Sánh ngang với hàng ngũ “danh gia vọng tộc”
Tại Học viện Ferrari, bên cạnh Ella Stevens còn có sự góp mặt của Arthur, cậu em trai của Charles Leclerc (tay đua vô địch các chặng Grand Prix tại Bỉ và Italia trong năm 2019), có Mick Schumacher, con trai huyền thoại Michael Schumacher. Rồi còn cả cháu trai của Emerson Fittipaldi, người từng 2 lần vô địch F1 thế giới. Đó đều là “danh gia vọng tộc”. Còn với Ella, xuất phát điểm của cô bé thật khiêm tốn.
Cô bé không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống đua xe F1 như các bạn đồng trang lứa trong học viện. Bố và anh trai Ella chỉ thử sức với môn đua mô tô. Nhưng thế có lẽ vậy cũng là đủ. Gen đua xe trong gia đình đã truyền cho Ella tài năng và đam mê.
Cô bé đến từ một ngôi làng hẻo lánh tại Anh, nơi mà những môn thể thao đơn giản như bơi và chạy bộ mới thường xuyên được chú ý. Nhưng điều đó không ngăn cản Ella vươn tới ước mơ. Khi 10 tuổi, cô đã là nhà vô địch môn Karting của nước Anh (một dạng F1 mini với những chiếc xe đua nhỏ, có thể đạt vận tốc lên tới hơn 200km/h).
Ở tuổi lên 10 thì Lewis Hamilton, người đang trên đỉnh cao quyền lực của làng F1, cũng đã là nhà vô địch Karting của nước Anh. Có lẽ Hamilton là người đã truyền cảm hứng để Ella bước chân vào thế giới F1. Cô bé thổ lộ: “Em có ước mơ là sau này sẽ trở thành một tay đua F1 chuyên nghiệp. Cha và anh trai em cũng từng đua xe mô tô. Em giống họ là thích tốc độ. Ở tuổi lên 6, em đã bắt đầu đua karting và cảm thấy rất hứng thú. Tất nhiên rồi, càng đi nhanh thì em càng cảm thấy sợ. Nhưng em vượt qua tất cả, trên hết là cảm giác rất phấn khích. Em hy vọng một ngày mình sẽ đạt được ước mơ”.
Khó khăn chờ đón
Chẳng có con đường nào vươn tới đỉnh cao mà dễ dàng, với Ella cũng vậy. Bắt đầu tham gia đua karting từ năm lên 6, đến năm lên 10 đã là nhà vô địch nước Anh, rõ ràng Ella đã phải nỗ lực rất nhiều để đạt được thành công ban đầu như thế. Ella thổ lộ rằng em phải chấp nhận xa cách bạn bè: “Chẳng nhiều bạn bè của em biết được việc em đang làm. Nhưng quan trọng nhất là em được ba mẹ hết lòng ủng hộ, thi thoảng còn là anh trai em nữa. Có lẽ không nên để bạn bè biết nhiều, vì như vậy sự nghiệp của em sẽ bớt gian nan hơn”.
Để cân bằng giữa học văn hóa và thể thao, dĩ nhiên Ella vẫn phải hoàn tất chương trình tại trường, nhưng theo cô bé thì không dễ để cân bằng mọi thứ. Em nói: “Sau khi học xong, em liền chạy về nhà để bắt đầu tập luyện. Lịch tập của em rất kín, ở nhà em tập thể lực và bơi. Sau đó, mỗi cuối tuần em dành trọn thời gian để đua xe”. Có nghĩa Ella hầu như không có thời gian vui đùa như chúng bạn. Ở tuổi cắp sách đến trường, phải hạn chế giao tiếp với bạn bè không phải là điều đơn giản, nhưng Ella vẫn quyết tâm làm.
Ở tuổi 13, vẫn còn nhiều thời gian để Ella hoàn thiện mình, đạt đến giấc mơ, nhưng em cũng đã hình dung trước được con đường gian nan đang chờ đón mình. Một trong những thứ gian nan nhất chính là tiền. Một tay đua chưa được biết đến nhiều sẽ rất khó thu hút tài trợ, nói gì đến việc Ella lại là nữ. Trong lịch sử F1, chỉ có vẻn vẹn 5 phụ nữ từng tham gia đua và người gần nhất xuất hiện trên đường đua F1 cách đây cũng đã 28 năm. Với môn thể thao tốc độ, thực sự có quá nhiều rào cản cho nữ giới, chưa kể đến chuyện bạn phải có tiền. Mà với gia đình ở nông thôn như của Ella, em khó có thể hy vọng.
Trong thế giới F1, rất nhiều tay đua khi khởi nghiệp cũng phải đi gõ cửa từng nơi để xin tài trợ, điển hình là Michael Schumacher. Những trường hợp như Nicholas Latifi, tay đua của đội Williams, là rất hiếm. Nicholas có bố là doanh nhân giàu có, ông có cổ phần ở đội McLaren và không tiếc tiền tài trợ để cậu con trai dấn thân vào F1.
Ella hiểu em sẽ phải tự lực cánh sinh. Trước mắt, cô bé sẽ phải nỗ lực tại học viện Ferrari, tìm cơ hội thể hiện mình trước khi nghĩ đến những cái đích xa hơn. Là nữ giới, gặp nhiều trở ngại khách quan, nhưng chắc chắn Ella luôn được động viên để hoàn thành ước mơ của mình, như chính lời đàn chị Alice Powell (tay đua Formula E) dành cho Ella: “Cô bé đã gặp nhiều trở ngại, nhưng đều vượt qua. Vì thế tôi tin rằng Ella sẽ thành công. Cô bé xứng đáng gia nhập học viện Ferrari và trong tương lai, Ella có đầy đủ tiềm năng để trở thành một tay đua F1”.
5 tay đua nữ từng xuất hiện tại F1
Maria Teresa de Filippis
Bà tham gia hai mùa F1 1958 và 1959, cho hai đội đua Maserati và Behra-Porsche. Maria Teresa là tay đua nữ đầu tiên trong lịch sử F1. Số chặng đua bà tham gia là 5.
Lella Lombardi
Lella có lẽ là tay đua nữ bền nhất trong làng F1. Bà có 3 mùa thi đấu ở môn thể thao này, và lần lượt khoác áo các đội March, RAM, Williams. Bà đã tham gia tổng cộng 17 chặng đua Grand Prix, nhưng ấn tượng lớn nhất bà để lại có lẽ là dính vào một vụ tai nạn làm 5 người xem thiệt mạng.
Divina Galica
Tay đua nữ người Anh duy nhất từ trước đến nay của F1. Bà cũng có 2 mùa thử sức ở môn thể thao này song không đạt được thành công nào, với thứ tự cán đích cao nhất chỉ là 14.
Desire Wilson
Tham gia 1 mùa Grand Prix duy nhất, trong màu áo đội Williams. Sau đó bà sang Mỹ tham gia các giải đua xe ở trình độ thấp hơn.
Giovanna Amati
Bà cũng chỉ tham gia một mùa duy nhất (1992) ở giải Grand Prix. Khi ấy Amati khoác áo đội Brabham. Các mùa sau, bà liên tục không thể lọt qua vòng loại.
XEM THÊM
Nhân kỷ niệm 70 năm chặng F1 Grand Prix đầu tiên: 'Lá cờ đầu' Silverstone tìm lối thoát