Bóng Đá Plus trên MXH

Ông Lâm Quang Thành, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 27: “Việt Nam và Thái Lan có nền thể thao mạnh nhất khu vực”
Đỗ Tuấn (thực hiện) • 06:51 ngày 23/12/2013
Hôm qua (22/12), ngọn lửa SEA Games 27 đã chính thức ngừng cháy trên sân Wunna Theikdi, khép lại gần 3 tuần tranh tài liên tục với rất nhiều dấu ấn. Phóng viên báo Bóng đá đã có cuộc trò chuyện cùng Trưởng đoàn Lâm Quang Thành về hoạt động và thành tích thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội vừa kết thúc ở Myanmar.

    “BÊN CẠNH THÀNH CÔNG, VẪN CÓ KHÔNG ÍT THẤT BẠI”

    - PV: Thưa ông, với tư cách Trưởng đoàn, ông đánh giá thế nào về đoàn Việt Nam tại SEA Games 27?

    - Ông Lâm Quang Thành: Kết thúc các môn thi đấu của SEA Games 27, đoàn thể thao Việt Nam đã đoạt được 73 HCV, 86 HCB, 86 HCĐ và đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp, sau Thái Lan và nước chủ nhà Myanmar. Nếu đánh giá chung, có thể nói đây là một đại hội thành công và Việt Nam vẫn nằm trong Top 3 đoàn thể thao mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Còn đánh giá riêng từng đội tuyển thì ở hai môn điền kinh và bơi lội, tôi vẫn tiếc vì lẽ ra thành tích của chúng ta có thể còn tốt hơn, nhưng vì một số lý do chủ quan lẫn khách quan nên chúng ta đã mất một số HCV ở các nội dung được kỳ vọng. Trong khi đó, nhóm 10 môn võ đã rất nỗ lực dù khá nhiều môn gặp không ít khó khăn vì sự chèn ép của trọng tài nhưng việc đoạt đến 42 HCV đã cho thấy đây vẫn là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Ngoài ra, hai môn bắn súng và bắn cung cũng rất thành công. Thế nhưng bên cạnh đó, các môn như canoeing, rowing, billiard & snooker, bi sắt… đã thi đấu không thành công, trong đó 2 môn canoeing và bi sắt không đoạt huy chương nào.


    VĐV điền kinh Nguyễn Văn Lai đã có một kỳ SEA Games thành công rực rỡ

    Nhìn chung tại SEA Games lần này, dù đạt được chỉ tiêu đề ra, nhưng bên cạnh những thành công, đoàn Việt Nam cũng có không ít thất bại. Vì thế, sau SEA Games 27, những nhà quản lý của thể thao Việt Nam sẽ phải ngồi lại để nhìn nhận và đánh giá thật kỹ, thật sát những mặt được và chưa được để có những định hướng, chuẩn bị cho các đại hội thể thao quan trọng trong thời gian tới.

    - Trong thành tích của đoàn chúng ta, ông ấn tượng với những huy chương nào?
    - Với tôi, tất cả thành tích mà các tuyển thủ đoạt được tại đại hội đều rất ấn tượng. 73 chiếc HCV của các VĐV Việt Nam có được đều phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa. Tuy nhiên, tôi ấn tượng đặc biệt với HCV của VĐV Phạm Thị Bình ở môn marathon, hay Nguyễn Văn Lai ở 10.000m và cả chiếc HCB của VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc. Đây là những nội dung thi đấu rất vất vả và việc giành được những tấm huy chương chẳng hề đơn giản.

    - Thế còn những điều khiến ông thất vọng?
    - Nhìn chung các tuyển thủ đều rất cố gắng, nhưng thực tế vẫn có một số môn vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, đó là bi sắt, canoeing hay một số môn mang tính tập thể. Theo tôi, nếu những môn không có sự thăng tiến về thành tích trong thời gian qua, có lẽ cần xem xét và đánh giá lại cách đầu tư ở những môn này.

    “BÓNG ĐÁ VIỆT NAM ĐƯỢC CHUẨN BỊ KỸ, NHƯNG CÁC NƯỚC CÒN CHUẨN BỊ TỐT HƠN”

    - Ông đánh giá thế nào về các đội bóng đá của Việt Nam tại SEA Games 27?

    - Bóng đá là môn thi đấu rất hấp dẫn và mang nhiều yếu tố bất ngờ nhất tại đại hội lần này. Ngay cả chủ nhà Myanmar, dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ, nhưng rốt cuộc họ cũng không thể vào bán kết ở môn bóng đá nam. Trong khi đó, các đội bóng của Việt Nam đều có sự đầu tư chuẩn bị rất kỹ cho đại hội, nhưng các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia… còn có sự chuẩn bị kỹ và tốt hơn. Ngoài ra, có vẻ như các đội bóng của Việt Nam không được may mắn ở đại hội lần này.



    - Ông vừa nhắc đến sự chuẩn bị của các nước trong khu vực cho SEA Games 27. Vậy dưới góc nhìn của ông, thành tích trên bảng tổng sắp có thể hiện đúng thực lực của các nước tham dự, đặc biệt là vị trí thứ nhì của chủ nhà Myanmar?
    - Đây là một câu hỏi khá thú vị, nhưng cũng rất tế nhị. Xét trên bình diện chung thì Thái Lan và Việt Nam vẫn là những nước có nền thể thao mạnh nhất khu vực. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải phấn đấu rất nhiều mới có thể theo kịp Thái Lan. Riêng tại SEA Games 27, nước chủ nhà Myanmar đã có sự chuẩn bị rất kỹ và đưa rất nhiều môn thế mạnh của họ như chinlone, đua thuyền truyền thống, cờ Myanmar, cờ Đông Nam Á… vào thi đấu. Đồng thời, họ cũng bỏ khá nhiều nội dung của một số môn, hoặc không tổ chức những môn trong hệ thống Olympic như TDDC, đấu kiếm…

    Theo quan điểm của tôi, những môn thi đấu mang tính khu vực thì chỉ nên tổ chức ở các giải vô địch khu vực chứ không đưa vào SEA Games. Chúng không phản ánh đúng thực lực thể thao của các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng xin chúc mừng nước chủ nhà Myanmar vì đã có những thành tích tốt tại đại hội lần này!

    - Đứng thứ 3 ĐNÁ, nhưng theo ông, thể thao Việt Nam cần làm gì để chuẩn bị cho đấu trường Asian Games vào năm sau, bởi tại SEA Games 25-2009 ở Lào chúng ta đứng thứ nhì, nhưng chỉ 1 năm sau tại Asian Games 2010 ở Quảng Châu, Việt Nam phải rất vất vả mới giành được 1 HCV?
    - Đúng, đấu trường SEA Games và Asian Games rất khác biệt về đẳng cấp. Vì thế, hiện nay ngành thể thao Việt Nam đang tập trung đầu tư cho những môn mũi nhọn và những tài năng đặc biệt nhằm chuẩn bị cho Asian Games lẫn các đại hội thể thao lớn khác. Sau SEA Games, thể thao Việt Nam sẽ bắt tay ngay vào chuẩn bị cho Asian Games 2014 vì thời gian không còn nhiều, đồng thời sẽ tập trung đầu tư quyết liệt và có chọn lọc vào những môn mũi nhọn cũng như các gương mặt tài năng, chứ không dàn trải như trước.

    - Chúng ta sẽ đầu tư tập trung quyết liệt nhằm chuẩn bị cho Asian Games 2014 tại Hàn Quốc, nhưng liệu kinh phí có được đáp ứng như yêu cầu, thưa ông?
    - Chúng ta đều biết, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất và kinh phí cấp cho ngành thể thao vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL đã trình chính phủ để ban hành chính sách đặc thù cho ngành thể thao chuẩn bị cho Asian Games và Olympic trong thời gian tới. Tôi nghĩ chính phủ sẽ phê duyệt để ngành thể thao có sự chuẩn bị tốt nhất cho các giải đấu lớn trong tương lai, bởi không chỉ chuẩn bị cho Asian Games 2014, chúng ta còn phải hướng đến Asian Games sẽ tổ chức ở Việt Nam vào năm 2019.

    - Chân thành cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội