Bóng Đá Plus trên MXH

Ca sĩ Phạm Anh Khoa: Tôi chờ đợi Công Phượng tỏa sáng
Đăng Văn • 08:00 ngày 18/08/2017
Chàng ca sĩ nhạc rock tin rằng U22 Việt Nam đang có một lứa cầu thủ đồng đều và những nhân tố sáng tạo như Xuân Trường, Công Phượng… sẽ có vai trò quan trọng để đội nhà thực hiện giấc mơ đoạt tấm HCV.
    Anh Khoa là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi biết chơi bóng đá và thường xuyên theo dõi các cầu thủ Việt Nam thi đấu. Với anh SEA Games luôn mang lại cảm xúc khó tả.

    Bóng đá cần sự Phá cách

    - PV: Xin chào Anh Khoa, môn bóng đá tại SEA Games lại sắp sửa khởi tranh. Ấn tượng đáng nhớ nhất của anh về giải đấu này là gì?
    - Tôi nhớ nhất một kỳ SEA Games cách đây hơn 10 năm. Khi đó, tôi đang là nhân viên phụ việc cho một quán café. Ấn tượng ban đầu của mình về giải đấu năm đó tương đối xấu (cười). Bởi ngay từ những trận đầu tiên, mọi người vào quán xem đông quá khiến tôi phục vụ bở hơi tai. Nhưng dần dần tôi mới biết được tại sao mọi người thích xem các trận đấu đến thế. Rồi tôi bắt đầu xem, dĩ nhiên không được liền lạc do vừa xem vừa phục vụ. Thỉnh thoảng có bàn thắng, tôi cũng la hét um trời để chia vui cùng những người xung quanh.

    Anh Khoa cũng là một cầu thủ có lối chơi rất phá cách trên sân

    - Để lại cảm xúc mạnh mẽ trong anh như thế nhất định phải là một giải đấu đáng nhớ. Liệu có phải anh muốn nói về kỳ SEA Games mà Phạm Văn Quyến đã tỏa sáng?
    - Chính xác, chính xác luôn rồi đấy. Anh ấy là một cầu thủ nằm giữa lằn ranh tranh cãi, giữa tốt và xấu, thiện và ác. Tôi thấy bóng đá dù là môn thể thao đầy tính khoa học nhưng những con người vận hành trong cỗ máy đó cũng cần có cá tính riêng. Văn Quyến là trường hợp như thế. Anh ấy là một trong những người có thể mang lại rất nhiều cảm xúc cho những người xem bóng đá Việt Nam, chỉ bằng một pha bóng. Tôi cũng không ngoại lệ.

    “Phạm Văn Quyến là cầu thủ đứng ở lằn ranh tranh cãi, giữa tốt và xấu, thiện và ác”

    - Còn bây giờ thì sao?
    - Rất khó để so sánh bóng đá ở hai thời điểm khác nhau, mọi thứ đều khập khiễng lắm. Nhưng bây giờ, nền tảng của tuyển Việt Nam đồng đều hơn. Các cầu thủ cũng được cập nhật về công nghệ, nên kiến thức về chiến thuật tốt hơn, họ đứng vị trí tốt hơn chứ không tự phát như thời xưa. 

    Nhưng cái gì quá cũng không tốt. Đội U22 Việt Nam mình đang đồng đều quá, thiếu những cá nhân có thể làm khác đi và nổi trội với những kỹ năng từ bóng đá phủi ra. Nhưng tôi thấy trong đội vẫn có một vài cá nhân rất đáng xem. Chẳng hạn như Công Phượng, cậu ấy là cầu thủ đáng để chờ đợi đấy chứ.

    À, mà tôi cũng không nắm được hết danh sách đội U22 Việt Nam mình dự SEA Games lần này, bạn có thể cho tôi biết một vài cái tên không.

    - Ngoài Công Phượng còn có Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Quang Hải, Đức Chinh… Đội sẽ do HLV Hữu Thắng dẫn dắt.
    - Ồ (thích thú), tôi nghĩ đây là một lứa cầu thủ rất đồng đều đấy! Công Phượng có phần nổi trội hơn cũng bởi anh ấy đang ở vị trí nhận rất nhiều sự ưu ái. Nhưng nếu nói về đóng góp thầm lặng, mình tin Xuân Trường có thể rất hữu ích cho thành tích của U22 Việt Nam tại SEA Games sắp tới. Với những cầu thủ như thế này, SEA Games này nhất định tôi phải thu xếp để xem trọn vẹn các trận đấu của đội nhà rồi.

    - Khi xem các trận đấu, thông thường anh thích xem các cầu thủ ở vị trí nào nhất?
    - Nó phát triển theo thời gian. Trước đây tôi thường xem các tiền đạo thi đấu, giống với phong cách của mình đồng thời cũng là để học hỏi thêm các kỹ năng xử lý bóng. Nhưng dần dần, tôi lại thích các tiền vệ trung tâm đặc biệt hay chơi lùi sâu, hay có những đường chuyền phát động tấn công bất ngờ, thường xuống hai nách.

    Theo tôi Xuân Trường là cầu thủ Việt Nam làm được điều này. Tài năng của cậu ấy đã được chứng minh và được biết đến không chỉ ở trong nước mà còn ở châu lục. Nói chung, tôi thích những cầu thủ đưa ra những quyết định bất ngờ trong trận đấu. Đó không hẳn là những cầu thủ cầm bóng đột phá theo kiểu siêu anh hùng cực cao mà là người biết cách vận hành lối chơi của toàn đội, có mục tiêu và chủ đích rõ ràng.

    - Tuyển Thái Lan luôn là trở ngại lớn với Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Năm nay, mục tiêu của họ cũng là bảo vệ thành công ngôi vô địch. Anh đánh giá thế nào về cơ hội lật đổ đội bóng này?
    - Bóng đá Thái Lan luôn là cái đích để người hâm mộ cũng như lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam mang ra để so sánh. Nhưng thực tế, chúng ta thua họ xa lắm, về trình độ cũng như tất cả mọi thứ từ nền tảng. Thậm chí bây giờ, họ còn đưa cầu thủ sang Anh đào tạo, có một CLB chẳng khác gì sân sau. Đó là những trải nghiệm rất quý trong bối cảnh không có nhiều cơ hội để cọ xát với những nền bóng đá mạnh hơn.

    Họ trội hơn thì rõ rồi đấy, nhưng bóng đá luôn chứa đựng những bất ngờ. Tôi chưa thể nói trước được điều gì bởi phải xem các đội chính thức thi đấu thế nào đã. SEA Games là cuộc đua dài ngày, thành tích còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm. Nhưng tôi luôn có niềm tin vào đội tuyển Việt Nam.

    “Tôi chờ đợi một điều gì đó bền vững và có tính kế thừa ở đội tuyển”

    - Là người thường xuyên đá bóng, chắc anh hiểu cảm giác tuyệt vời khi đứng trên bục vô địch. Là anh, anh thích U22 Việt Nam lên ngôi ở SEA Games một cách thuyết phục hay có sự trợ giúp của thần may mắn?
    - Ai cũng vậy thôi, đã chiến thắng thì ai cũng mong đó là kết quả thuyết phục. Với tuyển Việt Nam, chúng ta chưa biết đến cảm giác vô địch SEA Games. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều người hâm mộ chờ đợi một điều gì đó bền vững, có tính kế thừa, để bù đắp lại tình yêu đã dành cho cầu thủ, đội tuyển.

    Rất nhiều giải, chúng ta đặt ra những mục tiêu mọi thứ nghe rất hào nhoáng… nhưng cuối cùng kết thúc theo cách thất vọng nhất. Tôi cũng chơi bóng đá, thân với không ít cầu thủ, nhưng ngoài chức vô địch AFF Cup của HLV Calisto, bóng đá Việt Nam mấy khi đem đến niềm vui trọn vẹn cho mọi người. Tôi mong điều này sẽ có những thay đổi.

    Biết đâu đội bóng nghệ sĩ giúp ích cho u22 Việt Nam

    - U22 Việt Nam đang thiếu một trung phong thực thụ. Là người thường xuyên thi đấu tiền đạo cho đội bóng nghệ sĩ, hẳn anh biết đây là hạn chế lớn của bất cứ đội bóng nào?
    - Sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Bạn cứ tưởng tượng đi trong đội bóng vị trí nào cũng quan trọng nhưng nói gì thì nói muốn chiến thắng người ta, bạn phải ghi bàn. Thiếu một trung phong cắm có thể xoay chuyển cục diện trận đấu là hạn chế lớn. Chẳng HLV nào muốn đội bóng thiếu nhân tố đâu, khó trách HLV của U22 Việt Nam được. Phải thông cảm bởi bóng đá bây giờ Việt Nam không có được trung phong nào như chú Lê Huỳnh Đức trước kia.

    Cầu thủ bây giờ không thích cắm sâu vào trong vòng cấm, xuất hiện đúng lúc, ghi bàn đơn giản hay tì đè đánh đầu. Sau thời của chú Đức chỉ có thêm Việt Thắng. Đến lúc này chưa có tín hiệu vui hơn về điều này nhưng tôi tin tùy vào tình hình thực tế, HLV U22 Việt Nam sẽ có giải pháp.

    - Những năm gần đây, nhiều người hay có xu hướng cho rằng các đội bóng Việt Nam nên bắt chước theo cách chơi Tiqui-taca của Barcelona. Đó là lối đá mà đội hình không nhất thiết phải có một trung phong kiểu cổ điển?
    - So sánh như thế khập khiễng lớn bởi trình độ của các cầu thủ Barca so với Việt Nam đều trên mức trung bình ở cá nhân xử lý bóng. Họ ăn tập với nhau từ bé đến lớn, nhuần nhuyễn trong lối chơi là điều dễ hiểu. Còn Việt Nam thời gian tập cùng nhau ngắn, lối chơi không tương thích so với CLB.

    Ở V.League, phần lớn các đội đều xây dựng lối chơi xung quanh ngoại binh. Vì thế lên đội tuyển họ phải chơi theo cách khác và tạo được sự ăn ý với nhau là điều rất khó. Tôi nghĩ rằng, U22 Việt Nam không nhất thiết phải cần một tiền đạo cắm thực thụ. Đội vẫn có thể phát huy tối đa sức mạnh nếu có sơ đồ hợp lý, cũng như sử dụng hiệu quả tiền đạo ảo.

    - Ở đội nghệ sĩ, anh chơi bóng ăn ý với ai nhất?
    - Thông thường, tôi hay đá tiền đạo hoặc tiền vệ cánh để phát huy sở trường là những pha đi bóng tốc độ. Tôi rất ăn rơ với Hồ Đức Vĩnh, Lương Tùng Quang hay siêu mẫu Thanh Thức. À mà nói thêm nhé, những “cầu thủ” trên đều có thể hình rất tốt nhé. Biết đâu nếu được tập luyện ngon lành, chúng tôi lại giúp ích cho đội tuyển Việt Nam bài toán trung phong ấy chứ (cười).

    Tôi có thói quen xem bóng đá ở chỗ đông người, cùng bạn bè bàn tán, cá cược cho vui, chứ xem một mình chán chết. Tôi cũng hay ra sân vận động xem trực tiếp nhưng nhớ lại đó toàn là kỷ niệm buồn. Có lần tôi ra tận Hà Nội xem Việt Nam thi đấu với Olympic Brazil, và đội thất bại. Thế nên năm nay, chắc tôi xem qua… tivi cho lành.

    - Cảm ơn Anh Khoa về cuộc trao đổi này!
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội