Bóng Đá Plus trên MXH

TTCN Hè 2014: Vì sao các hậu vệ tăng giá mạnh?
06:24 ngày 08/09/2014
Hàng loạt thương vụ đầu tư đình đám đã được thực hiện trong Hè 2014, với đích đến không chỉ là các cầu thủ tấn công mà là cả các hậu vệ. Một sự biến chuyển mạnh trên thị trường chuyển nhượng. Và nó dường như đã đánh dấu một mốc son dành cho các cầu thủ phòng ngự…
    HẬU VỆ TĂNG GIÁ CHÓNG MẶT
    Theo thống kê, trong 6 hậu vệ đắt giá nhất lịch sử chuyển nhượng, có tới 3 thương vụ được thực hiện ở Hè 2014. Trong số này, việc PSG chi 40 triệu bảng để chiêu mộ trung vệ David Luiz từ Chelsea chính là thương vụ chuyển nhượng kỷ lục dành cho một hậu vệ.

    Cũng theo một thống kê dựa trên 25 thương vụ chuyển nhượng đắt giá nhất ở 10 mùa giải gần nhất thì số tiền dành cho các hậu vệ đã tăng chóng mặt. Cụ thể, 25 thương vụ đắt giá nhất trên thị trường chuyển nhượng châu Âu Hè qua tốn của các CLB số tiền 786,2 triệu bảng. Và trong số này, có tới 239,7 triệu bảng rơi vào các hậu vệ, chiếm tỷ lệ 30,5%. Đó đều là những con số kỷ lục trên thị trường chuyển nhượng. Nó tăng gấp 10 lần so với 27,6 triệu bảng cho các hậu vệ  trong tổng số 847,9 triệu bảng (3,3%) ở 25 thương vụ chuyển nhượng đắt nhất mùa 2013/14.

    Có thể thấy sự tăng giá chóng mặt của hậu vệ qua trường hợp của trung vệ Mehdi Benatia. Mùa 2010/11, Udinese không mất đồng nào để đón Benatia về từ Clermont Foot của Pháp. Mùa 2013/14, Udinese đã thu lãi lớn khi bán trung vệ người Morocco này cho Roma để thu về 11,88 triệu bảng. Một năm sau, Roma bán Benatia cho Bayern để thu về tới 22,88 triệu bảng. Đây là số tiền kỷ lục mà Bayern chi cho một hậu vệ và Benatia cũng chính là hậu vệ đắt giá nhất trong lịch sử Bundesliga. Tất nhiên, không phủ nhận quá trình tăng giá của Benatia phụ thuộc nhiều vào màn trình diễn của cầu thủ này trên sân. Từ 1,06 triệu bảng ở mùa 2010/11, rồi 22,88 và sau một vài trận ở mùa 2014/15, giá của Benatia đã được định ở mức 24,64 triệu bảng. Đó là cả một sự thăng tiến vượt bậc.


    ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN
    Nguyên nhân rõ ràng nhất khiến cho việc các đội bóng phải chi nhiều tiền hơn để chiêu mộ hậu vệ chính là sự tăng giá của họ. Theo thống kê ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, giá trị trung bình của các hậu vệ đã tăng từ 1,8 triệu bảng/người lên 2,5 triệu bảng trong một thập kỷ qua. 

    Ngoài nguyên nhân trực tiếp này thì việc các đội bóng đã theo đuổi lối chơi tấn công trong suốt thời gian dài vừa qua khiến cho bóng đá châu Âu và thế giới thiếu đi những trung vệ xuất sắc. Điều này khiến nguồn cung luôn thấp hơn nhiều so với cầu, đẩy phí chuyển nhượng của các hậu vệ đã tăng mạnh. Theo nghiên cứu của Trung tâm CIES Football Observatory (Thụy Sỹ), các đội bóng đã chi tiền nhiều hơn hẳn so với giá trị thực của các cầu thủ, đặc biệt là hậu vệ. Cụ thể, trong danh sách 23 cầu thủ có phí chuyển nhượng trên 10 triệu euro mà CIES đánh giá là vượt giá trị thực, có tới 9 cầu thủ là hậu vệ. Trong khi ở danh sách những cầu thủ hậu vệ được mua dưới giá trị thực chỉ có Matthias Ginter (Dortmund) và Steven Caulker (QPR).

    Theo các chuyên gia, việc cầu thủ trẻ ưa chọn những vị trí trên hàng công hơn so với các vị trí phòng ngự cũng dẫn đến sự khan hiếm hậu vệ giỏi. Trong thời kỳ hoàng kim của mình (giai đoạn 2002 đến 2008 với 7 chức vô địch Ligue 1 liên tiếp), Lyon chưa từng chi quá 5,5 triệu bảng cho một tiền đạo. Theo chủ tịch Aulas, việc tìm và đào tạo một tiền đạo dễ hơn so với một hậu vệ. Và thực tế thì họ cũng cho ra mắt nhiều chân sút xuất sắc trong giai đoạn này như Sidney Govou, Karim Benzema, Ben Arfa hay Loic Remy. Ngược lại, Lyon từng chi 10 triệu bảng cho Eric Abidal, 8 triệu bảng cho Edmilson… để gia cố hàng thủ.


    THỜI CỦA CÁC HẬU VỆ 
    Bất chấp các nghiên cứu rất chi tiết của CIES, với mỗi cầu thủ thì đó cũng chỉ là một kênh để tham khảo. Những nghiên cứu này thực sự không có giá trị chính xác với mỗi cầu thủ, mỗi thương vụ chuyển nhượng. Câu hỏi đặt ra là phải chăng các hậu vệ đã được đánh giá cao hơn, hay những năm trước đây, họ đã bị đánh giá thấp? Có lẽ, cả 2 yếu tố trên đều đúng. 

    Để trở thành một hậu vệ giỏi ở thời điểm hiện tại, đòi hỏi các cầu thủ phải có những kỹ năng toàn diện hơn. Đối với các trung vệ, họ không những phải biết cản phá và thu hồi bóng mà còn phải biết giữ, chuyền bóng phát động tấn công. Hay với các hậu vệ cánh thì so với trước đây là hỗ trợ phòng ngự, dâng cao tạt cánh, nay họ còn phải phối hợp với các cầu thủ tuyến trên trong các tình huống tấn công, và cả ghi bàn.

    Có một thống kê tại Premier League khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Theo đó, trung bình mỗi trận bóng tại Premier League, các hậu vệ chạm bóng 55,1 lần, cao hơn cả các tiền vệ (51,1) và vượt trội so với các tiền đạo (29,5). Đó là những con số thuyết phục cho thấy vai trò của các hậu vệ nay đã thay đổi và họ cũng đóng vai trò lớn trong việc tổ chức lối chơi và cả trong tấn công. Để đáp ứng được những đòi hỏi này, các hậu vệ giờ đây phải thật toàn diện.

    Như vậy, không khó để thấy rằng thời của các hậu vệ đã đến và phí chuyển nhượng của các hậu vệ xuất sắc chắc chắn sẽ được duy trì ở mức cao trong những năm tới. Nó sẽ được duy trì cho tới khi cung gần chạm với cầu.

    Các hậu vệ chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân mua sắm

    TỶ LỆ SỐ TIỀN MUA HẬU VỆ 
    TRÊN TỔNG SỐ TIỀN MUA SẮM Ở 10 MÙA GẦN ĐÂY
    (Tính ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu)

    Nếu tính ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu thì tỷ trọng tiền đầu tư để mua hậu vệ của các CLB đã tăng vọt, từ mức chỉ chiếm 15% trong tổng tiền mua sắm ở mùa 2013/14 nay đã lên 27% ở mùa Hè 2014. Đây cũng là tỷ lệ cao thứ nhì trong 10 mùa trở lại đây. 

    “Bom tấn” liên tục nổ

    5 HẬU VỆ ĐẮT GIÁ NHẤT MỌI THỜI ĐẠI
    (in hoa là các thương vụ được thực hiện trong Hè 2014)

    Hè 2014, một loạt thương vụ bom tấn chiêu mộ các hậu vệ đã được thực hiện, chiếm đến 3 trên tổng số 5 thương vụ mua hậu vệ đắt giá nhất thế giới. Qua đó, có thể nói trong thời buổi hiếm hậu vệ chất lượng cao như hiện nay, các đội bóng phải trả những mức giá trên trời để mua được người theo ý muốn.
    Mạnh Đức • 06:24 ngày 08/09/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay