Bóng Đá Plus trên MXH

Cảm nhận về Derby Milan của BLV Bá Phú: Hai linh hồn của trận Derby vĩ đại
08:55 ngày 17/03/2019
Rất nhiều người chọn điểm dừng chân đầu tiên của mình khi đến Italia là thành Rome, nhưng tôi lựa chọn cho mình điểm đến đầu tiên là Milan, vì tôi là một Interista. Dù không có mặt tại đây vào dịp derby, nhưng tôi cũng cảm nhận được một phần bầu không khí khắp những nẻo đường của thành phố lúc nào cũng phát cuồng vì bóng đá này.

    Giuseppe Meazza hay San Siro? 

    Thỉnh thoảng, các CĐV của Inter và Milan vẫn tranh cãi gay gắt về cái tên của sân bóng nơi CLB của họ thi đấu là Giuseppe Meazza (tên của Inter) hay San Siro (Milan). Nhưng đó là với các tifosi nước ngoài, còn Milanista và Interista bản địa lại không mấy chú ý đến chi tiết này. 

    Giuseppe Meazza hay San Siro thì cũng chỉ là một sân thôi mà! Milan và Inter chung nhau một cửa hàng để bày bán trang phục của đôi bên, lối vào cửa hàng cũng “dùng chung”. Phòng truyền thống của SVĐ cả hai CLB cũng vui vẻ “dùng chung”, sự hòa nhã ở khu vực trung tâm phòng truyền thống với những trang báo cũ lưu giữ là những ký ức về những trận derby Milan lịch sử. Từ ký ức về những trận derby đầu tiên trên mặt sân đầy đất, với khán giả đứng xung quanh như hàng rào,  cho đến ký ức về trận derby lịch sử với 11 bàn thắng năm 1949 (Inter thắng 6-5), 2 năm sau khi 2 đội dùng chung sân. 

    Tỏa dần sang hai bên của phòng truyền thống là những không gian riêng của hai CLB với chiếc áo của những huyền thoại. Từng chiếc áo ở mỗi thời kỳ với mỗi nhân vật lại gợi cho mỗi người một ký ức, một khoảnh khắc riêng. 

    Tôi cảm nhận được sự đối địch của 2 CLB, nhưng trong một không gian chung mà cả hai đội gây dựng thì tôi không thấy hận thù. Có lẽ trong sâu thẳm ở mỗi cuộc chiến giữa 2 CLB, họ cũng không quên mình đang ở chung một mái nhà, và là những người anh em. 

    Tác giả bên trong phòng  truyền thống của Inter
    Tác giả bên trong phòng truyền thống của Inter

    Vào thời sơ khai (đầu thế kỷ 20), Inter thu hút CĐV là những ông chủ, những người có quyền lực trong xã hội thời đó. Còn Milan là biểu tượng tinh thần của tầng lớp lao động. Trận derby khi ấy mang hơi hướng của sự phân biệt giai cấp. Nhưng qua thời gian, nhiều thế hệ mới sinh ra, sự khác biệt ban đầu đó cũng dần phai nhạt. 

    Sau vụ thủ môn Dida dính một trái pháo vào lưng trong trận derby tại tứ kết Champions League 2004/05, các CĐV hai đội đã dần học cách chung sống hòa bình dưới một bầu trời. Khác hẳn với sự thù địch giữa 2 đội cùng thành phố như ở Verona, Genoa, Turin và nhất là Rome, CĐV Inter và Milan có thể không ưa nhau, nhưng rất tôn trọng nhau. Tôi đã mặc áo và đeo khăn của Inter trên mọi hành trình ở thành phố này, xuyên qua những khu dân cư được biết trước là của những gia tộc Milanista nhiều thế hệ. Đáp lại tôi vẫn luôn là ánh mắt đầy thân thiện của những người già, trẻ em đang khoác áo đỏ-đen. 

    Với hầu hết người dân thành phố Milan, họ luôn buộc phải lựa chọn 1 trong 2 màu áo đỏ-đen hoặc xanh-đen. Chọn Milan hay Inter đối với họ không dựa trên yếu tố danh hiệu hay độ phổ cập hình ảnh ở nước ngoài, mà là vấn đề lý tưởng... 

    Khác biệt triết lý từ phòng thay đồ

    Việc dùng chung sân, cũng khiến hai CLB chưa thể phô diễn “bản sắc” của mình ở vẻ bề ngoài. Phòng thay đồ của Milan và Inter mới là nơi tôi thích thú nhất, nơi đem đến cho tôi những cảm nghĩ về sự khác biệt giữa hai CLB. 

    Dọc con đường vào phòng thay đồ của Milan là những câu nói đầy tính triết lý kiểu như “Lịch sử được viết nên bởi người chiến thắng” hay “không có điều gì là đương nhiên, chỉ có làm việc chăm chỉ mới là yếu tố của thành công”. Để tăng độ “sang chảnh”, Milan cũng có bảng vàng ghi lại những chiến công rực rỡ của đội bóng trong lịch sử.

    Tác giả bên trong phòng truyền thống của Milan
    Tác giả bên trong phòng truyền thống của Milan

    Phía Inter thì ngược lại, không có dòng chữ nào và chỗ trưng bày các danh hiệu cũng được thể hiện một cách giản dị tại nơi không phải sang trọng nhất. Xung quanh hai bên tường chỉ là những chiếc áo sọc xanh-đen, trên lưng áo là tên của những biểu tượng như Giuseppe Meazza, Giuseppe Baresi, Luis Suarez hay Javier Zanetti. Điều đặc biệt ở bức tường tới từ chiếc áo cuối cùng sát cánh cửa ra vào. Đó là chiếc áo không số, không tên, nó mang hàm ý nhắc nhở cầu thủ đương thời hãy nỗ lực để tên của mình được lưu danh. 

    Khu vực sinh hoạt chung ở phòng thay đồ của hai đội cũng là sự khác biệt lớn. Phòng của AC Milan được bài trí hiện đại, mỗi khu vực lại có 1 vách ngăn, mỗi ghế ngồi của cầu thủ thì đều có tay đỡ, trông không khác gì những chiếc ghế thư giãn trên tàu bay. Bên phía Inter thì mọi thứ đơn giản, thiết kế không gian mở hơn, điều này tạo cho chúng ta cảm giác gần gũi và thân thiện. Có lẽ ngay chính tên gọi của Internazionale mang nghĩa “quốc tế” là cảm hứng để họ tạo ra một không gian như vậy tại phòng thay đồ. 

    Mọi con đường đều đổ về Duomo

    Quảng trường Duomo được coi là trái tim của cả thành phố, nơi sẽ đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của bạn. Không khó khăn lắm để tôi tìm cửa hàng lưu niệm của Milan, Inter và Juventus. 

    Trong số đó, gian hàng của Inter có vị trí đẹp và rộng rãi nhất. Đây là gian hàng duy nhất trong 3 CLB có thêm tầng hầm để bài trí, và cung cấp thêm nhiều lựa chọn hiện vật cho các CĐV. Tại gian hàng Inter ở Duomo, tôi đã mua tặng anh bạn của mình chiếc móc khóa có logo Champions League, đây là phiên bản đặc biệt vì vào đầu mùa 2018/19, sau 6 năm Inter mới trở lại đấu trường danh giá này. Gian hàng của Juventus nằm ở vị trí khá tách biệt, lưu lượng người vào xem khá ít, có lẽ ngay từ khi đặt gian hàng ở Duomo, Juve cũng xác định đây là đất khách, mục đích lớn nhất là tăng độ nhận diện thương hiệu chứ không phải kinh doanh. 

    Rảo bước xung quanh quảng trường Duomo, tôi có thể cảm nhận rõ sự khác biệt của Inter dưới thời “soái ca” 27 tuổi - Steven Zhang của tập đoàn Sunning. Một Inter trẻ trung và năng động trên các phương tiện truyền thông. Những bảng hiệu đèn led ở ngay lối xuống các ga tàu điện ngầm, hình ảnh quảng cáo ở khu trung tâm giới thiệu vé xem các trận đấu trên sân nhà của Inter, dù vào dịp cuối tuần đó đội được đá sân nhà là Milan. Việc quảng bá rầm rộ tại các phương tiện công cộng của Inter cũng phần nào giúp tôi tìm được một phần lời giải về số lượng CĐV đến SVĐ Giusseppe Meazza luôn đứng đầu Italia. 

    Giữa CĐV Inter và AC Milan không tồn tại sự hận thù
    Giữa CĐV Inter và AC Milan không tồn tại sự hận thù

    Đêm nay, trận derby della Madonnina thứ 223 sẽ diễn ra. Tương quan giữa hai gã khổng lồ lúc này khác biệt rất nhiều so với những gì mà tôi đến cách đây 4 tháng. Milan ở trên, Inter ở dưới, Milan thăng hoa, Inter lộn xộn. 

    Từng có derby Milan ở tứ kết và bán kết Champions League. Đêm nay, trận derby thành phố duy nhất ở châu Âu giữa 2 nhà cựu vô địch Cúp C1/Champions League trớ trêu thay, thực chất lại mang ý nghĩa tranh giành nhau tấm vé đến giải đấu danh giá nhất lục địa già. Nhưng không vì thế mà trận derby này bớt phần rực lửa, bởi derby luôn là ngày hội của thành phố.

    Người Italia có câu “mọi con đường đều đổ về thành Rome”, còn với người Milano thứ duy nhất họ có thể khẳng định khi bóng chưa lăn “mọi chiến thắng đều đổ về Duomo”. 
    Bá Phú • 08:55 ngày 17/03/2019

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay