Bóng Đá Plus trên MXH

Lê Đức Tuấn & SEA Games 22: Vẫn mong có lần thứ hai!
Trung Dũng (ghi) • 09:41 ngày 03/12/2013
“Cách đây đúng 10 năm, cũng vào những ngày đầu tháng 12 này, tôi được HLV Alfred Riedl điền tên vào danh sách đội tuyển U23 Việt Nam tham dự SEA Games 22. Với tôi, đây là giải đấu không thể nào quên, bởi nó không chỉ là kỳ SEA Games duy nhất tôi tham dự, mà còn mang đến cho tôi trải nghiệm lớn nhất đời người…”, hậu vệ Lê Đức Tuấn mở đầu câu chuyện.
    GIẤC MƠ CÓ THẬT
    Năm 2003, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai SEA Games . Với lợi thế sân nhà, U23 Việt Nam đặt mục tiêu hiện thực hóa “giấc mơ vàng” để thỏa lòng mong đợi của người dân cả nước. Vì thế, từ khá lâu trước SEA Games 22, các đợt tuyển chọn, thanh lọc nhân sự của U23 Việt Nam đã diễn ra với những yêu cầu rất cao.

    Năm ấy, tôi mới 21 tuổi và thời gian đầu lên tập trung, chuyên môn của tôi bị thầy Riedl đánh giá là còn “non”. Nhưng tôi không chán nản, ngược lại, tôi tập trung tối đa trong tập luyện. Điều này cuối cùng đã được thầy Riedl ghi nhận.

    Gần đến SEA Games 22, ông gọi tôi đến và bảo: “Cậu đã làm tôi thay đổi suy nghĩ ban đầu. Tôi công nhận, cậu là một trong những cầu thủ có sự tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua. Cậu sẽ có suất dự SEA Games 22”.


    Lê Đức Tuấn (bìa trái) và đồng đội nhận HCB tại SEA Games 22

    Đối với tôi, việc được khoác áo U23 Việt Nam tại kỳ SEA Games đầu tiên diễn ra trên sân nhà là một giấc mơ có thật. Sự hưng phấn không chỉ mình tôi có mà dường như nó tồn tại trong mỗi thành viên của đội nhà. Vì thế, chúng tôi nhanh chóng bước qua vòng bảng sau khi hòa Thái Lan (1-1), thắng Indonesia (1-0) và Lào (1-0). Dù chỉ được thi đấu trận gặp Lào, nhưng với một cầu thủ trẻ như tôi, chừng đó cũng đủ để cảm thấy tự hào.

    Tại bán kết, dù trải qua màn rượt đuổi tỷ số (4-3) nghẹt thở với Malaysia, nhưng cái cách mà U23 Việt Nam đánh bại đối thủ đã thực sự đưa hy vọng giành HCV lên tới đỉnh điểm.

    SỰ NGHIỆT NGÃ CỦA BÓNG ĐÁ
    U23 Việt Nam tiến vào trận chung kết với Thái Lan khi đội hình chính khuyết mất vị trí hậu vệ trái do Văn Trương bị treo giò. Trước trận chung kết, Lâm Tấn là người đầu tiên được cân nhắc (vốn là dự bị số 1 cho Văn Trương), nhưng khi nói chuyện với HLV Riedl, Lâm Tấn đã chủ động xin ngồi ngoài. Sau đó, HLV Riedl hỏi Minh Phương (khi ấy thường đá hậu vệ phải) xem có sẵn sàng sang đá cánh trái hay không, nhưng Minh Phương nói rằng anh khó chơi tốt nếu như phải thi đấu “trái giò”.

    Là người cuối cùng được HLV Riedl hỏi, tôi xung phong nhận nhiệm vụ ngay dù chưa từng đá hậu vệ trái. Ở trận chung kết, tôi cảm thấy mình nhập cuộc không tệ và lối chơi của cả đội cũng khá tích cực. Nhưng ở đời không ai biết được chữ ngờ: Chỉ một tình huống phán đoán sai lầm, tôi đã làm cả đội rơi vào thế bất lợi, còn bản thân thì không thể tự tin như lúc đầu. Đó là ở phút 32 của trận đấu, Thái Lan tấn công bên cánh phải của U23 Việt Nam, tiền vệ của họ đi qua được Minh Phương nên 2 trung vệ Huy Hoàng, Duy Hoàng phải băng ra truy cản. 

    HLV Riedl

    Tôi là hậu vệ trái nên cũng phải bó vào trung lộ để bọc lót. Đúng lúc đó, đối phương tạt bóng sang cánh trái, tôi phán đoán không chuẩn đường đi của trái bóng nên không thể cản phá. Bóng đến chân tiền đạo Sarayoot và cầu thủ này dễ dàng có bàn mở tỷ số khi đối mặt với Thế Anh.

    Dù sau đó, U23 Việt Nam có bàn gỡ hòa ở phút 90+1 của Văn Quyến và chỉ chịu thua Thái Lan ở hiệp phụ, nhưng có lẽ, nếu không có sai lầm của tôi, mọi thứ đã khác?! Sau trận đấu ấy, không chỉ khán giả trút giận về phía tôi bằng những lời trách móc mà chính bản thân tôi cũng dằn vặt, tự trách mình. Hãy thử tưởng tượng xem, 2 năm sau, có CĐV đến sân Hàng Đẫy xem V-League mà vẫn mắng tôi là “tội đồ”! Vậy thì, thời điểm ngay sau trận chung kết SEA Games 22, tôi đúng là đã rơi xuống vực thẳm.

    “HÃY ĐỨNG LÊN VÀ LÀM NGƯỜI CÓ ÍCH!”
    2 ngày sau trận chung kết, tôi đã tuyệt vọng và định tìm đến ba tôi (cựu danh thủ Lê Khắc Chính) để nói rằng: “Con đầu hàng, con muốn nghỉ chơi bóng vì không thể chịu nổi nữa”.

    Nhưng không hiểu vì sao, những lời động viên của HLV Riedl sau trận đấu cứ lặp đi, lặp lại trong đầu tôi và không cho phép tôi gục ngã. “Hãy quên trận đấu đi! Cậu còn cả sự nghiệp phía trước! Với những gì tôi biết về cậu, tôi tin cậu là người có đủ nghị lực để trở thành một cầu thủ tốt!”.

    Từ năm 2003 tới giờ, tôi vẫn luôn nhớ câu nói ấy và quyết cho mọi người thấy mình không phải là kẻ bỏ đi. Đã 10 năm qua, tôi tin là mình đã nỗ lực để đứng vững dù sự nghiệp không phải lúc nào cũng yên bình. Tôi chỉ tiếc rằng, từ sau trận chung kết năm ấy, tôi chưa có lần nào trở lại đội tuyển, để sửa chữa sai lầm và trực tiếp nói lời xin lỗi NHM… 
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội