Bóng Đá Plus trên MXH

Diễn viên Lan Phương: "Bóng đá phải có bất ngờ mới vui"
Hoàng Nguyên • 08:00 ngày 22/08/2017
Là người không ngần ngại bộc lộ cảm xúc của bản thân, diễn viên Lan Phương đang hòa mình vào bầu không khí bóng đá của SEA Games, nơi U22 Việt Nam được chờ đợi sẽ đoạt ngôi vô địch.
    Nữ chính của phim “Cô gái xấu xí”, “Cô dâu đại chiến 2” là típ người thẳng thắn. Bóng đá với cô là một hình thức giải trí rất tốt. Ở đó cô cởi bỏ tấm áo choàng của một diễn viên, bị ràng buộc câu chữ hay phân cảnh mà được hết mình với cảm xúc của mình. Nhân dịp SEA Games, cô đã có những chia sẻ với Bongdaplus.

    Chào chị Lan Phương, thời gian này chị xuất hiện khá thường xuyên ở các chương trình bình luận bóng đá. Lý do nào khiến chị chịu xem môn thể thao vua này?
    Khi không làm thì không biết mình có phù hợp với việc gì hay không. Thú thật, tôi không xem bóng đá thường xuyên, cũng không phải là chuyên gia, nên anh đừng hỏi tôi về cầu thủ này, người chơi kia hay số bàn thắng gì cả… Tôi không nhớ nổi đâu.

    Tôi là người có cảm xúc rất mạnh, mọi người cứ bảo tôi là có tình yêu bóng đá tiềm ẩn bên trong. Khi xem tôi như bị nhập tâm vào từng pha bóng, có gì thắc mắc là tôi chạy khắp phim trường hỏi người này, người kia cho câu trả lời thỏa đáng. Tiết lộ tí nhé, tôi cảm nhận về bóng đá khá tốt đấy. Trận nào xem, tôi cũng dự đoán cho vui và kết quả không khác lắm so với con số tôi đưa ra.


    Bạn xem bóng đá ăn ý nhất với chị là ai?
    Wow, ở nhà tôi hay xem bóng đá với mẹ. Bà là một fan hâm mộ lớn đấy. Tôi còn nhớ có lần xem SEA Games, hai mẹ con la hét ầm cả nhà, đến nỗi bố tôi đang bận việc cũng phải bỏ dở để ra chia vui cùng chúng tôi. Còn tôi xem Việt Nam thi đấu khi còn là thiếu nữ.

    Lúc đó ấn tượng ban đầu quan trọng lắm. Có SEA Games năm nào mà giải đấu có linh vật là con trâu ấy, tôi cũng cố mua lấy một con rồi cầm đi khắp nơi để cổ vũ cho đội nhà. Cũng như nhiều người hâm mộ khác, khi đội nhà chiến thắng mọi thứ điều vỡ òa. Tôi cũng có vài lần kéo nhau ra đường, ăn mừng như điên cuồng vì bóng đá đấy.

    Với chị, điều gì để lại ấn tượng nhất mỗi khi xem bóng đá tại SEA Games?
    Nói cụ thể thì khó lắm nhưng tôi thích những mẫu cầu thủ chơi bóng nhẹ nhàng, lịch lãm và toát lên vẻ quý ông. Tôi mê nước Anh nên hay nghe những câu chuyện về những mẫu người như thế. Mọi người có thể ngạc nhiên chứ đội bóng tôi thích nhất là Man City, đặc biệt là tiền vệ Kevin de Bruyne, vì anh ấy đẹp trai (cười).

    Ở Việt Nam trước đây tôi rất thích xem anh Hồng Sơn thi đấu. Tôi và anh ấy hay gặp nhau ở một số sự kiện. Cá nhân tôi thấy bây giờ anh ấy vẫn giữ được vẻ lịch lãm, hiền từ, dễ thương. Còn một người nữa, tôi cũng thích xem là Công Phượng. Nhưng chỉ là thích tôi chứ tôi không biết về bạn ấy nhiều đâu.


    Chị vừa nhắc đến Công Phượng, đó là ngôi sao sáng nhất của đội U22 Việt Nam hiện nay. Anh ấy là cầu thủ trẻ và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ, truyền thông. Mội người nổi tiếng như chị làm thế nào để giải tỏa điều đó?
    Cầu thủ cũng như diễn viên luôn luôn được mọi  người nhìn vào. Khi thi đấu, hàng trăm nghìn người theo dõi, áp lực kinh khủng lắm. Với tôi, cách duy nhất để giải quyết là tập trung tối vào công việc mà mình đang làm thôi, bởi mình mới là người hiểu rõ nhất mình cần phải làm gì, như thế nào. Tôi tâm niệm không có thời gian để nghe người khác đàm tiếu về mình. Ý kiến thì muôn vàn, nhưng mình cứ mình cứ những gì mình cho là tốt nhất, để có thể tự hào về bản thân mình. Tôi chắc rằng khi làm được như thế mọi người sẽ ủng hộ mình…

    Áp lực có nhiều loại. Cầu thủ U22 Việt Nam hiện tại đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn người hâm mộ, bởi đội chưa khi khi nào vô địch SEA Games. Chị có dành lời khuyên gì dành cho họ?
    Phương nghĩ họ phải có bản lĩnh, biết cách bỏ qua những đánh giá của mọi người mà tập trung  vào tập luyện, nâng cao thể lực, tìm cách phối hợp ăn ý với các đồng đội trên sân. Chứ ra sân mà đầu lúc nào cũng nghĩ ôi mình phải làm gì đây, mình có thể ghi bàn được không… chẳng có tác dụng gì hết. Hãy ra sân và cảm nhận tình cảm của khán giả, biến nó thành nguồn năng lượng tích cực cho mình, tạo nên những màn trình diễn hay, hào hứng đó mới là việc cầu thủ nên làm.

    Chị từng nói mình có khiếu “dự đoán” bóng đá. Chị nghĩ thế nào nếu Việt Nam gặp Thái Lan ở SEA Games sắp tới. Họ chính là đối thủ lớn nhất của Việt Nam để chinh phục tấm HCV ở bóng đá nam, nữ cũng như futsal?
    Tôi thích yếu tố bất ngờ trong bóng đá, nên rất trông chờ Việt Nam sẽ làm nên kỳ tích. Nhưng cứ chờ đến khi các trận đấu diễn ra, chứ hỏi đội nào thắng- thua bây giờ nghe xa xôi quá. Tôi chỉ mong các cầu thủ có gặp Thái Lan sẽ vào trận với tâm thế tốt, thi đấu thoải mái nhất chứ không điều gì để phải ân hận về sau.

    Sẵn sàng đóng vai… cầu thủ nữ 
    SEA Games này, chị có kế hoạch gì đặc biệt để xem đội nữ nói riêng cũng như bóng đá nói chung?
    Tôi sẽ cố gắng sắp xếp mọi thứ để cổ vũ cho đội nhà. Thông thường tôi hay xem bóng đá ở nhà, với mẹ và người thân trong gia đình. Thú thật từ khi tham dự các chương trình về bóng đá, tôi chú ý hơn đến các giải đấu. Khi không xem được, tôi cũng cố để đọc tin tức để biết về kết quả hay xem highlight các trận đấu…

    Là diễn viên, có khi nào chị ấp ủ dự định làm một bộ phim về thể thao, đặc biệt là bóng đá nữ không?


    Phương rất muốn là đằng khác.  Là nghệ sĩ, tôi sẵn sàng vào bất cứ vai nào kể cả sát thủ nếu có kịch bản hay. Tôi có quan điểm chỉ khi đóng vai cầu thủ nữ thì mới thấu hiểu rõ nhất về môn thể thao đó. Từ đó mới có những trải nghiệm thực tế, trân trọng công sức mà họ đã bỏ ra. Nghề nào cũng vậy, luôn có những câu chuyện hay, góc khuất để truyền tải đến mọi người. Nếu có cơ hội làm một bộ phim như thế, tôi sẽ làm hết sức để mọi người biết hơn đến họ.


    Chị nghĩ thế nào về những cô gái đá bóng?
    Thật sự tôi thấy các cầu thủ nữ Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi. Phụ nữ vốn đã mỏng manh, yếu đuối trong khi thu nhập, chế độ, mọi thứ lại không bằng các đồng nghiệp nam. Anh nghĩ coi, phụ nữ thi đấu dưới trời nắng nóng, mưa dầm thì sẽ như thế nào. Càng nghĩ tôi càng thấy thương họ hơn.

    Bóng đá nữ thành tích còn tốt hơn cả đội nam nhưng sự quan tâm của xã hội đối với họ còn hạn chế. Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới. Tôi chỉ hy vọng mọi thứ sẽ được cải thiện, lương dành cho họ cao hơn, chế độ tốt hơn để các cầu thủ nữ có thể an tâm cống hiến cho nghề nghiệp.

    Lan Phương tên thật là Nguyễn Lan Phương. Cô sinh tại Hà Nội, là nghệ sĩ đa tài khi làm diễn viên điện ảnh, diễn viên hài kịch, diễn viên truyền hình, nghệ sĩ múa, người dẫn chương trình… Ở lĩnh vực phim ảnh, Lan Phương tham gia vào nhiều tác phâm ăn khách như “Cô dâu đại chiến”, “Những thiên thần áo trắng”, “Cô dâu đại chiến 2”, “Cô gái đến từ hôm qua”…

    Ở lĩnh vực thể thao, Lan Phương là cái tên thường xuyên góp mặt trong các chương trình bình luận bóng đá định kỳ của K+. Cô tâm sự từ những lần tham dự như thế này, kiến thức về bóng đá của mình được nâng lên rõ rệt. Lan Phương thích xem Man City cũng như Atletico Madrid. Bên cạnh đó, cô cũng là một trong những khách mời lên trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2016.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội