Ngoài các trận “knock-out” với Liverpool thì Man City gặp M.U trong trận derby Manchester, với ý nghĩa danh dự là chính. Với Tottenham, đấy lại là trận đấu mà đối phương phải dốc sức quyết chiến vì cuộc đua Top 4 ở Premier League.
Tóm lại, 4 trận đấu lớn sắp tới của Man City có ý nghĩa rất khác nhau, không loại trừ khả năng 2 trận gặp Liverpool cũng sẽ diễn ra trong hoàn cảnh, yêu cầu khác hẳn nhau (tùy theo kết quả của trận lượt đi). Vấn đề đặt ra: liệu Man City của Pep Guardiola có chuẩn bị đủ 4 cách tiếp cận khác nhau, cho 4 trận đấu “lớn” khác nhau?
Trên nguyên tắc, có thể là không. Thậm chí, đấy chưa chắc là vấn đề với Pep - người luôn nêu cao tính triết lý trong cách huấn luyện. Ông luôn hướng đến sự hoàn thiện trong một cách chơi định sẵn. Đội bóng của ông hễ đã ra sân là chỉ tập trung làm tốt phần việc định sẵn, chơi theo cách định sẵn, hơn là chơi theo hoàn cảnh, đối thủ.
Chẳng phải bao giờ triết lý của Pep cũng gặt hái thành công, dĩ nhiên. Họ đã thua 3-4 trên sân của Liverpool, dù từng đè bẹp đối thủ này đến 5-0 tại sân nhà. Ngoài trận thua Liverpool, những trận đấu bị xem là thất bại của Man City gần đây đều diễn ra trước những đối thủ yếu. Họ chỉ hòa Burnley, Crystal Palace ở Premier League, và bị Wigan loại khỏi FA Cup.
Man City của Pep thua triệt để trước Liverpool ở lượt về Ngoại hạng Anh
Có thể đấy chỉ là những bất ngờ thuần túy - tùy quan điểm. Nhưng rất rõ ràng, cả Burnley, Crystal Palace lẫn Wigan đều chẳng bao giờ đủ tư cách bàn về một triết lý bóng đá. Họ thậm chí không có nổi những nét đặc trưng riêng. Đấy chỉ là các đội thi đấu theo tình huống, hoàn cảnh là chính.
Đối thủ ra sao, hoàn cảnh cụ thể thế nào, họ sẽ chọn cách ứng phó tối ưu. Và gặp đúng “ngày của mình”, họ đều thành công trước Man City. Họ có khả năng chơi theo đối phương, chơi theo hoàn cảnh - và đấy lại chính là điều mà Man City sừng sững không có. Hoặc, không muốn có.
Bám riết vào con đường riêng và thành công nhờ luôn tiến được gần hơn đến sự hoàn thiện, đấy là đặc điểm của một đội bóng lớn, một tượng đài. Pep đang thành công với con đường này ở Premier League. Mùa bóng hiện thời đang tiến đến một kết cục hoành tráng, mỹ mãn, như mọi người đã thấy.
Nhưng cũng đâu phải là chuyện dễ dàng (Pep đã phải chấp nhận thất bại trong mùa đầu tiên ở Man City). Càng không thể có con đường dễ dàng như vậy, khi chúng ta bàn về Champions League. Cần nhớ: Liverpool chỉ mới là đối thủ ở vòng tứ kết.
Pep không phải mẫu HLV thay đổi theo từng trận đấu
Nói chung, triết lý bóng đá của Pep không hề chừa chỗ cho điều gọi là “biết người biết ta”. Cũng có thể ông luôn biết rõ điều này, chẳng qua ông không nói ra. Dù sao đi nữa, “biết” và “làm” cũng là hai chuyện quá khác nhau rồi. Dựa vào những gì luôn được thể hiện rất rõ, có thể kết luận: Pep và đội bóng của ông hầu như không bao giờ thi đấu tùy theo đối thủ, theo hoàn cảnh.
Đấy là một nhược điểm. Chẳng qua, khi Man City thành công (như sự thành công quá rực rỡ ở Premier League mùa này) thì họ che được nhược điểm ấy. Khi đó, Pep trở nên vĩ đại. Nhưng hình như bóng đá không dành quá nhiều chỗ cho những sự vĩ đại. Có bao nhiêu phần trong thành công lớn của Pep (cả sự nghiệp của ông nói chung) là do báo chí tô vẽ, hơn là do chính ông vĩ đại?
Hãy chờ xem câu trả lời, có khi chỉ nay mai thôi. Ở Champions League, nếu không phải là Premier League.