Bóng Đá Plus trên MXH

HLV Trần Bình Sự và ký ức SEA Games 17: Bóng đá & cuộc tranh đấu giữa đôi chân với cơm áo
Đức Nguyễn (ghi) • 13:35 ngày 28/11/2013
“Bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực trong bối cảnh kinh tế nước nhà vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Không quá khi nói rằng, rất nhiều cầu thủ ra sân mà đôi chân và cái đầu vẫn còn đấu tranh vì chuyện cơm áo...”, thuyền trưởng của ĐT Việt Nam tại SEA Games 17 - ông Trần Bình Sự bắt đầu mạch hồi tưởng của mình.

    NỖI BUỒN… CƠM ÁO
    Sau một thời gian gián đoạn, bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập trở lại với khu vực vào cuối thập kỷ 1980. Nhưng bấy giờ, kinh tế rất khó khăn, nguồn lực gần như phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ của nhà nước. Thế nên, rất nhiều tuyển thủ bị phân tán tư tưởng vì chuyện cơm áo gạo tiền. 

    Trước SEA Games 17 (năm 1993) diễn ra tại Singapore, ĐT Việt Nam đã được tập trung để thi đấu tại vòng loại World Cup  1994. Tuy nhiên, chúng ta đã thi đấu không thành công. Ngay sau đó, toàn đội tiếp tục tập luyện nhằm chuẩn bị cho SEA Games. Tiếc rằng, câu chuyện cơm áo vẫn khiến nhiều người lo lắng dù thời điểm đó, đời sống của anh em cầu thủ có đỡ hơn so với lần đầu bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường khu vực. Bởi nếu so với các nước bạn thì chúng ta còn thua rất xa. 

    Danh thủ Nguyễn Hồng Sơn đã có giải đấu thành công tại SEA Games 17

    Tôi còn nhớ như in cái cảnh cầu thủ ta đi thi đấu, nhưng khi được xả hơi, anh nào anh nấy đều rất “chịu khó” đi vòng vòng, với hy vọng sẽ mua được những món hàng rẻ. Họ mua đài cassette, mấy cục xà bông về tặng cho người thân và nhiều người cũng coi đây là dịp để mua hàng về kiếm lời… Thời ấy, bóng đá cũng không có thưởng hoành tráng như bây giờ; hoặc nếu có thì các Mạnh Thường Quân chỉ thưởng ít đồng cho cầu thủ A, B, hay tặng món quà gì đó, mà khi nhận rồi anh ta cũng phải chia đều cho đồng đội, gọi là lấy… lộc. 

    NHIỀU “HẢO THỦ” NHƯNG… THÚC THỦ
    Tại SEA Games 17, có thể nói ĐT Việt Nam có khá nhiều cầu thủ giỏi. Tôi còn nhớ, trấn giữ khung thành là Phạm Văn Hùng; hàng phòng ngự có hậu vệ trái Nguyễn Minh Trung, cặp trung vệ Nguyễn Mạnh Cường và Chu Văn Mùi, sau đó là Nguyễn Văn Long; còn bên cánh phải là Bùi Thông Tân. Hàng tiền vệ có thể nói là rất hay với Lư Đình Tuấn, người được gọi là “Maradona của Việt Nam” đá biên trái, ở giữa có Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Xuân Thanh, bên phải có Đinh Thế Nam, rồi Nguyễn Hồng Sơn; cặp tiền đạo chơi phía trên là Hà Vương Ngầu Nại và Phan Thanh Hùng, cầu thủ trẻ Lê Huỳnh Đức đá dự bị cho họ.

    Ở trận ra quân, chúng ta đụng Indonesia, trong đội hình của họ có những “ngôi sao” được gửi sang đào tạo bài bản tại CLB Sampdoria (Italia) như Kurniawan Yulianto,  Bima Sakti… Dù vậy, ĐT Việt Nam rất tự tin, bởi ở vòng loại World Cup 1994, chúng ta từng đánh bại họ với bàn thắng duy nhất của tiền đạo Hà Vương Ngầu Nại. Thêm nữa, ĐT Việt Nam có những người xuất sắc như Tuấn “nhím”, trạm trung chuyển bóng trên không – Phan Thanh Hùng… Tiếc thay, trận đó trung vệ Chu Văn Mùi đã phải lĩnh thẻ đỏ quá sớm, dẫn đến chiến thuật của Việt Nam bị phá sản. Và kết quả là chúng ta đã bị thua với tỷ số 0-1 sau một quả sút xa của đội bạn.

    Ở trận thứ hai, ĐT Việt Nam đã thắng Philippines với bàn thắng duy nhất của hậu vệ Nguyễn Văn Long (đá thay Chu Văn Mùi). Đây là một bàn thắng khiến tôi và cả đội rất bất ngờ. Và ở trận cuối cùng, dù đã chơi rất cố gắng, song ĐT Việt Nam đã phải thúc thủ 0-2 trước đội chủ nhà Singapore. Có thể nói, dù không hay về tập thể, nhưng ở thời điểm đó đội bóng Đảo quốc Sư tử lại có ngôi sao từng chơi bóng đỉnh cao ở châu Âu là Fandi Ahmad quá xuất sắc.

