“Người hùng dân tộc” không chỉ cắn răng vứt bỏ tuổi thơ mà còn phải chịu đựng nỗi đau tột cùng của một phụ nữ bình thường: không thể làm mẹ, trong cái tuổi đẹp nhất để một phụ nữ bình thường hướng đến thiên chức làm mẹ.
Lọt mắt "thái tử" và sự trừng phạt của "cảnh sát kinh nguyệt"
Dưới thời nhà độc tài Nicolae Ceausescu, mọi phụ nữ Romania thuộc độ tuổi 25-45 mà không có con đều phải thường xuyên tham gia những khóa học đặc biệt trong một chương trình “phát triển dân số”. Mỗi khóa đều có phần kiểm tra do một bộ phận gọi nôm na là “cảnh sát kinh nguyệt” đảm trách.
Ai chưa có thai vào cuối khóa học đều bị phạt khá nặng. Comaneci thường xuyên phải nộp phạt. Dĩ nhiên, vì “tội” không có thai. Nhưng còn vì nguyên nhân đặc biệt nào khiến người đẹp Comaneci không thể mang thai?
Thật không may khi biểu tượng thể thao Comaneci lọt vào mắt xanh của Nicu Ceausescu - người con trai út đồng thời được xem là nhân vật sẽ kế tục nhà lãnh đạo Nicolae Ceausescu của Romania. Quyền lực của một nhân vật như thế, không phải giới thiệu. Nhưng điều đáng nói ở đây là Nicu có một cuộc sống cực kỳ xa hoa và tàn ác.
Tướng mật vụ Ion Mihai Pacepa, từng là cố vấn của Nicolae Ceausescu trước khi đào thoát khỏi Romania, cho biết Nicu đã gây ra không biết bao nhiêu scandal về cưỡng hiếp tại Bucarest. Nicu là bạn thân của Uday Hussein, con trai Saddam Hussein (cựu Tổng thống Iraq). Cặp “thái tử” bài trùng này thường xuyên hẹn nhau để cùng ăn chơi ở Monaco hoặc Thụy Sĩ. Phúc hay họa đang chờ đợi Comaneci, khi cô lọt vào “mắt xanh” của Nicu Ceausescu?
Với Comaneci, thời gian “bị” Nicu yêu là khoảng ký ức kinh hoàng của một thân phận nô lệ tình dục. Do bị Nicu chỉ coi là một thứ búp bê sinh lý nên Comaneci không thể trở thành vợ và sinh con với Nicu. Do đó, cô bắt buộc phải dùng những biện pháp phòng tránh thai, và dễ hiểu vì sao Comaneci không thể có thai khi còn ở trong nước. Và khi đó, Comaneci lại rơi vào vòng trừng giới của đám “cảnh sát kinh nguyệt” phục vụ cho ông bố của Nicu.
Sẵn thói ngang tàng, Nicu Ceausescu không bao giờ phủ nhận những tin đồn rằng mình đã thường xuyên “sở hữu” người đẹp Comaneci - kể cả khi chế độ Ceausescu đã sụp đổ cuối năm 1989. Chẳng những vậy, làm gì có ai dám, hoặc có thể, cưới Comanesi, khi Nicu Ceausescu hãy còn sờ sờ ra đấy.
Phần mình, Comaneci sau này luôn né tránh các câu hỏi liên quan đến Nicu Ceausescu, nhưng lại thừa nhận mình có quan hệ với Nicu, và ai cũng có thể mất mạng nếu làm phật ý nhân vật đáng sợ ấy. Cô trả lời phỏng vấn: “Bất cứ ý muốn nào của Nicu đều phải được thực hiện. Tôi chỉ có thể tóm gọn như thế”.
Năm 1980, Comaneci có một người bạn trai ở Romania. Thế rồi, “người bạn” ấy bỗng nhiên biến mất sau vài cuộc hẹn hò. Không có bất kỳ bài báo nào đề cập đến nhân vật ấy hay đến số phận của những con người thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên đường phố Bucharest, khi mà ai cũng biết chủ nhân của những chiếc xe hơi sang trọng trong những tai nạn kinh hoàng ấy là Nicu Ceausescu.
Năm 1981, Comaneci cùng vợ chồng Bela và Marta Karolyi (đều là các HLV TDDC nổi tiếng của Romania) tham gia một chuyến thi đấu biểu diễn tại Mỹ. Bela và Marta trốn luôn tại Mỹ. Sau chuyến đi ấy, Comaneci luôn bị quản thúc chặt chẽ. Ngoài một số rất ít các giải TDDC ở Liên Xô hoặc Cuba, cô không được phép xuất ngoại nữa.
Ngoại lệ duy nhất là chuyến đi Mỹ dự Olympic Los Angeles 1984, với tư cách khách mời đặc biệt của IOC (nhưng bị cả một đoàn mật vụ giám sát chặt chẽ). Cảm thấy cuộc sống ngày càng trở nên ngột ngạt, tượng đài Comaneci đành quyết định bỏ lại tất cả, cùng một đoàn người trốn khỏi Romania trong năm 1989.
Thoát khỏi nhà tù lớn, rơi vào cảnh nô lệ
Vài tuần trước khi chế độ Ceausescu sụp đổ, Comaneci cùng một nhóm 5-6 người khác đã trốn khỏi Romania. Không lâu trước đó, Comaneci gặp một nhân vật tên là Constantin Panait tại Bucharest. Panait nói rằng ông ta từng thoát khỏi Romania bằng cách bơi vượt sông Danube, và hứa sẽ giúp Comaneci ra nước ngoài sinh sống nếu cô cũng muốn như thế.
Sau nhiều ngày đắn đo, Comaneci quyết định ra đi một cách bí mật, ngay cả mẹ đẻ cũng không được biết. Cùng với những người đồng hành, Comaneci phải lội bộ khoảng 6 tiếng đồng hồ trong cái lạnh cắt da, vượt qua địa hình khắc nghiệt của một vùng “khỉ ho cò gáy” để tiếp cận với biên giới Hungary. Tại đấy, họ được nhân vật Panait nêu trên đón sẵn và chở sang Vienna (Áo), rồi bay thẳng sang Mỹ.
Những người khác đều phải trả trước cho Panait 5.000 USD. Riêng với Comaneci, Panait thấy rõ đấy là một “con mồi” vô giá. Sang đến Mỹ, Comaneci luôn bị quản thúc trong những khách sạn tồi tàn, cấm sờ tay vào điện thoại, nhất cử nhất động đều phải do chính Panait sắp đặt.
“Tôi đưa được cô ra khỏi tầm khống chế của Nicu Ceausescu thì tôi cũng có thể đóng gói cô trong thùng thiếc và gửi trả cho hắn” - Panait hăm dọa Comaneci.
Và huyền thoại Comaneci gần trở thành nô lệ của Panait, kẻ tự xưng là người đại diện của cô suốt vài năm đầu ở Mỹ. Chuyện Panait khai thác triệt để nguồn lợi về tài chính từ một “ngôi sao tị nạn” nổi tiếng như Comaneci thì quá rõ ràng. Chỉ có điều, hầu như không ai hiểu rõ kẻ đã có vợ và 4 con ấy liệu có xâm hại tình dục với nữ nô lệ của mình hay không, khi thành công trong việc “giam lỏng” huyền thoại Comaneci.
“Đấy là một bí mật”, Comaneci sau này chỉ nói ngắn gọn như vậy, theo hướng từ chối trả lời phỏng vấn. Cũng có lúc, Comaneci cho rằng chính vợ của Panait (cũng ở Mỹ) đã tiếp tay, sắp đặt mưu kế để nhân vật này lợi dụng sự nổi tiếng của cô.
Trong vai “người quản lý” của huyền thoại TDDC Comaneci, Panait mặc sức thao túng những gì Comaneci có thể đem lại. Bản quyền phỏng vấn hoặc tiền công trong những chương trình liên quan đến TDDC mà Comaneci kiếm được đều chảy thẳng vào túi Panait.
Có lần, “nhà đại diện” ký bản hợp đồng 150.000 USD nhưng chỉ đưa cho Comaneci 1.000 USD! Xem lại hình ảnh tư liệu về Comaneci trong những ngày đầu ở Mỹ, lúc cô tham gia các chương trình do giới TDDC tổ chức hoặc trả lời phỏng vấn, người ta thấy Comaneci luôn phải ngồi ở một góc chết trong khi Panait ngồi chắn bên ngoài.
Cũng vậy, Comaneci luôn phải nhìn và chờ tín hiệu từ phía Panait trước mỗi câu trả lời. Có lúc, người ta chợt hỏi Comaneci về một vết bầm tím ở chân khi phỏng vấn, cô chỉ rầu rĩ nói lảng sang chuyện khác. Câu trả lời là “không có gì cả”, nhưng người nghe chỉ có một cách hiểu: “Đừng hỏi nữa!”.
Cứ thế, tượng đài Comaneci tiếp tục bị đày đọa cho đến một ngày cô tình cờ bắt được liên lạc với HLV cũ, Bela Karolyi. Nhân vật này liên hệ với một HLV rugby người Romania, vốn là bạn thân, tên là Alexandru Stefu, ở Canada. Họ dàn xếp, dụ Panait sang Canada để ký một bản hợp đồng hậu hĩnh. Trong một khoảnh khắc Comaneci không bị “canh giữ”, Karolyi dễ dàng “giải cứu” cho học trò cũ bằng cách kéo cô chạy thẳng ra đường.
Comaneci sau đó ở hẳn lại Canada, sống với gia đình Stefu. Tại đấy, cô gặp lại “người quen” tại Montreal 1976, VĐV TDDC người Mỹ Bart Connart. Họ đến Oklahoma, sống chung với nhau từ năm 1994. Có lẽ chỉ tính từ thời điểm ấy - tức gần 20 năm sau khi trở thành huyền thoại Olympic - Comaneci mới thật sự có một cuộc sống yên bình. Comaneci và Connart kết hôn với nhau và chào đón đứa con đầu lòng vào năm 2006.