Trong đó, việc xây dựng và triển khai “Đề án phát triển TDTT đến năm 2025, định hướng đến 2030” là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Nhằm đánh giá đúng thực trạng phát triển TDTT những năm qua, đồng thời dự báo những thuận lợi, khó khăn, từ đó xây dựng các giải pháp để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT của Bình Dương hiện tại và trong tương lai.
Kết nối các nhà khoa học hàng đầu về Thể dục Thể thao
Nhằm đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn quá trình 3 năm triển khai Đề án, ngày 29/3 vừa qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đề án Phát triển Thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra”. Tọa đàm được tổ chức vào thời điểm cả nước kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành thể thao Việt Nam 27/3. Đây là dịp để những người làm công tác TDTT gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế đóng góp vào sự phát triển của TDTT Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Đến dự Tọa đàm khoa học, về phía Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) có ông Nguyễn Hữu Đạt – Trưởng Cơ quan Đại diện Văn phòng Bộ VHTT&DL tại TP Hồ Chí Minh; GS.TS Lâm Quang Thành – Nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục TDTT; ông Phạm Văn Tuấn - Nguyên Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục TDTT; ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ, Thể hình Việt Nam, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Ủy ban TDTT, Nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh (thuộc Bộ VHTT&DL); Ông Nguyễn Thanh Đảo – PCT thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam. Về phía lãnh đạo các đơn vị tỉnh, thành, các đại biểu khách mời có PGS.TS - NGƯT Nguyễn Quang Vinh - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Sư phạm TDTT TP Hồ Chí Minh; GS.TSKH Dương Quý Sỹ - Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam; Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển Nhân lực Việt Nam; TS Dương Văn Hiền – PGĐ Trung tâm TDTT, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Tuấn Hiếu – Phó Viện trưởng, Viện Khoa học TDTT; PGS.TS Phạm Ngọc Viễn – Trưởng Ban Cấp phép, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; PGS.TS Lê Thiết Can - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh; ThS Nguyễn Thanh Tú – GĐ Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Trọng Nguyên - PGĐ Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP Cần Thơ; TS.Võ sư Hồ Tường – Trưởng môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà; ThS.BS Nguyễn Văn Phú – Trưởng phòng Y học Thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Kim Chi - PGĐ Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang; ông Trần Thế Anh – PGĐ Phụ trách Sở VHTT&DL Bình Phước; ông Huỳnh Ngọc Tâm – PGĐ Sở VHTT&DL Bình Thuận; ông Bùi Thanh Nam – PGĐ Sở VHTT&DL Đồng Nai. Về phía Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các Sở ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh có bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng – TUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Văn Dành – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; bà Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh Bình Dương; ThS Bùi Hữu Toàn - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương; bà Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Dương; TS. Cao Văn Chóng – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương; Thượng tá Võ Văn Hòa – Phó Tham mưu Trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương; bà Đoàn Thị Hồng Thơm – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương; ông Bồ Kỹ Thuật – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương; Ông Nguyễn Văn Thanh Huy – PTGĐ Tổng Công ty Becamex IDC; TS. Thượng tá Đặng Minh Thắng - Phó Trưởng phòng PX03 - Công an tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Viện Khoa học TDTT Việt Nam, Hội Khoa học TDTT Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Bình Dương, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương; Trường ĐH Quốc tế Miền Đông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Đông Nam bộ; Tổng Công ty Becamex IDC, Tổng Công ty Biwase, Công ty CP Đại Nam, Công ty Nhựa Bình Minh, Công ty Vật Liệu Xây Dựng Bình Dương, Công ty Unifarm, Công ty Thắng Lợi Bình Dương; các cơ quan ban ngành, đoàn thể tỉnh Bình Dương và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cùng các doanh nghiệp, các Hội, Liên đoàn thể thao các cấp và các cơ quan truyền thông, phóng viên các báo, đài.
Có thể nói, Tọa đàm khoa học “Đề án Phát triển Thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra” được tổ chức rất chuyên nghiệp, bài bản và thành công tốt đẹp. Sau thời gian chuẩn bị đến khi Tọa đàm chính thức diễn ra, Ban Tổ chức đã nhận được 41 bài tham luận đầy tâm huyết với hàm lượng khoa học rất cao, có giá trị thực tiễn liên quan đến nội dung, vấn đề Tọa đàm khoa học đặt ra. Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý và các thành viên tham dự đã có những góp ý, chia sẻ, hiến kế trực tiếp cũng như các bài tham luận gửi về trước đó đầy tâm huyết và kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thắn trao đổi trên tinh thần khoa học, tìm kiếm cách thức tiếp cận mới, khai thác tối đa, tập trung làm sáng tỏ những nội dung đề ra mang tính định hướng, gợi mở để TDTT tỉnh nhà có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Các phát biểu đã tập trung làm rõ những nội dung chính như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước Thể dục thể thao; Cơ chế, chính sách phát triển TDTT; Vấn đề phát triển Thể dục thể thao cho mọi người - Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; Công tác xã hội hóa Thể dục thể thao; Ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong lĩnh vực TDTT; Phát triển kinh tế Thể thao,...
Để Thể dục Thể thao chinh phục thành công thách thức mới
Bình Dương xây dựng “Đề án phát triển Thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên quan điểm phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới gắn liền với tình hình thay đổi thực tế trong nước và bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế; đảm bảo thực hiện các chủ trương quan điểm, đường lối chính sách pháp luật trong phát triển thể thao, nâng cao vai trò, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của thể thao đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Từ toạ đàm, ngành TDTT Bình Dương đã lĩnh hội được những vấn đề cấp thiết từ các bài phát biểu tâm đắc với giá trị thực tiễn cao của các đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực TDTT cũng như các lĩnh vực liên quan trong và ngoài tỉnh.
Đáng kể đến như: Gợi ý về định hướng phát triển TDTT tỉnh Bình Dương đến năm 2030 của GS.TS Lâm Quang Thành - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đề cập đến thực trạng, bối cảnh và gợi ý một số định hướng phát triển Thể dục thể thao của tỉnh trong tình hình mới. Ông nhận định, những năm qua Bình Dương có những điều kiện thuận lợi về chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy TDTT phát triển nhanh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần phân tích rõ, đánh giá khoa học, logic những "tiềm năng" phát triển TDTT của tỉnh để làm cơ sở cho việc điều chỉnh định hướng, xây dựng giải pháp phù hợp, hoạch định chính sách cụ thể nhằm phát triển bền vững TDTT tỉnh đến năm 2030. Do đó, Bình Dương cần chú trọng phát triển thể thao học đường và những môn thể thao chủ đạo, nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm.
Vai trò của y học giấc ngủ trong phát triển thể thao thành tích cao, thực trạng và giải pháp tại tỉnh Bình Dương của GS.TSKH Dương Quý Sỹ - Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam đề cập đến vai trò của y học giấc ngủ trong thể dục thể thao chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Một số phương pháp giúp vận động viên thành tích cao bảo đảm sức khoẻ giấc ngủ tốt và đề xuất các giải pháp chính sách phát triển y học giấc ngủ trong chăm sóc sức khoẻ toàn diện vận động viên thành tích cao tại Bình Dương.
Hay một số vấn đề lý luận và phương pháp quản lý phát triển thể thao thành tích cao - thể thao chuyên nghiệp của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ, Thể hình Việt Nam đã đề cập khái quát thể thao thành tích cao, sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đối với Thể dục thể thao, đặc điểm của thể thao thành tích cao, quản lý công tác phát triển thể thao thành tích cao, xu thế phát triển của thể thao thành tích cao thế giới và nghiên cứu bổ sung điều chỉnh một số vấn đề của thể thao Bình Dương và gợi ý một số nội dung cần thực hiện thời gian tới.
Môi trường văn hóa - con người và tác động của khoa học công nghệ 4.0 đến thể thao thành tích cao; phân tích môi trường Văn hóa thể thao; tác động của KHCN 4.0 đến văn hóa thể thao thành tích cao (lấy môn bóng đá làm dẫn chứng) và nêu các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa thể thao nhằm phát triển nguồn nhân lực cho Thể thao thành tích cao - thể thao chuyên nghiệp của PGS.TS Phạm Ngọc Viễn - Trưởng Ban Cấp phép, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Bài phát biểu về Xã hội hóa TDTT, nhiệm vụ giải pháp – ý nghĩa giá trị và chia sẻ về Vai trò của việc đào đạo và một số giải pháp mang tính định hướng đối với đào tạo nguồn nhân lực TDTT tại Bình Dương của PGS.TS Lê Thiết Can - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TP.HCM.
Đặc biệt các thành viên tham dự toạ đàm rất ấn tượng với phần trình bày về “Định hướng quy hoạch TDTT trong tổng thể Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ đến 2030, tầm nhìn đến 2050” của ông Nguyễn Hồng Hải – Kiến trúc sư trưởng Tổng Công ty Becamex IDC. Chia sẻ tại toạ đàm ông Hải cho biết, theo định hướng chung của Quy hoạch tỉnh, bản quy hoạch đề xuất việc tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành dịch vụ thông qua phát triển một khu phức hợp văn hoá - thể thao, y tế, giáo dục đào tạo cấp vùng với diện tích tổng thể 1.500 hecta. Đây là một khu phức hợp đa chức năng mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, hướng tới mục tiêu phục vụ cộng đồng. Trong đó, Khu liên hợp văn hoá thể thao có diện tích 250 hecta; quần thể trung tâm hội nghị triển lãm 150 hecta; Công viên kinh doanh, khu thương mại dịch vụ 100 hecta. Phát thảo gợi ý các hạng mục Khu liên hợp văn hoá thể thao với các phân khu: Cụm Sân vận động; Cụm nhà thi đấu; Cung thể thao dưới nước, hồ bơi, khu vui chơi giải trí; Cụm sân thi đấu tennis; Sân tập bóng đá; Đường chạy thể thao; Các không gian mô phỏng, thể thao trong nhà, thể thao điện tử; Các trung tâm, cơ sở đào tạo thể thao; Cụm nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn,... Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang ở các bước cuối cùng để trình các cấp phê duyệt theo quy định.
Cạnh đó, PGS.TS Trần Tuấn Hiếu - Phó Viện Trưởng, Viện Khoa học TDTT Việt Nam có trao đổi về thực trạng phong trào thể dục thể thao của công nhân lao động tại một số khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Phát biểu của TS Nguyễn Thị Hiền Thanh - Trường Đại học Hoa Sen về Nhu cầu tiêu dùng thể thao và nguồn kinh phí đầu tư cho TDTT. Cùng với đó là các bài tham luận gửi về Ban tổ chức rất chất lượng, có giá trị thực tiễn cao, phù hợp với xu thế phát triển mới của ngành.
Không ngừng tiếp thu, vận dụng phù hợp, tạo đà phát triển
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp trực tiếp trong buổi Tọa đàm và các bài tham luận, Ban tổ chức có những đúc kết cho chiến lược phát triển TDTT trong thời gian sắp tới như: Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Đề án Phát triển Thể dục thể thao tỉnh Bình Dương giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030 đã đề ra. Tiếp tục tăng cường tuyền truyền để cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân hiểu được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong phát triển thể dục thể thao, từ đó thu hút được sự quan tâm, tham gia chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT và phát huy tính chủ động, tích cực của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao, có phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên, sau các hoạt động có sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng và rút kinh nghiệm để đưa thể dục thể thao phát triển mạnh.
Từ đó, phối hợp thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Đào tạo vận động viên phải thực sự được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách, kế hoạch phát triển TDTT nhằm bồi dưỡng và phát huy tài năng cho tỉnh, góp phần nâng cao trình độ thể thao, năng lực vận động viên phục vụ cho mục tiêu hòa nhập với nền thể thao tiên tiến của thế giới. Ngành thể thao tích cực phối hợp với các đơn vị, tham mưu hoàn thiện quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó chú trọng hình thành Khu Liên hợp Văn hóa thể thao, đảm bảo cơ sở vật chất TDTT xứng tầm với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Thường xuyên tự đổi mới, tự điều chỉnh và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TDTT nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác phát triển TDTT của tỉnh Bình Dương.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành nhận định, bên cạnh những thành quả đạt được, ngành TDTT vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển. Số lượng các công trình TDTT đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao còn thiếu, chưa đảm bảo theo quy định chung. Nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập của VĐV các tuyến còn nhiều hạn chế. Công tác xã hội hoá TDTT dù có kết quả bước đầu khả quan nhưng vẫn còn hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện. Cơ chế, chính sách hữu hiệu để thu hút đầu tư xã hội hóa lĩnh vực TDTT, đặc biệt là thể thao thành tích cao vẫn còn khó khăn, các thiết chế văn hóa thể thao chưa phát huy hiệu quả. Công tác lập quy hoạch sử dụng đất cho các công trình TDTT tuy đã được thực hiện, nhưng triển khai xây dựng công trình còn chậm; nhiều địa phương đất quy hoạch cho hoạt động TDTT ngày càng thu hẹp, có nơi gần như không còn. Thành tích các môn trong chương trình thi đấu Olympic vẫn còn hạn chế.
Tiếp nhận các ý kiến chia sẻ đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành khẳng định, đây sẽ là những gợi ý quan trọng về định hướng và giải pháp góp phần thúc đẩy TDTT Bình Dương phát triển nhanh và bền vững.
Có thể nói, sự thành công của Tọa đàm cộng hưởng với kết quả 03 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển TDTT tỉnh Bình Dương giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030 là tiền đề quan trọng, cơ sở đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển TDTT tỉnh Bình Dương trong thời gian tới theo đúng kế hoạch. Thông qua Tọa đàm, mô hình về một nền thể thao Bình Dương phát triển mạnh mẽ đang được định hình trên cơ sở tiếp thu, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Đề án một cách phù hợp, cập nhật nhiệm vụ và giải pháp nhằm triển khai Đề án giai đoạn tiếp theo đạt chất lượng và hiệu quả, góp phần quan trọng đưa thể thao Bình Dương vươn lên tầm cao mới, đóng góp tích cực hiệu quả vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh của toạ đàm: