Bóng Đá Plus trên MXH

Barca không phải là kẻ thù của Tướng Franco
Hồ Phương (lược dịch) • 08:49 ngày 26/03/2020
Như đã đưa ở kỳ 1, Tướng Franco chỉ thực sự để mắt đến Real Madrid sau khi họ giành được thành công đầu tiên ở nước ngoài là danh hiệu Copa Latina năm 1955. Nhưng kể cả có ủng hộ đội bóng áo trắng hay không, nhà lãnh đạo này cũng không hề coi Barca là kẻ thù.

    Với một nhà lãnh đạo như Franco, bóng đá không đơn thuần là một môn thể thao, mà còn là công cụ quảng bá. Đó là lý do ông dành sự ủng hộ cho Real Madrid, đội bóng đại diện cho chính quyền trung ương Madrid. Đó cũng là lý do ông không ưa Barca, CLB vốn là thành lũy của văn hóa xứ Catalunya.

    Nhưng cũng vì là một chính trị gia lão luyện, Tướng Franco không bao giờ bộc lộ rõ quan điểm của mình về vấn đề này. Như nhà báo Jimmy Burns, người nghiên cứu sâu về bóng đá Tây Ban Nha và từng có 30 năm gắn bó với tờ Financial Times tiết lộ: “Sân Bernabeu là nhà của Franco, nhưng bản năng chính trị khiến ông thường xuyên có mặt ở sân Les Corts, rồi sau đó là Nou Camp”. 

    Tướng Franco không chỉ đến đó vì lý do xã giao, mà còn có những mối liên hệ khá sâu xa với xứ Catalunya. Những vị giám mục mà nhà lãnh đạo này tôn trọng nhất, Goma, Pla và Deniel đều là người Catalunya. Giáo sĩ nghe xưng tội của Franco, Jose Maria Bulart cũng là người Catalunya. Rất nhiều bộ trưởng trong chính quyền của ông cũng vậy. Nhưng đây mới là chi tiết đáng chú ý nhất: cầu thủ mà nhà độc tài này yêu thích nhất cũng là một người Catalunya. Đó chính là Josep Samitier, người từng gắn bó với Barca trong cả vai trò cầu thủ lẫn HLV.

    Tờ La Vanguardia từng tiết lộ một chi tiết thú vị về chuyện này trong bài báo đăng tải năm 1994. Đó là khi người ta hỏi Tướng Franco về tài năng của Di Stefano, ông từng đáp lại: “Đúng, Di Stefano rất giỏi, nhưng Samitier còn giỏi hơn”. Nhà lãnh đạo này chơi rất thân với danh thủ của Barca, người về sau từng làm tuyển trạch viên và cả HLV của đội bóng xứ Catalunya. Và chính nhờ mối quan hệ đặc biệt với chính quyền Franco, Samitier từng giúp Barca có được Laszlo Kubala ngay trước mũi của... Real Madrid hồi mùa hè 1950.

    Tướng Franco (ảnh chủ) là người rất yêu bóng đá và có tình bạn sâu đậm với Samitier, người từng là cầu thủ và HLV của Barca

    Danh thủ gốc Hungary lúc đó có mặt ở Tây Ban Nha cùng đội bóng Hungaria, gồm các cầu thủ trốn đến từ Đông Âu. Đội bóng đã có một loạt trận đấu ở xứ sở bò tót và Kubala lập tức lọt vào tầm ngắm của Real Madrid. Nhưng nhờ sự liên hệ với chính quyền của Samitier và mối quan hệ cá nhân (Kubala là con rể HLV Ferdinand Daucik của Barca), đội bóng xứ Catalunya đã có được cầu thủ tài năng này. Kubala sau đó thậm chí còn được nhập quốc tịch và khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha.

    Giữa bối cảnh Chiến tranh lạnh, chính quyền Franco dĩ nhiên cũng không bỏ lỡ cơ hội để quảng bá cho sự kiện này. Câu chuyện về cuộc trốn chạy sang phía tây của danh thủ gốc Hungary đã được dựng thành bộ phim mang tên “The Stars Search for Peace” (Những ngôi sao đi tìm hòa bình), trong đó Kubala và Samitier thủ vai chính mình. Nhưng sau thành công với Kubala, Barca lại thất bại với một cái tên khác là Alfredo Di Stefano.

    Câu chuyện về vụ chuyển nhượng kỳ lạ của “Mũi tên bạc” đã được kể lại nhiều lần. Nhưng gói gọn là vụ đình công ở giải VĐQG Argentina kéo dài từ 1947-1949 buộc Di Stefano phải rời River Plate để đến Colombia chơi cho Millonarios. Cả Barca lẫn Real Madrid sau đó đều để tâm tới ngôi sao người Argentina, nhưng trong khi Azulgrana đàm phán với River Plate và đặt cọc 50% tiền chuyển nhượng (2 triệu pesetas) thì Los Blancos tìm đến Millonarios và chi... 27.000 pesetas để giành quyền sở hữu Di Stefano.

    Xung đột xảy ra để rồi FIFA vào cuộc và đưa ra phán xét kỳ cục: tiền đạo này sẽ chơi cho Barca 2 mùa 1954/55 và 1956/57, và khoác áo Real Madrid 2 mùa 1953/54 và 1955/56. Vì một lý do nào đó, cuối cùng Barca chấp nhận bán phần sở hữu của mình cho địch thủ với số tiền mà họ đã trả River Plate (2 triệu pesetas). Đến lúc này, chính quyền Franco mới ra mặt hỗ trợ, khi hoãn thi hành điều luật cấm ký hợp đồng với cầu thủ nước ngoài có hiệu lực từ ngày 24/08/1953 để Real Madrid có được Di Stefano. Nhưng rõ ràng, Barca chỉ có thể tự trách mình khi bỏ lỡ thiên tài người Argentina.

    23. Nếu nhìn vào bảng thành tích, khó có thể nói là Barca bị ghét bỏ dưới thời Franco. Vì nếu như Real Madrid đã giành 28 danh hiệu trong giai đoạn nhà độc tài này cầm quyền, thì đội bóng xứ Catalunya cũng đã có cho mình 23 chiếc cúp.

    Barca từng 3 lần tôn vinh Tướng Franco
    Không chỉ Real Madrid có mối liên hệ đặc biệt với Tướng Franco, chính Barca cũng từng 3 lần tôn vinh nhà độc tài này. Sau khi Barca thắng Sociedad 3-0 ở trận chung kết Cúp Nhà Vua mùa 1950/51, chủ tịch Agusti Montal Galobart của đội bóng xứ Catalunya đã vui đến mức tháo luôn chiếc huy hiệu của CLB trên ve áo và tặng Tướng Franco. Barca sau đó còn 2 lần tặng huy chương cho nhà lãnh đạo này, vào năm 1971 để cảm ơn vì sự hỗ trợ của chính quyền trong việc xây dựng khu thể thao đa năng và năm 1974, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập CLB.

    Sự biệt đãi dành cho Samitier
    Một trong những bằng chứng cho tình bạn của Tướng Franco với Josep Samitier là sự biệt đãi mà chính quyền dành cho cựu danh thủ của Barca. Trong tang lễ của Samitier diễn ra ngày 05/05/1972, các nhạc công đã chơi bản nhạc “Cant dels Adeus” và tất cả những người tham dự đều hát vang bài hát tiếng Catalunya này. Mà nên nhớ, dưới thời Franco, việc sử dụng tiếng Catalunya, Galicia và Basque hoàn toàn bị cấm.

    XEM THÊM

    Có thật Real Madrid thành công nhờ Tướng Franco?

    Kỳ 3 (cuối): Tướng Franco đã khiến thế hệ vàng Tây Ban Nha bỏ lỡ cơ hội chinh phục kỳ EURO đầu tiên năm 1960 như thế nào, để rồi phải 4 năm sau họ mới đăng quang trên sân nhà.

    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội