Paris. Một trong những bình luận rất hay và quen thuộc, nói là “văn mẫu” cũng được: giá trị của lễ khai mạc Olympic này là nó sẽ trở thành kinh nghiệm tuyệt vời cho những kỳ Olympic tiếp theo.
Thật ra, Olympic tiếp theo sẽ khác, sẽ có những tranh cãi, bài học, kinh nghiệm khác!