Trần Tiến Đại xuất thân là cầu thủ trẻ tiềm năng của Trường năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM. Sự nghiệp bóng đá của ông Đại không có nhiều dấu ấn, sớm phải giải nghệ vì chấn thương đầu gối. Nhưng việc sớm chia tay bóng đá lại mở ra ngã rẽ mới với Trần Tiến Đại. Là người ham học hỏi (giỏi ngoại ngữ) và cầu tiến, ông Đại đã đi trước các đồng đạo một bước, khi sớm phát hiện nghề môi giới cầu thủ là mảnh đất béo bở, không thể thiếu của các nền bóng đá chuyên nghiệp.
Năm 2006, Trần Tiến Đại là một trong hai người Việt Nam đầu tiên đăng ký thi tuyển chứng chỉ người đại diện FIFA Agent tại Việt Nam. Dù bị trượt, nhưng sau đó ông Đại vẫn thành lập ra Công ty Đại Nguyên - chuyên môi giới, cung cấp cầu thủ cho các CLB Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam giai đoạn 2008-2011 chứng kiến làn sóng chuyển nhượng cầu thủ với giá trị được nâng lên một cách chóng mặt. Thời điểm đó, một cầu thủ tầm trung có mức lót tay khoảng 1,5 tỷ đồng/mùa; còn nếu gắn mác tuyển thủ hoặc trình độ cao hơn được định giá khoảng 2-3 tỷ đồng/mùa.
Nhân vật đứng sau các bản hợp đồng “bom tấn” và có vai trò quan trọng trong việc “thổi giá” cầu thủ chính là ông Trần Tiến Đại.
Đã có lúc, “cò” Đại có trong tay vài chục đến cả trăm cầu thủ đến từ Lục địa đen. Với nguồn “hàng” dồi dào, ông Đại còn sẵn sàng cung ứng cho thị trường Trung Đông đầy tiềm năng. Tất cả mọi sinh hoạt đều được lo từ A-Z, ngoài ra khi chưa thể kiếm được đội bóng, “những món hàng chờ xuất” luôn có thêm tiền tiêu vặt.
Chơi đẹp, lại có chuyên môn nhìn “giò” cầu thủ, Trần Tiến Đại nhanh chóng đánh bật các nhà môi giới nổi tiếng khác để trở thành “siêu cò” số 1 Việt Nam.
Tất cả các thương vụ đình đám nhất của bóng đá Việt Nam trước đây đều có bàn tay của Trần Tiến Đại. Thương vụ “triệu đô” của Samson từ Đồng Tháp ra Hà Nội T&T có sự sắp xếp của ông Đại. 8 tỷ đồng để đưa Việt Thắng từ ĐTLA ra V.Ninh Bình, hay bản hợp đồng 9 tỷ đồng của Như Thành từ B.BD về đội bóng Cố đô đều có dấu ấn của “cò” Đại.
Bên cạnh đó là thương vụ Phước Tứ, Huỳnh Kesley, Nguyễn Rogerio, Timothy, Samson... đều do “siêu cò” này đạo diễn với mức giá chuyển nhượng khủng khiếp.
Nhiều ý kiến cho rằng, ông Đại làm lũng đoạn nền bóng đá, thậm chí là phá nát nó. Tuy nhiên, với rất nhiều ngoại binh từng thành danh ở V.League hay giải hạng Nhất, thêm một số lượng đáng kể các ngôi sao nội đạt đến cột mốc chuyển nhượng chục tỷ đồng đều xem “cò” Đại là “ân nhân”. Cựu tuyển thủ Như Thành từng chia sẻ: “Chúng tôi phải cảm ơn anh Đại, người giúp định nghĩa lại giá trị thực sự của cầu thủ Việt Nam. Nhờ có anh Đại, các cầu thủ đã có cuộc sống tốt hơn”.
Không chỉ dừng lại ở việc mua bán cầu thủ, Trần Tiến Đại còn phát triển nghề nghiệp của ông lên tầm cao mới. Với quan hệ rộng rãi, lại có uy tín và “khéo mồm”, ông Đại từng được các ông bầu nổi tiếng của bóng đá Việt Nam như bầu Trường (V.Ninh Bình), bầu Thụy (Sài Gòn Xuân Thành) tin tưởng giao trọng trách lãnh đạo các đội bóng V.League một thời. Năm 2018, Trần Tiến Đại cũng tái xuất ngắn trên cương vị chủ tịch Sài Gòn FC trước khi rút lui về “ở ẩn” khỏi môi trường bóng đá Việt Nam.
XEM THÊM
Toàn bộ U19 Việt Nam âm tính với Covid-19, sẵn sàng tập luyện
HLV Troussier: ‘Tôi không gọi cầu thủ SLNA vì không nằm trong kế hoạch U19 châu Á 2020’