Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá ở khu ổ chuột Brazil - Những sân bóng của ma túy, súng đạn & bạo lực
Văn Hòe • 07:13 ngày 01/06/2014
Pằng! Pằng! Pằng!... loạt đạn AK-47 vang lên sau khi cầu thủ V.A Clube ghi bàn. Nhưng loạt đạn ấy không nhắm vào ai mà… chỉ bắn lên trời để ăn mừng bàn thắng. “Vua bóng đá” Pele nói đúng: “Ở Brazil, một kẻ ăn cắp hèn nhát hay một tên cướp nguy hiểm nhất cũng yêu bóng đá”.
    ĂN MỪNG BẰNG AK - 47

    Chiều Chủ nhật ngày 4/5/2014, trên sân bóng của Vila Alianca - một favela (khu ổ chuột) ở phía Tây thành phố Rio de Janeiro - diễn ra trận bán kết Vila Alianca Cup - giải nghiệp dư giữa chủ nhà V.A Clube và đội khách Bacardi Futebol.

    Sân bóng không có khán đài, các CĐV ngồi trên những thùng bia Pilsner để cổ vũ. Đám CĐV chủ nhà, gã nào cũng bặm trợn, mặt mũi cô hồn. Một số tên còn đeo lủng lẳng khẩu AK-47 hay tiểu liên M16 trên lưng.

    Sân bóng của Vila Alianca nằm cạnh ngay một nhà thờ Tin lành nên theo Flora Charner và Alan Lima, 2 phóng viên duy nhất của Aljazeera có mặt để... tác nghiệp kể lại thì: “Đám CĐV không ngừng la hét, văng tục và chửi bới. Những lời lẽ tục tĩu của họ hòa quyện với những bài... thánh ca vang ra từ nhà thờ Tin lành”.

    Khi trận đấu chỉ còn ít phút, đội trưởng Anderson Nascimento tung ra đường chuyền dài từ giữa sân, và tiền đạo Little Marcos tận dụng cơ hội sút tung mành lưới đối phương, gỡ hòa 1-1. Tỷ số vừa đủ để cho V.A Clube lọt vào trận chung kết Vila Alianca Cup.

    Pằng! Pằng! Pằng!... không cần phải đếm, đúng 40 phát đạn AK-47 được xả khỏi nòng hướng thẳng lên trời. Xả xong loạt đạn ấy, từ trên chiếc ghế cao nhất được xếp bởi vài thùng bia Pilsner, gã bắn AK-47 nhảy xuống sân, ôm Anderson Nascimento cùng đồng đội ăn mừng. 

    Nổ súng mừng bàn thắng

    Lúc ấy sau lưng gã vẫn là khẩu AK-47. Gã đó còn trẻ, trạc ngoài 30 tuổi nhưng là một thủ lĩnh băng buôn bán ma túy lớn nhất Vila Alianca, ông chủ V.A Clube, đội bóng mặc trang phục truyền thống Vàng-Xanh của Selecao.

    ĐỘI BÓNG CỦA DONO

    Khu ổ chuột Vila Alianca mọc lên năm 1964 bởi những gia đình đến từ các favela thuộc phía Nam bang Rio de Janeiro. Nó có cái tên Vila Alianca sau khi Tổng thống Mỹ, John F. Kennedy thông qua một chương trình phát triển kinh tế cho các nước Mỹ Latin mang tên “Alliance for Progress”.

    Từ cuối những năm 1970, ma túy từ Bolivia tràn về Rio de Janeiro và Vila Alianca trở thành địa điểm chiến lược về giao dịch ma túy của các băng đảng. 30 năm sau, Vila Alianca được kiểm soát bởi Third Pure Command (TPC), một trong những băng lớn nhất ở Rio.

    Những túi nhỏ cần sa, cocaine được bán ở các favela gọi là “boca de fumo”. Hầu hết thanh niên ở favela Villa Alianca đóng vai trò như những người lính, họ được trang bị tiểu liên AK-47 hoặc M16 cùng bộ đàm để bảo vệ băng nhóm. Đám này được gọi là “guard the boca” hay “boca”. Trên đỉnh của “kim tự tháp” favela dĩ nhiên là ông trùm, được suy tôn là “dono”.

    Các dono thường là mục tiêu của cảnh sát hoặc các băng đảng đối lập, bị bắt, giết chết thường xuyên. Nhưng cứ dono này chết thì lập tức có dono khác nổi lên thay thế. Đó là lý do “Bố già” hiện tại ở Vila Alianca chỉ ngoài 30 tuổi. Dono yêu bóng đá, sở hữu V.A Clube ấy có biệt danh Padrinho, một gã du đãng sinh ra và lớn lên ở Vila Alianca.

    XẢ SÚNG NHƯNG KHÔNG ĐỔ MÁU

    Hơn 100.000 dân ở Vila Alianca cũng như các favela khác thuộc Rio de Janeiro, chẳng mấy khi họ có dịp tới Maracana xem bóng đá, dù họ sống rất gần sân đấu huyền thoại này. Maracana và World Cup lại là giấc mơ xa xỉ với họ. Thế nên, dân favela chỉ có thể thỏa mãn niềm vui và tình yêu bóng đá với những đội bóng của các trùm ma túy với những cầu thủ nghiệp dư như V.A Clube.

    Nhận thấy nhu cầu bóng đá rất lớn của dân nghèo favela ở Rio, năm 2011, Franklin Ferreira - một giáo viên giáo dục thể chất kiêm thành viên Craques da Vida, một tổ chức phi chính phủ về phát triển thể thao và bóng đá ở các khu ổ chuột quyết định thành lập ra các giải đấu nghiệp dư, tiêu biểu như Vila Alianca Cup. Mỗi đội tham dự phải đóng phí 330 USD và đội vô địch nhận thưởng 15.000 USD.

    Nhưng tại một giải đấu nghiệp dư, không có công tác an ninh, từ ông chủ, cầu thủ cho tới CĐV, phần đông đều là… băng đảng, vũ khí lại được mang tới sân thì liệu có “đổ máu” khi xảy ra mâu thuẫn - điều thường thấy trên sân cỏ?

    Theo Franklin Ferreira, giải đấu ở favela còn… an ninh hơn cả hệ thống giải đấu chuyên nghiệp ở Brazil. Bởi không kẻ quá khích nào dám “nổi loạn” khi mà trực tiếp những dono như Padrinho cùng đàn em cầm AK-47 bảo vệ.

    Ferreira thổ lộ với Aljazeera: “Trong một trận đấu thuộc Vila Alianca, một tên gangster say rượu có tên Falcao nhảy vào sân quấy rối. Lập tức AK-47 và M16 chĩa vào ngực hắn ta. Tôi phải vào sân bảo vệ hắn và xin lỗi các dono. Nhưng tôi chỉ có thể đảm bảo tính mạng cho những tên như Falcao trên sân cỏ. Còn ngoài sân, mọi chuyện nằm ngoài khả năng của tôi”.

    GIẤC MƠ Ở FAVELA

    Hầu hết những đội bóng ở các favela tại Rio de Janeiro là của những ông trùm ma túy. Tuy nhiên, không phải cầu thủ nào cũng là thành viên của băng đảng. Họ gia nhập những đội bóng như V.A Clube chỉ để thỏa mãn đam mê và những “dono” sở hữu đội bóng như Padrinho cũng không dùng quyền lực de dọa cầu thủ của mình phải trở thành “boca”.

    Luis Cabral - chiến hữu của Padrinho thổ lộ với Aljazeera: “Nếu bạn muốn chơi bóng, bạn sẽ là người của Padrinho. Nếu bạn không muốn nữa, bạn tự do ra đi”. Đội trưởng V.A Clube, Nascimento cho biết: “Nếu bạn hỏi bất cứ đứa trẻ nào ở favela về giấc mơ của chúng, bạn sẽ nhận được 1 trong 3 câu trả lời: cầu thủ bóng đá, vũ công samba hoặc dono của favela. Với tôi, tôi muốn trở thành cầu thủ bóng đá”.

    Nascimento 25 tuổi, anh đã có vợ và 1 con gái mang tên Allyce. Nascimento không mơ ước gì hơn ngoài V.A Clube. Nhưng những đồng đội trẻ hơn, tiêu biểu như tiền đạo 16 tuổi, Little Marcos thì xem V.A Clube như một nơi luyện rèn để mơ ước trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai.

    Đội trưởng V.A Clube và con gái

    Franklin Ferreira nói: “Trong môi trường mà con người ta phải sống bằng buôn bán ma túy, cướp bóc và đâm chém, bóng đá là thứ duy nhất hướng thiện cho những đứa trẻ như Little Marcos, là con đường duy nhất có thể cứu cuộc đời chúng ra khỏi đói nghèo và tội ác”.

    Bóng đá là con đường duy nhất. Thế mới có chuyện, từ Leonidas, Pele cho tới Neymar… thời nào favela cũng sản sinh cho bóng đá xứ Samba những anh tài.
    Bình luận
    Cùng chuyên mục
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội