Bài học cho hàng phòng ngự U22 Việt Nam
Sau trận bán kết giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia, HLV Philippe Troussier thừa nhận đội đã chịu những bàn thua không đáng có trước đối thủ đến từ xứ vạn đảo. Nhìn lại 3 lần U22 Việt Nam thủng lưới, hàng phòng ngự đã không có phương án tốt đối phó với 2 miếng đánh đến từ đội bạn.
Thứ nhất là khả năng chống bóng bổng. Việc U22 Indonesia tận dụng những pha ném biên thẳng vào vòng cấm địa của Pramata Arhan đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, U22 Việt Nam vẫn phải chịu 2 bàn thua xuất phát từ kịch bản này. Phút thứ 10, Komang lao vào đánh đầu dũng mãnh từ quả ném biên về cột xa của Arhan, trong bối cảnh không bị cầu thủ U22 Việt Nam nào theo kèm. Sang hiệp 2, thủ môn Quan Văn Chuẩn có pha đấm bóng ra không thật sự an toàn, từ quả ném biên vào vòng cấm cũng đến từ Arhan. Theo một chuyên gia bóng đá, sẽ là hợp lý hơn nếu như Văn Chuẩn đấm sang 1 trong 2 biên chứ không hướng về trước vòng cấm địa.
Cũng từ đây, vấn đề thứ hai của U22 Việt Nam bị bộc lộ. Đó là khả năng chống đỡ các tình huống bóng hai. Sau quả đấm bóng ra của Văn Chuẩn, Marselino khai thác được khoảng trống ngay trước cầu môn mà không có sự tác động từ cầu thủ U22 Việt Nam. Tương tự ở tình huống cuối trận, dù đã lui về với số lượng khá lớn nhưng U22 Việt Nam vẫn bị động khi đối phó với việc đội bạn khai thác bóng nảy ra (bóng hai). Để rồi cú sút chéo góc của Taufany đã đánh bại Văn Chuẩn.
Kinh nghiệm cho tuổi trẻ
“Chúng ta vẫn biết là đội bạn chơi bóng dài, bóng bổng và khai thác được những pha ném biên. Nhưng U22 Việt Nam vẫn không cản phá được. Tôi cho rằng U22 Việt Nam bị động, chưa giỏi trong kèm người mà chỉ theo hướng bóng. Bàn thua cho thấy sự non nớt của hàng thủ U22 Việt Nam”, chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển nói.
Ông Hiển phân tích: “Nhìn lại cả hành trình, điều tích cực là các cầu thủ trẻ đã cố gắng với tinh thần thi đấu đáng khen. Đơn cử là trước U22 Indonesia, U22 Việt Nam có 2 lần gỡ hòa thành công. Tuy nhiên ở góc độ khác, tôi nghĩ các cầu thủ trẻ chưa biết cách điều tiết theo diễn biến trên sân. Nên nhớ U22 Việt Nam có lợi thế chơi hơn người. Tức là chúng ta sẽ nhỉnh hơn đối phương nếu kéo trận đấu vào hiệp phụ. Tuy nhiên, khi trận đấu chỉ còn 2 phút, U22 Việt Nam vẫn dâng lên tấn công. Điều đó là không nên. Thay vào đó, chúng ta nên cầm chắc bóng lại, kéo trận đấu sang 2 hiệp phụ để giải quyết. Đó là bài học kinh nghiệm, không chỉ cho các cầu thủ trẻ mà còn Ban huấn luyện nữa”.
Thêm vào đó, trong trận đấu, đội mải mê và bị hút vào tấn công. U22 Việt Nam có những pha dứt điểm vội vàng. Đấy là điều mà các cầu thủ phải rút kinh nghiệm. Một điểm cuối tôi cho rằng U22 Việt Nam thiếu một tiền vệ cầm nhịp ở giữa sân. Đó là điều mà đội cần bổ sung sau SEA Games 2023”.
U22 Việt Nam vẫn sẽ còn một trận đấu nữa tại SEA Games 2023. Đó là trận tranh Huy chương đồng. Đây vẫn sẽ là trải nghiệm tốt cho các cầu thủ trẻ, nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm thi đấu.