    Tôi nghĩ, tại SEA Games 17 chẳng phải ĐT Việt Nam thua kém các đội bạn về chuyên môn, mà chúng ta bị tác động bởi quá nhiều yếu tố, trong đó vấn đề cơm áo khiến các cầu thủ bị phân tán tư tưởng, không thể phát huy được sức mạnh. Nhưng theo tôi, đấy lại là bước đệm gián tiếp dẫn đến sự thành công của ĐT Việt Nam  tại SEA Games 18 ở Chiang Mai (Thái Lan) năm 1995.

    +HÀNH TRÌNH
    Mộn bóng đá nam SEA Games 17 tại Singapore diễn ra từ ngày 5 đến 19/6/1993 có 9 đội tham dự, được chia làm 2 bảng, thi đấu chọn 2 đội nhất nhì mỗi bảng vào bán kết. ĐT Việt Nam nằm tại bảng B cùng các đội Singapore, Philippines, Indonesia. Tuy nhiên, thầy trò HLV Trần Bình Sự đã không thể vượt qua được vòng bảng.

    KẾT QUẢ CỤ THỂ
    Vòng bảng
    Việt Nam - Indonesia: 0-1
    Philippines - Việt Nam: 0-1
    Việt Nam - Singapore: 0-2


    ĐỘI HÌNH ĐT Việt Nam
    Phạm Văn Hùng; Nguyễn Minh Trung, Nguyễn Mạnh Cường, Chu Văn Mùi, Nguyễn Văn Long, Bùi Thông Tân; Lư Đình Tuấn, Nguyễn Xuân Thanh, Đinh Thế Nam; Phan Thanh Hùng, Hà Vương Ngầu Nại.

    + DẤU ẤN
    Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hoàng Bửu… “chào hàng”


    SEA Games 17, HLV Trần Bình Sự đã có quyết định đúng đắn khi gọi những cầu thủ trẻ như Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Hải, Võ Hoàng Bửu… lên thi đấu cùng các đàn anh. Dù không có nhiều cơ hội vào sân, nhưng nhóm cầu thủ trẻ này đã học hỏi được rất nhiều và trở thành những trụ cột của Việt Nam trong chiến tích giành chiếc HCB môn bóng đá nam ở SEA Games 18 tổ chức 2 năm sau đó tại Chiang Mai (Thái Lan).

    NHÂN VẬT
    “Kép phụ” Văn Long & bàn thắng duy nhất


    Tại SEA Games 17, ĐT Việt Nam chỉ giành được trận thắng duy nhất (1-0) trước Philippines. Đặc biệt, người lập công lại là một chuyên gia dự bị, đó là hậu vệ Nguyễn Văn Long (CLB Quân đội). HLV Trần Bình Sự chia sẻ: “Do Võ Hoàng Bửu chấn thương, tôi buộc phải đẩy trung vệ Nguyễn Mạnh Cường lên đá tiền vệ trụ, lấp vào vị trí của Cường là Nguyễn Văn Long. Ai ngờ, Long “đen” là người ghi bàn thắng duy nhất cho chúng ta”. 

    Thế hệ 1993 sản sinh một lứa HLV tài năng

    Hiện tại, Huỳnh Đức và Thanh Hùng đều trở thành những HLV tài năng

    SEA Games 17 đã xuất hiện nhiều cầu thủ thành danh trong màu áo ĐTQG sau này. Chính lứa cầu thủ đó khi giải nghệ, chuyển sang công tác huấn luyện đã trở thành những HLV tài năng của BĐVN, điển hình là Lê Huỳnh Đức (SHB.ĐN), Phan Thanh Hùng (HN T&T). Các HLV Hà Vương Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn, Lai Hồng Vân… cũng đều từng dẫn dắt các CLB chơi tại V-League. 

    “Người đặc biệt” Trần Bình Sự
    SEA Games 17, ĐT Việt Nam trình làng rất nhiều ngôi sao đương thời như Phan Thanh Hùng, Hà Vương Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn… hay những ngôi sao của tương lai như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hoàng Bửu… Nhưng HLV Trần Bình Sự mới là “người đặc biệt”. Đặc biệt bởi ông Sự được chọn làm “thuyền trưởng” lúc mới 42 tuổi, những người làm trợ lý cho ông lại là những chuyên gia bóng đá lớn tuổi hơn như Nguyễn Văn Vinh (Tiền Giang), Phạm Huỳnh Tam Lang (Cảng Sài Gòn) và Lê Đình Chính (Đà Nẵng). Đó đều là những “cây đa cây đề” của BĐVN lúc bấy giờ.

    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội