Không khí thi đấu sôi nổi từ 8 giờ sáng thu hút rất đông khán giả theo dõi và cổ vũ. Bàn thi đấu được thiết kế rất đặc biệt với thành bàn được che 4 cạnh để tránh bóng lăn ra ngoài và có 2 "gôn" là phần khoét hình bán nguyệt ở 2 đầu bàn - cũng là vị trí đứng thi đấu của VĐV.
Khi thi đấu, các VĐV đều phải bịt kín mắt để đảm bảo công bằng, dùng vợt dài và quả bóng có đính chuông ở bên trong để phát ra âm thanh nhằm giúp VĐV biết được vị trí. VĐV sẽ tìm cách cản bóng không lọt vào gôn của mình và đưa bóng vào gôn đối phương. Trọng tài và thư ký đứng ngay sát bàn bóng để quan sát, ghi điểm và trợ giúp các VĐV khi cần thiết.
Đây là giải thi đấu bóng bàn đặc biệt vì người bình thường thì xem dễ dàng, nhưng còn khán giả là người khiếm thị phải nhập tâm như VĐV. Một đặc thù khác là khi trận đấu diễn ra, mọi người phải giữ yên lặng để VĐV theo dõi được quả bóng nhờ âm thanh phát ra để ngăn cản hay tấn công.
Trận tranh nhất nhì giữa VĐV Vũ Thuỷ (Hà Nội) và Đinh Văn Hậu (Hưng Yên) kịch tính đến những giây cuối cùng. Khán giả đồng lòng cổ vũ cho cả hải bởi các đòn tấn công phòng ngự vừa thông minh vừa bất ngờ khó đoán liên tục được tung ra.
Kết quả chung cuộc, VĐV Phạm Văn Thông (Ninh Bình) và Phạm Trung Sơn (Ninh Bình) đồng giải Ba, VĐV Vũ Thuỷ (Hà Nội) giành giải Nhì, VĐV Đinh Văn Hậu (Hưng Yên) giành giải Nhất.
PCT thường trực Hội người mù tỉnh Ninh Bình, bà Đinh Thị Lương, đã chúc mừng các VĐV và đọc diễn văn bế mạc, thể hiện lòng tin của đơn vị chủ nhà vào tình đoàn kết, tinh thần thể thao cao thượng, đồng thời bày tỏ mong muốn được tiếp tục tổ chức các giải đấu bổ ích cho cộng đồng người khiếm thị trong thời gian tới.