V.League đang chứng kiến những bản hợp đồng chuyển nhượng chưa từng có về giá trị. Những Hoàng Đức, Quang Hải, Văn Lâm đã ký những bản hợp đồng mang tính kỷ lục. Không chỉ là bản hợp đồng nhiều tỷ như trước nay, họ là chủ nhân những thương vụ nhiều chục tỷ đồng. Những giới hạn không tưởng đã bị phá vỡ. Chưa bao giờ người ta thấy các ngôi sao V.League được trải thảm đỏ đến vậy. Đi cùng với đó, các đội bóng cũng tung tiền chiêu mộ các ngôi sao gốc Việt, cầu thủ ngoại chất lượng cao.
Tiền chi cho chuyển nhượng ở nhiều đội bóng đang ở mức rất cao. Tiền được dùng để phá vỡ những rào cản về hợp đồng và tình cảm. Tiền thúc đẩy các ngôi sao phải chọn lựa và dấn thân bởi chưa bao giờ, giá trị của họ được xác định cao đến vậy. Cầu thủ được hưởng lợi nhờ cơn sốt trên thị trường chuyển nhượng. Đội bóng chứng tỏ được sức mạnh và vị thế nhờ những ngôi sao nhiều tỷ. Quan trọng hơn, họ đi con đường nhanh nhất, ngắn nhất đến thành công nhờ chiến lược mưa tiền cho chuyển nhượng.
Vậy nhưng, bên cạnh cơn say tiêu tiền thì V.League tồn tại một xu thế khác ở nhiều đội bóng. Đó là việc nhiều đội bóng chủ động đứng bên ngoài cuộc tranh mua trên thị trường chuyển nhượng. Họ dành niềm tin và cơ hội cho cầu thủ trẻ do chính mình đào tạo như trường hợp của Thanh Hóa, SHB Đà Nẵng hay HAGL. Họ chiêu mộ những cầu thủ phù hợp nhất về chuyên môn hay giá thành, kết hợp với sự tin dùng người trẻ như Thể Công hay Hà Nội, Hải Phòng đang làm. Mô hình chung của các đội bóng này là hướng đến sự ổn định về cấu trúc, chuẩn bị cho mùa giải mới với một chi phí thấp nhất, hợp lý nhất.
Mỗi đội bóng có một con đường để đi. Mỗi CLB có cách tiếp cận tương lai khác nhau. Và thêm nữa, từng đội bóng có tiềm lực khác nhau, kỹ năng quản trị riêng có nên họ lựa chọn mô hình phát triển sao cho phù hợp nhất với mình. Thành công hay thất bại không thể sớm khẳng định, và còn nhiều yếu tố tác động đến con đường đi của các CLB trong chặng đường sắp tới.