Ví như hồi Cảng Sài Gòn chuyển đổi phiên hiệu đã lấy tên Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn (trong đó Thép Miền Nam là nhà tài trợ). Nhắc chuyện ghép tên, phải nhắc tới đội bóng xứ Nghệ, ngày trước có cái tên như Pjico SLNA, Tài chính dầu khí SLNA. Gần đây, sau 20 năm chỉ dùng 1 cái tên thì đội bóng HAGL của bầu Đức bất ngờ “lắp” tên một đơn vị ngân hàng trước tên cũ.
Trên mạng xã hội đang có một câu chuyện vui như thế này. Nếu theo cách ghép tên thông thường, Thể Công Viettel đang… đảo ngược lại với truyền thống. Đúng ra phải tên là Viettel Thể Công bởi Viettel là một doanh nghiệp, một tập đoàn kinh tế, vốn được xem như nhà tài trợ. Như đã nói, tranh cãi này chỉ mang tính chất vui vẻ chứ chuyện CLB Viettel đổi thành Thể Công Viettel đã được Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội công bố và hẳn điều này đã được cân nhắc kỹ càng.
Thật khó vui vì kể từ ngày lấy lại cái tên Thể Công hào hùng, Thể Công Viettel cứ phú quý giật lùi. Cần phải nhắn mạnh, nếu làm phép tính quá khứ + hiện tại, Thể Công Viettel là một trong những đội bóng giàu thành tích bậc nhất Việt Nam. Cũng nói thêm, ngày chưa đổi tên, chính các cầu thủ của Viettel cũng nhận mình là “Hậu duệ Thể Công”. Sự đầu tư về tiền bạc và cả cho thương hiệu đã biến Viettel thành một đội bóng hùng mạnh. Thật đáng tiếc, giờ đây nhà vô địch V.League 2020 lại đang lún sâu dưới đáy bảng.
Ai chịu trách nhiệm cho thành tích kém cỏi của Thể Công Viettel hiện tại? Đây là câu hỏi đã được nhắc đến rất nhiều lần nhưng sau những câu trả lời “bởi, vì, thì, là, mà” thì mọi thứ đều rơi vào thinh không. Các CĐV chẳng buồn nhắc đến nên mới tếu táo nói rằng: Do phong thuỷ cả, phải đổi lại Viettel Thể Công mới hy vọng phất được. Đúng là khi thua có hàng tá nguyên do được đào xới mà quên đi rằng, vào lúc này nhà vô địch V.League 2020 cần phải hành động. Hành động không chỉ từ cầu thủ, Ban huấn luyện mà còn cả ở thượng tường, những người có tiếng nói quyết định của Thể Công Viettel.