Bóng Đá Plus trên MXH

Nhận diện các đội mạnh qua danh sách sơ bộ
Phương Quyên • 14:39 ngày 31/05/2014
Danh sách sơ bộ của các đội mạnh trước thềm World Cup 2014 nói lên hai điều quan trọng. Thứ nhất: vấn đề không phải là ai sẽ dự World Cup, mà là những ai không được dự World Cup 2014.
    Trong lúc chờ xem các đội rút gọn danh sách sơ bộ xuống còn 23 cầu thủ, chúng ta đã biết chắc chắn Carlos Tevez (Argentina), Mario Gomez (Đức), Ashley Cole (Anh), Samir Nasri (Pháp), Ronaldinho, Kaka (Brazil)... không được tranh tài tại World Cup này. 

    Đấy là những vấn đề lớn, bởi ai cũng biết lối chơi của một đội bóng luôn phải đi liền với những con người cụ thể. Do vậy, chúng ta có thể hình dung điều quan trọng thứ hai từ những bản danh sách sơ bộ: quan điểm chuyên môn của các HLV đang chuẩn bị tranh ngôi vô địch World Cup. Argentina không dùng Tevez chẳng phải vì Tevez không đủ tài nghệ, mà vì anh không thích hợp với những kế hoạch đã được HLV Alejandro Sabella quyết định. Lối chơi của Đức không cần có Gomez. Lối chơi của Brazil cũng không cần sự đóng góp của Ronaldinho... Cụ thể là như thế nào?

    Anh sẽ chơi đòn bất ngờ?
    Trên nguyên tắc, ĐT Anh đã bị xếp vào “cửa dưới” so với Italia và Uruguay, nghĩa là xác suất để họ đi tiếp thấp hơn xác suất bị loại ngay sau vòng bảng. Còn trên thực tế, Anh không hề thua sút Italia (họ từng hòa nhau suốt 120 phút ở vòng tứ kết EURO 2012, Anh chỉ bị loại sau loạt sút penalty). 

    Cũng không dễ nói rằng Anh yếu hơn Uruguay, cho dù đây là đệ tứ anh hào của World Cup 2010, lại đang chuẩn bị đá trên “sân nhà” Nam Mỹ. Chẳng qua, người ta tìm mãi không ra được ưu điểm quan trọng nào để khả dĩ tin rằng Anh nhỉnh hơn Uruguay hoặc Italia. Và đấy chính là vấn đề!


    Muốn thành công, ĐT Anh phải thể hiện được cái ưu điểm mà cho đến lúc này, giới quan sát vẫn chưa... tìm ra. Nói cách khác, ưu điểm của Tam Sư có thể chính là chi tiết chưa ai biết nhiều về họ. Ít ra, có thể suy luận như vậy từ bản danh sách sơ bộ mà HLV Roy Hodgson coi như đã gút chính thức, thể hiện ở việc phân cả số áo cho 23 cầu thủ.

    Một ví dụ về tính bất ngờ: thiên hạ đã rõ thế nào là cặp tiền đạo tuyệt vời Daniel Sturridge - Luis Suarez của Liverpool. Nhưng còn cặp Sturridge - Wayne Rooney? Rất có thể HLV Hodgson sẽ dùng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, trong đó Steven Gerrard đá cặp với Jordan Henderson ở khu giữa sân, Adam Lallana và Raheem Sterling đứng ở 2 cánh, còn Rooney là tiền vệ cao nhất, coi như là tiền đạo lùi so với Sturridge. 

    Gerrard và Rooney đã khoác áo Tam Sư tổng cộng khoảng 200 lần. Ngược lại, số lần khoác áo ĐTQG của Henderson, Lallana, Sterling và Sturridge đều chưa vượt quá con số 10. Đấy sẽ là một sự kết hợp kỳ lạ. 

    Cựu danh thủ Sol Campbell nhận xét không sai: “Có một sự chênh lệch lớn cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm trong danh sách ĐT Anh”. Nhìn từ một khía cạnh nào đó, đấy có thể là một tập hợp mất cân bằng. Nhưng nhìn từ khía cạnh khác, đấy lại là một sự kết hợp không dễ đoán trước bất cứ điều gì. 

    Họ sẽ tấn công thế nào? Không dễ hình dung một con đường thắng, một bài bản cụ thể cho cái công thức nêu trên. Không thể nói rằng nhóm cầu thủ ấy sẽ ăn ý đến đâu. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chưa có câu trả lời cụ thể: đối phương sẽ phải tập trung phong tỏa Rooney, hay Sturridge, hay cả hai.

    Bức tranh mơ hồ về ĐT Anh hóa ra lại cũng có chỗ rõ ràng. Vì muốn chơi “đòn lạ” mà HLV Hodgson sẽ không dùng những gương mặt quen thuộc như Ashley Cole, Theo Walcott, Andy Caroll, Jermain Defoe, Ashley Young, Michael Carrick, Joleon Lescott...?

    Argentina trọng tấn công
    Không có đội nào chuẩn bị bước vào World Cup 2014 với sự chênh lệch quá lớn giữa công và thủ - từ lực lượng đến lối chơi - như Argentina. Một khi không thể, không cần, và cũng không nên thay đổi thực tế này, thì điều quan trọng nhất đối với HLV Alejandro Sabella chỉ là làm sao để tăng cường đến mức tối đa sở trường tấn công.

    Chẳng cần giới thiệu tài năng của Lionel Messi, Gonzalo Higuain và Sergio Aguero nữa. Vấn đề bây giờ chỉ là làm sao để bộ ba này phối hợp ăn ý đến mức hoàn hảo. Bước đầu, HLV Sabella đã làm một việc vô cùng quan trọng: bỏ luôn tiền đạo xuất sắc Carlos Tevez. 

    Với bộ ba sát thủ Aguero - Higuain - Messi, ĐT Argentina hứa hẹn sẽ chinh phục Cúp Vàng bằng sức mạnh tấn công

    Quá rõ ràng, Sabella muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với cặp Messi - Tevez mà ĐT Argentina từng dùng nhiều lần nhưng chưa bao giờ thành công. Ông cũng đã đi một nước cờ hay về mặt tâm lý. Ezequiel Lavezzi hoặc Rodrigo Palacio có thể chờ đợi cơ hội trong vai trò dự bị, nhưng chắc chắn bộ ba tiền đạo Argentina phải là Messi - Higuain - Aguero. Từ nay, bộ ba tiền đạo ấy sẽ chỉ yên tâm tập trung hoàn toàn vào nhiệm vụ chuyên môn của mình thay vì đề phòng mất chỗ trong trường hợp đội tuyển vẫn còn Tevez. Sabella đã ngầm tuyên bố: Tevez bị loại vì không “cùng tần số” với 3 tiền đạo vừa nêu.  Cũng có thể ngầm hiểu, Argentina sẽ phải lấy công bù thủ, phải cố tấn công ào ạt để hạn chế việc hàng thủ không mạnh của họ bị đối phương tấn công. Messi, Higuain, Aguero sẽ phải cố gắng ghi bàn nhiều hơn số bàn thắng mà đối phương ghi được

    Đức sẽ dùng “tiền đạo ảo”
    Cả bản danh sách sơ bộ gồm đến 30 cái tên mà chỉ có đúng 2 tiền đạo đích thực thì đây là điều xưa nay hiếm thấy trong bóng đá đỉnh cao. Kể cả khi TBN chơi theo sơ đồ 4-3-3-0 tại EURO 2012, họ vẫn có đến 4 tiền đạo trong danh sách 23 cầu thủ. Vậy thì, HLV Joachim Loew định làm gì với 2 tiền đạo hiếm hoi trong tay là Kevin Volland và Miroslav Klose?


    Volland (Hoffenheim, 22 tuổi, mới 1 lần khoác áo ĐTQG) coi như là “con số 0”, có thể bị gạt bỏ khi gút danh sách chính thức. Miroslav Klose thì lại quá già (dự World Cup ở tuổi 36), không thể bảo đảm vai trò trụ cột. Sự mời gọi của các kỷ lục ghi bàn cho ĐT Đức và ghi bàn trên đấu trường World Cup có thể trở thành động lực tuyệt vời cho Klose ở một vài tình huống cụ thể. Nhưng Loew không thể chọn một “kế hoạch A” như vậy.

    Việc bỏ Mario Gomez cho thấy Loew không muốn dùng mẫu tiền đạo thuần túy nữa. Tiền đạo Đức bây giờ sẽ phải phối hợp nhiều hơn thay vì chỉ chăm bẵm chớp cơ hội ghi bàn. Và rất có thể, Đức sẽ chơi với một “tiền đạo ảo”, dùng Mario Goetze (ảnh) chẳng hạn. 

    Cũng không phải ngẫu nhiên mà Loew đăng ký hơn chục tiền vệ. Bàn thắng cho Đức tại World Cup này sẽ đến từ các tiền vệ hơn là tiền đạo, và từ bất cứ tiền vệ nào trong đội hình. Klose ư? Anh đã vô cùng mãn nguyện nếu như kiếm được 2 bàn trên sân cỏ Brazil, thậm chí 1 bàn cũng là quá tốt!

    Hà Lan thay đổi lớn
    Kevin Strootman là ngôi sao mới đáng chú ý nhất trong cuộc chuyển giao thế hệ giữa các lão tướng đã qua bên kia sườn dốc phong độ như Sneijder, Van Persie, Robben với lứa trẻ đa số chưa tạo dựng được tên tuổi trong làng bóng Hà Lan. 

    Chính vì vậy, đáng lẽ Strootman phải là nhân vật trung tâm trong việc xây dựng lối chơi cho Hà Lan tại World Cup. Tiếc thay, vì chấn thương, HLV Van Gaal phải gạt Strootman ra khỏi danh sách sơ bộ. Hậu quả: giới quan sát đang chờ đợi những thay đổi lớn, từ nhân sự đến lối chơi của đương kim Á quân World Cup.

    Chưa thể hoàn thiện giai đoạn chuyển giao thế hệ, Cơn lốc Cam phải phiêu lưu tại Brazil đầy mạo hiểm với các cựu binh như Van Persie và Robben

    Có thể sơ đồ 4-3-3 đặc trưng của bóng đá Hà Lan sẽ bị thay bằng sơ đồ lạ lẫm 5-3-2, khi mà tổng số tiền đạo trong danh sách sơ bộ chỉ bằng đúng tổng số hậu vệ của CLB Feyenoord trong đội dự tuyển (4 người). Van Gaal cũng đã tiết lộ sau một buổi tập kín ở thời điểm đã đăng ký danh sách sơ bộ: “Chúng tôi đang chấp nhận rủi ro với những phương án lạ lẫm”.

    Mà dù không muốn, cũng phải mạo hiểm. Có quá nhiều gương mặt trẻ và ít tên tuổi trong danh sách đội Hà Lan kỳ này. Thế hệ cũ thì độ tin cậy không cao. Không nên quá kỳ vọng vào “Cơn lốc Cam” nữa!

    Tây Ban Nha sẽ dùng tiền đạo
    Hai năm trước, TBN chẳng cần có tiền đạo đích thực trong đội hình mà vẫn dễ dàng vô địch EURO để trở thành một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử. Bây giờ, báo giới tỏ ra bất ngờ khi các tiền đạo cựu trào như Fernando Torres, David Villa vẫn được đưa vào danh sách chuẩn bị cho World Cup. Diego Costa dù chấn thương không thể thi đấu nhiều hơn 9 phút trong trận chung kết Champions League vẫn được giữ chỗ.

    Có đến 7 tiền đạo được HLV Del Bosque đưa vào danh sách sơ bộ - gần bằng số hậu vệ. Bản thân Del Bosque tuyên bố sẽ chỉ gút danh sách chính thức vào đúng ngày 2/6, tức thời hạn cuối cùng. Điều đó cho thấy gần như toàn bộ tâm trí của ông đang được dồn vào sự cân nhắc giữa các tiền đạo. 
    Do hàng tiền vệ bị “lão hóa”, TBN buộc phải chuyển hướng trọng dụng các tiền đạo dẫu cho cả Torres và Villa đều không có phong độ tốt nhất ở mùa giải vừa qua

    Có 2 vấn đề quan trọng: một là chọn ai bỏ ai giữa Diego Costa và 6 chân sút khác. Hai là chọn lối chơi thế nào để các tiền đạo trong tay Del Bosque phát huy tác dụng. Danh sách sơ bộ cùng các vấn đề chuyên môn liên quan cho thấy kỳ này rất khó có chuyện TBN soạn lại bổn cũ, chơi theo sơ đồ 4-3-3-0 như tại EURO 2012.

    Rất có thể TBN sẽ chơi với 3 tiền đạo thay vì chơi kiểu tiền vệ 2 tầng. Không chỉ Torres, Diego Costa mà cả Pedro, Alvaro Negredo hoặc Fernando Llorente đều có hy vọng thể hiện khả năng. Cũng hợp lý, bởi gánh nặng tuổi tác không cho phép Xavi và các tiền vệ TBN gánh vác mãi trọng trách tấn công, ghi bàn. Nếu không thể chơi theo cách khác thì ít ra TBN cũng sẽ “cải biên” cách chơi Tiqui-taca quen thuộc.

    Brazil từ bỏ... “phẩm chất Brazil”
    Đại diện ưu tú cho những gì hay đẹp nhất về bóng đá Brazil dĩ nhiên phải là Ronaldinho, chứ không phải bất cứ tiền vệ nào trong danh sách hiện thời - kể cả Oscar (và có thể nói, Oscar là cầu thủ duy nhất trong 8 tiền vệ Brazil có lối chơi phần nào phảng phất đường nét sáng tạo). Ngoài Ronaldinho, HLV Felipe Scolari còn bỏ hẳn Kaka, Robinho và Damiao - các hảo thủ đều “rất Brazil”.

    Hiếm khi Brazil bước vào World Cup với một lực lượng thiếu vắng ngôi sao và cũng thiếu cả kinh nghiệm tham dự World Cup như lần giải này (mà đây lại là kỳ World Cup quá quan trọng đối với Brazil). Quan điểm của HLV Scolari đã lộ rất rõ: ông chỉ tin vào các cầu thủ đã sát cánh với mình (ít ra là từ giải Confeds Cup 2013). 


    Những cầu thủ như Fred, Jo, Paulinho đều được trọng dụng. Scolari thậm chí dùng cả hậu vệ ít tên tuổi Henrique chỉ vì ông từng huấn luyện và biết rõ cầu thủ này khi họ cùng ở CLB Palmeiras trước đây.

    Sự ổn định đang được đặt lên trên phẩm chất nghệ thuật trong ĐT Brazil, và với Scolari thì đấy chẳng bao giờ là chuyện lạ. Có chăng, chỉ xin nhấn mạnh: Scolari xem trọng tính ổn định trong đội hơn cả phong độ cụ thể của các ngôi sao. 

    Ronaldinho (ảnh) chơi rất thành công trong năm 2013 và Kaka cũng đã có vẻ “hồi sinh” kể từ khi trở về AC Milan, nhưng họ đều không được Scolari đoái hoài. Ông cũng không dùng Philippe Coutinho, một tiền vệ trẻ đang lên trong màu áo Liverpool và có khá nhiều đường nét riêng trong lối chơi. Với Brazil kỳ này, trước tiên cứ phải chờ đợi hiệu quả và sự chắc chắn, sau đó may ra mới có vẻ đẹp.

    Italia chấp nhận mạo hiểm
    Khi Đức bỏ Mario Gomez, Argentina bỏ Carlos Tevez, Brazil bỏ Ronaldinho hoặc Pháp bỏ Samir Nasri, đấy đều có vẻ là những quyết định mạo hiểm nhưng kỳ thực lại là sự thận trọng cần thiết để sớm loại bỏ nguy cơ rối loạn nội bộ. 

    Ngược lại, Italia đang chấp nhận mạo hiểm với Mario Balotelli. Azzurri có thể thành công vang dội hoặc thất bại thảm hại đều vì “ngựa chứng” này. Đối lập với việc chấp nhận nguy cơ bốc đồng từ phía Balotelli là việc HLV Cesare Prandelli gạt bỏ Alberto Gilardino. Tiền đạo này hiếm khi bùng nổ nhưng rất ổn định. Anh không sáng tạo nhưng rất tròn vai. Gilardino thi đấu để nhận điểm 7, còn Balotelli ra sân để nhận điểm 10 hoặc điểm 4 tùy theo... may rủi!

    Balotelli có thể là đòn bẩy đưa Italia đến thành công nhưng cũng có thể là hiểm họa khôn lường

    Cũng vì chấp nhận dùng một Balotelli khó lường, Prandelli đã ghi tên rất nhiều tiền đạo vào danh sách sơ bộ. Từ Antonio Cassano cũ kỹ cho đến những chân sút ít được biết đến bên ngoài Serie A như Ciro Immobile hoặc Alessio Cerci. Prandelli phải phân vân và đưa nhiều tiền đạo vào danh sách sơ bộ đến nỗi không còn chỗ cho Gilardino, Francesco Totti và Luca Toni.

    Nếu như Andrea Pirlo và Gianluigi Buffon (tổng cộng 71 tuổi) đại diện cho tính ổn định trong hàng ngũ Azzurri thì ngược lại, tiền đạo sẽ là khu vực có nhiều biến động nhất trong đội tuyển này. Đã đưa Balotelli đến World Cup thì dứt khoát cứ phải xếp anh vào đội hình chính (nếu không muốn anh... quậy). Đối phương sẽ dễ đoán chi tiết ấy và tìm cách bắt bài. Và việc làm tiếp theo của Prandelli là ông phải có... khá nhiều tiền đạo dự phòng. Rất phiêu lưu!

    Pháp đã ổn định đội hình chính
    Việc Didier Deschamps mạnh dạn bỏ luôn các nhà vô địch Premier League như Gael Clichy hoặc Samir Nasri nói lên điều gì? Thứ nhất, có thể Deschamps muốn bảo đảm tính kỷ luật, ngăn chặn mầm mống bất hòa trong đội (với  trường hợp Nasri). Thứ hai, chính ông đang rất tự tin với một đội hình khá mạnh và đồng đều trong tay.

    Bộ ba Paul Pogba, Blaise Matuidi, Yohan Cabaye ở khu giữa sân chính là nhóm cầu thủ nòng cốt hiện nay. Khi Pháp tấn công, Mathieu Valbuena và Franck Ribery sẽ tỏ ra nguy hiểm không kém gì Karim Benzema ở vị trí trung phong. 

    Pháp vừa có chiến thắng 4-0 trước Na Uy với sự tỏa sáng của nhiều trụ cột

    Đấy là lý do vì sao Deschamps chỉ cần đưa sang Brazil 3 tiền đạo và ông quyết đoán bỏ ngôi sao Nasri ở hàng tiền vệ. Giống như trường hợp Tevez ở ĐT Argentina, có thể Deschamps đang muốn củng cố tinh thần cho các tiền vệ nòng cốt của mình. Họ nên tập trung tinh thần vào việc chuyên môn, nâng cao sự ăn ý trong lối chơi, hơn là quan tâm đến vấn đề cạnh tranh chỗ đứng của nhau.

    Không phải ngẫu nhiên mà Deschamps còn gạt bỏ hàng loạt tên tuổi quen thuộc khác như Jeremy Menez, Yoann Gourcuff, Etienne Capoue, Remy Cabella, Eric Abidal, Adil Rami. Đấy đều là dạng ngôi sao mà khi lọt vào danh sách, rất khó đoán họ sẽ đá chính hay ngồi ngoài. Một mặt, Deschamps đã làm cho đội hình chính của Pháp trở nên rõ ràng, ổn định hơn. Mặt khác, ông đang chấp nhận phiêu lưu: khoảng cách giữa đội hình chính và lực lượng dự bị hiện khá lớn.
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Cùng chuyên mục
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội