Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
HLV Velizar Popov (Đông Á Thanh Hóa): 'Tôi ghét những kẻ hèn nhát'
Giành 3 danh hiệu trong 2 năm, hiện đang dẫn đầu bảng xếp hạng V.League 1 với Thanh Hóa, HLV Velizar Popov có thể nói là một trong những HLV nước ngoài xuất sắc nhất từng làm việc ở Việt Nam. Nhân dịp V.League 1 tạm nghỉ để nhường sân cho AFF Cup 2024, ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn của Bóng đá, và có những kiến giải sâu sắc về đội bóng của ông, về V.League cũng như triết lý huấn luyện của mình.
 
 

Phóng viên: Xin chào ông Popov, trước tiên xin chúc mừng ông với những thành công mà ông đã giành được với CLB Thanh Hóa. Tự ông có thấy bất ngờ với những thành công đó hay không?

HLV Popov: Xin chào, trước hết xin được cám ơn anh vì cuộc phỏng vấn này, tôi rất trân trọng điều đó. Thực lòng mà nói thì cho tới thời điểm này, chúng tôi cũng chưa làm được gì đặc biệt ấn tượng, bởi trong hai mùa giải trước cũng có nhiều vòng đấu chúng tôi dẫn đầu bảng xếp hạng hay đánh bại các đội bóng lớn ở V.League bằng một lối chơi ấn tượng.

Nhưng anh biết đấy, mỗi giải đấu đều là một cuộc đua marathon chứ không phải là một chặng nước rút, nên ở thời điểm hiện tại thứ hạng không nói lên bất kỳ điều gì. Điều quan trọng nhất là chơi thứ bóng đá chất lượng và giành được càng nhiều điểm càng tốt từ mọi trận đấu, bất chấp những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt trong suốt mùa giải.

Trong số những HLV đang làm việc ở V.League 1 thì ông có thể nói đang là HLV thành công nhất khi giành được 3 danh hiệu chỉ trong 2 năm trở lại đây. Ông nghĩ sao về điều này?

Cám ơn anh, nhưng thành công này không phải là của riêng tôi. Đó là thành công của cả đội bóng, đặc biệt là các cầu thủ, ngoài ra còn cả ban huấn luyện (tôi có những trợ lý huấn luyện viên người Việt Nam vô cùng tuyệt vời), đội ngũ y tế, và cả ban lãnh đạo câu lạc bộ. Cũng đừng quên các cổ động viên, những người đã luôn ở bên và động viên chúng tôi không chỉ khi chúng tôi chiến thắng mà cả trong những thời điểm khó khăn khi chúng tôi thất bại.

Mọi người, đặc biệt là giới truyền thông các anh cũng như cổ động viên của các đội bóng khác, đã rất ưu ái khi ghi nhận công lao của tôi trong những thành công của đội bóng, điều khiến tôi rất cảm kích. Nhưng đằng sau mỗi thành công luôn là công sức của cả tập thể, chứ không phải chỉ của bất kỳ cá nhân nào. Thế nên tôi luôn biết ơn tất cả mọi thành viên trong đội bóng cũng như trong câu lạc bộ, và tin rằng đóng góp của mỗi người trong thành công tới lúc này của đội bóng là như nhau.

 
 

Trước khi mùa giải này bắt đầu ông có nói rằng mục tiêu của Thanh Hóa là "tồn tại ở V.League do nguồn lực hạn hẹp". Nhưng lúc này đội lại đang dẫn đầu bảng xếp hạng sau 9 vòng. Có phải là ông "tung đòn gió" hay không?

Không, đó là thực tế với chúng tôi và cho tới nay thì cũng chưa có gì thay đổi cả. Cách biệt giữa đội đầu bảng với nhóm xuống hạng chỉ là 3 trận đấu thôi - nếu thắng thì anh lên đỉnh, còn nếu thua thì anh xuống đáy. Vì thế mục tiêu của chúng tôi là tập trung tối đa cho trận đấu tiếp theo để có thể giành được nhiều điểm số nhất có thể, dù là 3 hay 1 điểm, và đạt tới cột mốc 35 điểm trong thời gian ngắn nhất. Chỉ tới lúc đó thì chúng tôi mới có thể bình tâm và tự tin nghĩ tới những mục tiêu to tát hơn. Tôi hiểu tình trạng của chúng tôi rõ hơn ai hết, chúng tôi gặp hạn chế về chiều sâu lực lượng và không có nhiều lựa chọn trên băng ghế dự bị. Thế nên rất tiếc phải nói rằng chúng tôi không ở chung mâm, về mặt tiềm năng, với những đội bóng lớn nhất ở Việt Nam.

Ông đánh giá lực lượng hiện tại của Thanh Hóa ở đâu trong mặt bằng V.League 1?

Có rất nhiều đội bóng mạnh và giàu tiềm năng hơn chúng tôi, đặc biệt là Công An Hà Nội, Nam Định, Thể Công Viettel, Hà Nội FC và Bình Dương. Đó là 5 đội bóng hàng đầu mà chúng tôi không thể so kè được về tiềm lực tài chính, chiều sâu đội hình, chất lượng của các lựa chọn trên băng ghế dự bị trong trường hợp có chấn thương, treo giò, hay thậm chí chỉ là câu chuyện về tính cạnh tranh để các cầu thủ thúc đẩy lẫn nhau tiến bộ.

Ngoài ra còn một nhóm các câu lạc bộ giàu tiềm năng tài chính hơn, hoặc có sự liên kết với một số trong những hệ sinh thái bóng đá hùng mạnh nhất ở Việt Nam, và đấy cũng là những đội bóng mà tôi đánh giá là hơn chúng tôi về mặt tiềm năng và lựa chọn. Những đội bóng như Hà Tĩnh, HAGL, Hồ Chí Minh FC, Bình Định, Hải Phòng.

Tóm lại là tất cả những câu lạc bộ/ đội bóng mà tôi vừa nêu tên đều mạnh hơn chúng tôi ở nhiều mặt, ít nhất là trên giấy tờ, nhưng bóng đá thú vị ở chỗ anh có thể đánh bại những đội bóng ấy nhiều lần trên sân cỏ bất chấp họ được đánh giá cao hơn anh về mặt tiềm năng. Vào sân là cuộc chiến giữa 11 cầu thủ với 11 cầu thủ, và nếu có cơ hội được ganh đua một cách sòng phẳng 50/50, tất cả lại phụ thuộc vào các cầu thủ cũng như sự chuẩn bị của họ về mặt thể lực, kỹ thuật, chiến thuật và tâm lý. Đôi khi còn cả yếu tố may mắn nữa, nhưng với vận may thì anh cùng lắm chỉ thắng được 1 hay 2 trận thôi, không thể hơn.

 
 

Với những gì Thanh Hóa đã làm được, ông có điều chỉnh lại mục tiêu cho mùa giải này hay không? Tham gia cuộc đua vô địch hay có mặt trong Top 3 chẳng hạn?

Như tôi đã nói, giải vô địch quốc gia là một cuộc đua marathon, không phải là một chặng nước rút. Chúng tôi vì thế cần phải giữ được thái độ khiêm tốn và đôi chân trên mặt đất, phải làm việc chăm chỉ hơn và hiệu quả hơn - tại vì có nhiều người cũng làm việc chăm chỉ nhưng lại không hiệu quả - cũng có nghĩa là chúng tôi sẽ phải nỗ lực để tiến bộ sau từng ngày, từng buổi tập, từng trận đấu. Cách tiếp cận hợp lý phải là lên kế hoạch ngắn hạn cho trận đấu kế tiếp và rồi từng bước từng bước một chúng tôi cần phải cố gắng giành được kết quả tối đa từ mọi trận đấu, không cần biết là ở giải đấu nào - V.League, Shopee Cup hay Cúp Quốc gia.

Để Thanh Hóa có thể góp mặt trong top 3 hay tham gia cuộc đua vô địch, ông nghĩ đội bóng cần phải cải thiện những gì? Trước hết là về mặt lực lượng?

Như tôi đã giải thích, hiện tại có 5 câu lạc bộ mà chúng tôi không thể sánh được về mọi mặt, vì thế trong tương lai chúng tôi phải đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở tập luyện, vào những cầu thủ giỏi người Việt Nam ở độ tuổi phù hợp, những người sẵn sàng ra sân luôn hoặc chí ít là cạnh tranh cho một vị trí trong đội hình xuất phát. Chúng tôi đang sở hữu một số tài năng trẻ rất hay, nhưng chỉ với các cầu thủ trẻ thì anh không thể cạnh tranh và giành các danh hiệu được.

Anh cần có những cầu thủ có chất lượng tương đương cả trong đội hình xuất phát lẫn trên băng ghế dự bị - hãy nhìn vào đội ngũ dự bị của CAHN, Nam Định, Thể Công Viettel, Hà Nội FC, Bình Dương mà xem, anh sẽ hiểu điều mà tôi đang muốn nói và thực tế chúng tôi đang ở xa phía sau những đội bóng hàng đầu ấy tới mức nào.

Trước đây đã không dưới một lần ông lên tiếng phàn nàn về tham vọng cũng như tình trạng tài chính của Thanh Hóa. Lúc này đây có gì thay đổi hay không?

Tôi rất biết ơn câu lạc bộ vì đã trao cho tôi cơ hội được có mặt ở đây và làm việc trong môi trường bóng đá Việt Nam, và sau đó tôi cũng rất biết ơn họ vì những nỗ lực của họ trong ba mùa giải vừa qua để duy trì mọi thứ như bình thường. Vì thế tôi không muốn bình luận thêm về vấn đề này nữa, bởi vì tôi hiểu rất rõ những khó khăn mà câu lạc bộ phải đương đầu để có thể tạo ra sự ổn định về mặt tài chính cho đội bóng.

 

 

Không có được lực lượng tốt nhất nhưng Thanh Hóa vẫn chọn lối chơi rất chủ động, đặc biệt là ở khâu pressing sau khi mất bóng. Ông có nghĩ là mình hơi liều khi chọn cách chơi vốn dành cho những đội có đội hình chất lượng cao như thế không?

Đó là điểm mạnh của chúng tôi. Tôi là một người quyết liệt và tôi không thích chờ đợi. Một khi tôi đã muốn cái gì thì tôi sẽ cố gắng giành lấy nó cho bằng được và ngay lập tức. Trong bóng đá cũng vậy - nếu anh muốn thắng, anh phải đánh cược, anh phải chủ động, anh phải thống trị, anh phải kiểm soát càng nhiều càng tốt. Ngay cả khi không có được một lực lượng với trình độ cao nhất, nếu anh dũng cảm và không sợ hãi bất kỳ điều gì, anh có thể tạo ra một tinh thần tương tự trong đội bóng, trong các cầu thủ và họ sẽ trở nên gan dạ và dũng cảm hơn tất thảy. Bóng đá nhiều khi là trận chiến về tâm lý - nếu anh có thể gieo nỗi sợ hãi vào đối thủ, thì ngay cả khi họ được đánh giá là giỏi hơn, anh vẫn có cơ hội đánh bại họ.

Nhưng nói chung thì tôi ghét những kẻ hèn nhát, tôi không thích những cầu thủ sợ tới mức không dám chơi bóng. Sau tất cả thì đây chỉ là một trò chơi thôi, đâu phải là câu chuyện sống còn. Nếu anh sợ thì anh không thể nào chơi bóng ở trình độ cao được, không thể cạnh tranh và thành công được, đó là lý do tôi đang cố gắng đi trên lưỡi dao. Dù có lúc chúng tôi thua 0-5 thì đó cũng không phải là vấn đề với tôi, bởi vì thà thua 0-5 một lần còn hơn thua 0-1 năm lần.

Ông đã nói gì để các cầu thủ tự tin chơi theo cách đó?

Đó là cả một quá trình dài hơi, nhưng niềm tin vẫn luôn là yếu tố căn bản trong bóng đá hiện đại. Anh phải dạy được các cầu thủ - họ phải thấy rằng anh có kiến thức và rằng họ có thể học hỏi được thứ gì đó từ anh, bởi vì các cầu thủ thời nay thông minh hơn các thế hệ trước rất nhiều. Bây giờ họ có nhiều tài liệu, nhiều thông tin, nhiều trận đấu để xem và học hỏi. Bây giờ họ có thể đánh hơi ngay lập tức chỉ sau một vài buổi tập rằng huấn luyện viên là người có năng lực, có kiến thức, hay chỉ là một kẻ vớ vẩn chẳng biết chút gì.

Đó là bước đầu tiên. Rồi sau đó anh phải cho họ xem rất nhiều video và giải thích chính xác những gì mà anh muốn. Bước tiếp theo là thực hành tất cả những điều đó ở trên sân tập, bởi vì nếu anh chỉ cho họ xem video mà không tập tành gì thì cũng vô ích và sẽ chẳng có chút tiến triển nào. Bước tiếp theo anh phải cho các cầu thủ thấy là anh tin tưởng vào họ. Khi các cầu thủ cảm thấy huấn luyện viên có niềm tin nơi mình, họ có thể tạo ra được những điều kỳ diệu trên sân.

Vậy nên tóm lại, đó là một hành trình dài và anh sẽ cần thời gian để có thể gây dựng được niềm tin đó trong các cầu thủ, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là khiến cho họ cảm thấy thoải mái và không sợ phạm sai lầm, bởi vì sai lầm là một phần của trò chơi này cũng như của quá trình học hỏi. Ai cũng phạm sai lầm cả - tôi phạm sai lầm mỗi ngày - nên anh cần phải động viên họ để họ không sợ hãi, đồng thời cố gắng sửa chữa các sai lầm và không để chúng lặp lại.

 
 

Ông nghĩ là với cách làm bóng đá hiện tại, Thanh Hóa liệu có thể duy trì những thành công như thời gian vừa qua, trong trường hợp ông không còn là HLV của đội? Liệu đội đã xây dựng được một nền tảng đủ tốt hay chưa?

Nếu một ngày nào đó tôi rời đi, tôi tin chắc rằng đội ngũ huấn luyện hiện tại có thể tiếp nối những gì mà chúng tôi đang làm, tất nhiên là không quan tâm tới kết quả hay các danh hiệu bởi vì đó là điều chẳng ai biết trước được. Nếu đội bóng có thể giữ được những cầu thủ như hiện tại thì tôi không cho rằng đó là vấn đề, bởi tất cả các cầu thủ đều đã có sự chuẩn bị rất chu đáo về mặt thể chất, chiến thuật cũng như tâm lý và họ đều biết cần phải làm gì. Tôi rất tự tin rằng nền tảng của chúng tôi là rất tốt, nhưng vì chúng tôi không có được nhiều lựa chọn do thiếu chiều sâu đội hình, mỗi cầu thủ rời đi đều có thể gây ra một tác động tiêu cực ở một chừng mực nào đó. Sau hai mùa giải trước chúng tôi đã để mất một vài cầu thủ nội thực sự xuất sắc, nhưng sau tất cả thì đội bóng vẫn lớn hơn tất thảy, và một câu lạc bộ lớn thì không thể phụ thuộc vào một huấn luyện viên hay một vài cầu thủ.

Ông có can thiệp vào công tác đào tạo trẻ của CLB hay không? Theo đánh giá của ông thì đào tạo trẻ ở Thanh Hóa đang ở mức độ nào?

Không. Đây là vấn đề lớn nhất của câu lạc bộ bởi vì chúng tôi chưa có cơ sở tập luyện riêng. Học viện của chúng tôi không có được điều kiện tốt nhất để hoạt động và tôi cũng không thể theo sát quá trình tập luyện. Tôi hi vọng rằng chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ câu lạc bộ xây dựng một trung tâm tập luyện cho đội một cũng như học viện trẻ, bởi vì chúng tôi là câu lạc bộ duy nhất ở V.League không có sân tập riêng và phải tập luyện hàng ngày trên sân chính. Tôi chỉ có thể theo dõi các đội U19 và U21 khi diễn ra các vòng chung kết quốc gia ở những lứa tuổi này và hi vọng có thể từ đó chọn lựa ra những cầu thủ giỏi để đưa lên đội một. Ở thời điểm hiện tại chúng tôi đã có rất nhiều cầu thủ trẻ ở độ tuổi từ 18 đến 21 trong đội hình đội một. Một số cầu thủ như Thái Sơn, Ngọc Hà, Ngọc Mỹ, Châu Phi, Thanh Nam hay Anh Tuấn đã là những nhân tố quan trọng của đội một.

Ông từng nói rằng ông đã phải điều chỉnh lại kỳ vọng của mình sau một thời gian làm việc ở V.League? Cụ thể thì trước khi đến đây, ông đã kỳ vọng những điều gì?

Trước đây tôi không nghĩ là V.League lại khốc liệt đến vậy. Tôi từng có hai lần làm việc ở giải VĐQG Thái Lan, một lần làm việc ở giải VĐQG Malaysia. Tôi cũng theo dõi và đối đầu rất nhiều lần với các đội bóng Indonesia ở các giải đấu của AFC, ngoài ra cũng theo dõi giải Myanmar, Singapore, Campuchia. Nhưng không có giải đấu nào như V.League 1, nơi đội bóng nào cũng có thể đánh bại đội bóng nào ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào. Điều đó khiến tôi rất ấn tượng và đó là lý do tôi luôn nói rằng đây là một trong những giải đấu khó khăn nhất ở Đông Nam Á.

Ở Malaysia họ có đội JDT luôn thống trị giải đấu và có thể lên ngôi vô địch với chỉ một thất bại, thậm chí đôi khi không phải nhận bất kỳ thất bại nào. Ở Thái Lan những đội bóng ở nhóm trụ hạng không bao giờ có cơ hội đánh bại Buriram hay BG Pathum hay những đội bóng lớn khác trên sân của họ, nhưng ở Việt Nam thì ngay cả đội bét bảng cũng có thể hạ gục các nhà đương kim vô địch và mỗi trận đấu đều là một cuộc chiến khốc liệt. Trong ba mùa giải ở đây, tôi chưa bao giờ có được một trận đấu dễ dàng, chưa bao giờ. Không có bất kỳ giải đấu nào khác ở Đông Nam Á việc giành chiến thắng lại khó khăn đến như vậy. Đó là lý do tôi rất hài lòng với những gì mình đã làm được ở đây, bởi vì lúc này đây tôi đã hiểu mỗi điểm số có giá trị đến nhường nào.

 
 

Ông nghĩ vấn đề lớn nhất của Thanh Hóa nói riêng và V.League nói chung là gì?

Tôi đã đề cập tới vấn đề này rồi. Đó là cơ sở vật chất, là việc phải có thêm nhiều cầu thủ giỏi xuất sắc để có thể cải thiện chiều sâu của đội hình cũng như nâng cao tính cạnh tranh trong nội bộ đội bóng.

Bóng đá Việt Nam cần làm những gì để có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, hướng tới mục tiêu dự World Cup?

Đây là một câu hỏi quá phức tạp và tôi không thể một lúc trả lời luôn. Tôi sẽ cần nhiều thời gian hơn để phân tích mọi thứ một cách chuẩn chỉ qua đó giữ được sự khách quan của mình.

HLV Philippe Troussier từng muốn đội tuyển Việt Nam chơi kiểm soát nhưng thất bại. Ông có nghĩ rằng với trình độ hiện tại các cầu thủ Việt Nam có thể chơi được lối chơi này, nhất là trước các đối thủ mạnh hơn?

Với tôi thì đó là con đường duy nhất và là tương lai của bóng đá hiện đại. Nếu anh muốn cạnh tranh với những đội bóng mạnh nhất, anh phải biết cách chơi với trái bóng. Chỉ có một trái bóng trên sân và nếu anh có thể kiểm soát được nó, anh sẽ kiểm soát được mọi thứ - anh sẽ kiểm soát được cách di chuyển của đối thủ, anh sẽ kiểm soát được thể lực của họ bởi vì việc suốt cả trận đấu chỉ biết chạy theo quả bóng sẽ khiến các cầu thủ xuống sức nhanh chóng do họ không có cơ hội nghỉ ngơi.

Khi anh có bóng, anh có thể kiểm soát được nhịp điệu của trận đấu cũng như kiểm soát được khối lượng vận động của chính mình - ví dụ anh có thể giữ bóng bên cánh phải trong 1 phút sử dụng sơ đồ rondo (đá ma) với 3, 4 hay 5 cầu thủ, cho phép 4 hay 5 cầu thủ ở cánh đối diện được nghỉ ngơi một lúc. Tương tự như vậy khi chúng ta đổi cánh. Khi anh kiểm soát bóng ở khu vực phòng ngự, các cầu thủ tấn công của anh cũng sẽ có thời gian nghỉ ngơi và sẵn sàng cho những đợt tấn công bùng nổ tiếp theo.

Vậy nên nếu anh có thể chơi bóng một cách thông minh và giữ được trái bóng càng lâu càng tốt, anh có thể kiểm soát được mọi thứ, có thể di chuyển đối thủ theo cách mà anh muốn, có thể mở ra những khoảng trống trong hệ thống phòng ngự của họ. Tất cả những thứ này anh sẽ không thể nào kiểm soát được nếu chơi thứ bóng đá phòng ngự thụ động - anh sẽ phải chạy đuổi bóng, anh sẽ phải duy trì một khối đội hình chặt chẽ suốt cả trận đấu và đó là điều rất khó khăn từ góc độ thể lực. Từ góc độ chiến thuật thì anh cũng chẳng thể kiểm soát được gì nếu anh không có bóng, bởi vì khi đó anh sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng kỹ thuật của đối phương, nếu họ thực sự giỏi và không mắc sai lầm thì anh sẽ chẳng bao giờ có cơ hội.

Ở Việt Nam lúc này đang có rất nhiều cầu thủ thực sự giỏi về mặt kỹ thuật, đặc biệt là các cầu thủ trẻ, vì thế tương lai của các bạn sẽ là rất sáng sủa nếu các bạn theo đuổi triết lý bóng đá này. Còn nếu cứ chơi bóng dài hay chờ đợi cơ hội phản công hoặc các tình huống cố định, thì khi gặp phải những đối thủ mạnh hơn, đặc biệt là về mặt thể lực, anh sẽ chẳng có bất kỳ cơ hội nào. Cơ hội duy nhất của anh là chơi với trái bóng.

Nếu có cơ hội dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong tương lai ông có nhận lời không? Và nếu nhận lời, ông muốn xây dựng đội tuyển theo cách nào?

Tôi yêu Việt Nam và tôi vẫn còn nhiều dự định ở đây nhưng tôi sẽ không thể trả lời câu hỏi này bởi vì tôi tôn trọng huấn luyện viên hiện tại của đội tuyển. Sẽ là không đúng đắn nếu tôi đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này.

Xin cám ơn ông vì cuộc trao đổi này và chúc ông tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp và cuộc sống!

Cám ơn anh!

 
Thực hiện

Việt Cường

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay