Bóng Đá Plus trên MXH

Khi tài năng trẻ Italia chỉ là món hàng...
13:44 ngày 31/12/2014
Không ai phủ nhận những tiến bộ của nền bóng đá Italia ở khía cạnh trẻ hóa. Nhưng dường như chưa thấy được “cái tâm” của những người lãnh đạo cấp liên đoàn và CLB, khi tệ bạc đãi tài năng trẻ vẫn đang tiếp diễn.
    TRẺ HÓA CHỈ VÌ… NGHÈO
    Hãy bắt đầu bằng câu chuyện của Simone Scuffet, thủ môn tỏa sáng rực rỡ dưới màu áo Udinese mùa trước và được ca ngợi như một trong những người gác đền xuất sắc nhất Italia trong thời đại của Gianluigi Buffon. Ngay sau khi Scuffet từ chối sang Atletico hồi Hè 2014, thủ môn 18 tuổi bị tống lên ghế dự bị, dù anh chỉ nghỉ thi đấu thời gian ngắn vì chấn thương vai. 

    Khung thành Udinese được giao cho Orestis Karnezis, thủ môn 29 tuổi người Hy Lạp hoàn toàn vô danh. Bất chấp việc Udinese đã thủng lưới tới 22 lần, vị trí của Scuffet vẫn là… dự bị của dự bị, xếp sau cả thủ môn Zeljko Brkic. Phải chăng đó là đòn trừng phạt của Udinese, khi Scuffet dám cãi lệnh ông chủ độc tài Giampaolo Pozzo để không sang Atletico, khiến CLB mất đi 9 triệu euro?  


    Đó là một nghi vấn chưa có đáp án, song câu chuyện của Scuffet cũng nói lên thân phận kém may mắn của những tài năng trẻ Italia. Italia đang trẻ hóa vì họ thấy cần phải như vậy để bắt kịp với các nền bóng đá tiên tiến khác ở châu Âu? Hoàn toàn không phải, Serie A chỉ trẻ hóa vì họ không còn tiền để chiêu mộ những ngôi sao đắt giá. Và chừng nào những vị chức sắc lãnh đạo của bóng đá Italia còn ý nghĩ đó từ trong tâm, tài năng trẻ Italia vẫn chỉ được xem là các món hàng!

    FIGC CHƯA QUYẾT LIỆT
    Cách đây chưa lâu, HLV Zdenek Zeman đã chỉ trích mạnh mẽ việc các tài năng trẻ Italia bị đày ải trên ghế dự bị. Trong nhiều năm qua, Zeman là một trong những HLV chú trọng nhất tới việc xây dựng đội ngũ tài năng trẻ, làm nền tảng phát triển đội bóng. Nhưng trớ trêu thay, ông luôn bị các CLB sa thải sớm vì thành tích không thể tích cực ngay lập tức, mới nhất là vụ chia tay Cagliari ngay trước Giáng sinh!

    HLV của đội tuyển Italia, Antonio Conte cũng rất chú trọng việc trẻ hóa, tương tự người tiền nhiệm Cesare Prandelli. Nhưng đó chỉ là ở cấp ĐTQG, một mình Conte không thể xoay chuyển cả giang sơn nếu thiếu sự hỗ trợ từ các CLB, cũng như đường lối chỉ đạo của LĐBĐ Italia (FIGC). 

    Trái hẳn với cơ quan đồng cấp tại Đức hay Anh, FIGC thiếu hẳn sự can thiệp mạnh vào chính sách phát triển của nền bóng đá. Trong nhiều trường hợp, có cảm giác FIGC chỉ làm công việc tổ chức các trận bóng, thay đổi lịch thi đấu và ban bố các án phạt.

    Nhìn chung, với những nỗ lực trẻ hóa riêng lẻ của cá nhân một HLV, chủ tịch hoặc CLB nào đó, quá trình trẻ hóa tại nền bóng đá Italia khó lòng thu được kết quả khả quan thực sự. Họ thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, và dường như cũng không mấy người quan tâm tới mục tiêu quan trọng nhất là đẩy cả nền bóng đá đi lên. 

    Muốn giành được những chiến tích lẫy lừng như Đức tại World Cup 2014 vừa qua, người Italia cần phải có sự kiên nhẫn và thực sự nghiêm túc trong công tác trẻ hóa. Nếu nhìn vào cầu thủ trẻ nào cũng chỉ nghĩ tới chuyện ngày mai, bán họ được bao nhiêu tiền, thì nỗ lực trẻ hóa lẻ loi sẽ không thể đơm hoa kết trái!

    Italia vẫn chi quá ít cho trẻ hóa
    Sự tụt lùi của nền bóng đá Italia so với đối thủ đang lên là Đức được thể hiện qua chính sự đầu tư vào bóng đá trẻ. Mùa 2013/14, 20 CLB Serie A chi 55 triệu euro cho các học viện bóng đá trẻ, trung bình mỗi CLB chi 2,75 triệu euro, con số này thấp hơn nhiều so với một đội bóng ở Bundesliga (4,4 triệu euro).

    3  thần đồng... bất hạnh 

    ARTURO LUPOLI (Fiorentina)


    Sau thành công nhất định khi khởi đầu tại Arsenal, Lupoli đã không tìm được vị trí trên hàng công của HLV Arsene Wenger. Nhưng khi trở lại Serie A, Fiorentina đã không trọng dụng Lupoli, anh bị đem cho nhiều CLB mượn. Sự nghiệp đỉnh cao của “thần đồng” này coi như khép lại ở tuổi 22, khi anh gia nhập Ascoli ở Serie B vào năm 2009. Bây giờ, Lupoli đã thực sự bị quên lãng khi anh chơi bóng ở giải VĐQG Hungary cho CLB Honved Budapest.

    SEBASTIAN GIOVINCO (Juventus)


    Giovinco chính là trường hợp điển hình nhất của tệ bạc đãi tài năng. Sau 2 mùa đầy thành công tại Parma, Giovinco trở lại Juve. Lẽ ra sự nghiệp của anh phải cất cánh, thì lại chìm nghỉm trên băng ghế dự bị. Từ vị thế tài năng trẻ giàu triển vọng nhất của bóng đá Italia, Giovinco dần trở thành một tiền đạo tầm thường. Mùa này, Giovinco mới chỉ ra sân 191 phút/9 trận chính thức, trong đó có tới 7 trận anh chỉ được đá tối đa… 11 phút. Giovinco đang trên đường rời Juve để cứu vãn sự nghiệp. 

    ALBERTO PALOSCHI (Milan)


    Trưởng thành từ lò đào tạo Milan, ở tuổi 18 Paloschi đã ghi bàn đầu tiên ở Serie A chỉ 17 giây sau khi vào sân trong trận ra mắt giải đấu này (Milan thắng Siena 1-0). Nhưng Paloschi không bao giờ được BLĐ Milan tin cậy, đơn giản vì anh không có thương hiệu như các chân sút ngoại quốc. Paloschi tìm thấy niềm vui ở Parma, Genoa và giờ là Chievo, nhưng tiền đạo sắp tròn 25 tuổi có lẽ chẳng bao giờ còn cơ hội khoác áo những đội bóng lớn ở Serie A nữa.
    Huy Hiếu • 13:44 ngày 31/12/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay